Sông Hằng chảy từ thiên giới...!!!

Thứ Sáu, 14/05/2021, 13:52
Từ nguyên của sông Hằng linh thiêng là “Ganga”, hiện thân của nữ thần Ganga - con gái Hymalaya - vị thần bảo hộ - Mẹ vĩ đại của đất nước. Truyền thuyết kể rằng để cứu người dân thoát khỏi nạn hạn hán khốc liệt, thần Sihva đã kéo một dòng sông từ trên trời cao thiên giới cho chảy qua đầu tóc mình hàng ngàn năm rồi đổ xuống trần gian.

 

Những ngày đầu tháng 5-2021 này các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin đất nước Ấn Độ đang chịu sự hoành hành dữ dội của Đại dịch COVID-19 với hàng chục triệu người mắc bệnh, mỗi ngày có tới hàng chục ngàn người nhiễm, hàng nghìn người chết vì thứ virus viêm đường hô hấp cấp độc ác... Cảnh bệnh viện la liệt bệnh nhân, cảnh xác người la liệt chờ hỏa táng... Người Việt Nam ai cũng đau xót, ai cũng muốn sẻ chia hoạn nạn với người bạn bè thủy chung, với đất nước là cái nôi của văn hóa châu Á, nhất là mảnh đất của Phật...

Nhưng cũng trên truyền thông người ta thấy mỗi sáng vẫn có hàng trăm người Ấn giữa đại dịch đi tắm trên sông Hằng. Không khẩu trang. Không giãn cách. Họ hầu như không biết hoặc không cần biết Đại dịch là gì...

Sông Hằng hiền hòa! 

Đó mới đích thực là Ấn Độ!

Ấn Độ hiền hòa vốn là đất nước của tôn giáo!

Từ nguyên của sông Hằng linh thiêng là “Ganga”, hiện thân của nữ thần Ganga - con gái Hymalaya - vị thần bảo hộ - Mẹ vĩ đại của đất nước. Truyền thuyết kể rằng để cứu người dân thoát khỏi nạn hạn hán khốc liệt, thần Sihva đã kéo một dòng sông từ trên trời cao thiên giới cho chảy qua đầu tóc mình hàng ngàn năm rồi đổ xuống trần gian.

Trong kinh Vê đa cũng dành những ngôn từ trang trọng nhất ca ngợi dòng sông Hằng có chức năng hóa giải mọi tội lỗi, tẩy rửa mọi uế tạp. Theo tín ngưỡng Hindu - dân tộc chiếm đa số lục địa Ấn, nếu tắm trên sông Hằng tức là mọi tội lỗi được gột bỏ. Nếu uống nước sông trước khi chết là một điềm may mắn cho cả người sống và người về với trời cao. Nhiều người Hindu còn yêu cầu được hỏa thiêu bên bờ sông Hằng rồi rải tro cốt lên dòng sông.

Suốt chiều dài lịch sử, từ khi có truyền thuyết, mỗi buổi sáng, khi bình minh lên, có hàng vạn người dân Ấn Độ đổ ra bờ sông Hằng để tắm, để gặp gỡ, chia sẻ, trò chuyện. Với họ đó là một ân huệ lớn của cuộc đời nên không có sức mạnh nào có thể tước bỏ ân huệ đó, kể cả thứ virus COVID đáng sợ nhưng mà vô hình kia...

Trong biểu tượng nhân loại thì “nước” vốn tượng trưng cho sự thanh tẩy dục vọng hướng con người tới miền nhân từ sáng láng. Vì là dòng chảy nên “sông” là biểu tượng cho sự đổi mới và tái sinh. Hơn thế, còn là biểu tượng cho sự trong sạch (vì được tẩy uế) và công cụ giải thoát. Nhưng với văn hóa Ấn Độ thì dòng sông Hằng thần thánh còn mang nghĩa biểu tượng cao hơn là “ban tặng sự phồn vinh và sự cứu vớt đầy phước lành”. Thế nên, những ai tắm ở sông Hằng sẽ được nữ thần “truyền cho sự tinh khiết vào trái tim”. Hầu hết tín đồ đạo Hinđu tin chắc chắn là vậy!

Sông Hằng trở thành vị thần bảo trợ cho cuộc sống và con người đất nước Ấn Độ, là sông Mẹ tuôn dòng chảy văn hóa vào cơ thể xã hội Ấn Độ. Nơi nào thiếu thứ nước tâm linh từ dòng chảy tinh thần đó, nơi đó không phải Ấn Độ!

Truyền thuyết nguyên thủy nhất kể nữ thần Ganga luôn ở tư thế đứng trên một con quái vật biển, vốn là phương tiện đi lại của Bà. Vẻ mặt thần thánh của Bà vừa nghiêm nghị, bao dung vừa phúc hậu, thánh thiện. Hình dáng Bà cho thấy một biểu tượng về sức mạnh, sự cao thượng, lòng dũng cảm. Bà luôn đội vương miện để lộ vầng trán cao thanh khiết, sáng ngời. Bà luôn đeo vòng cổ trễ xuống bộ ngực sung mãn biểu tượng cho khả năng ban tặng sự phồn vinh...

Truyền thuyết này là điểm tựa để có hai bộ sử thi bất hủ là “Ramayana” và “Mahabharata”, những sử thi cổ đại đồ sộ bậc nhất thế giới. Riêng “Mahabharata” đã có độ dài bằng 7 lần “Iliad” và “Odyssey” cộng lại.

Một trận chiến bên bờ sông Hằng trong “Ramayana”!

Có thể khẳng định kết cấu của sử thi “Mahabharata” đồ sộ là kết cấu của dòng chảy sông Hằng vĩ đại vì dòng sông như một biểu tượng nghệ thuật diễn tả đời sống tâm linh các nhân vật chính, chi phối, sai khiến nhân vật như một thủ lãnh tinh thần. 

Phần mở đầu của sử thi kể về nguồn gốc các gia hệ có cái cốt chính là dòng họ Vasus mắc tội với đạo sĩ Vasita nên chịu đầu thai xuống trần làm những đứa con của nữ thần sông Hằng và vua Santanu. Vừa ra đời những đứa trẻ ấy đã được mẹ (nữ thần) ném xuống dòng sông để giải thoát họ khỏi bùa chú của đạo sĩ. Đây chính là một cổ mẫu vĩ đại bất biến để về sau ai cũng muốn tắm ở sông Hằng với khát vọng rửa bỏ tội lỗi. Môtip được tắm ở biển và nước sông thiêng trở thành biểu tượng chung cho văn hóa nhân loại nói về sự đổi mới, tái sinh. 

Thần Lửa trong thần thoại Hy Lạp vốn là một cậu bé nghịch ngợm, hiếu động, một lần chọc quấy thần Dơt nên bị quẳng xuống biển, không may rơi trúng vào một hòn đảo nên bị thọt chân. Từ đó thần Lửa đi bị khập khiễng (bập bùng như lửa vậy!). Trong thần thoại Ai Cập, hoàng tử Morann con vua xứ Cairpe khi sinh ra là một quái vật bị câm liền bị ném xuống biển. May thay nước biển làm vỡ cái mặt nạ quái vật để rồi sau nay hoàng tử trở thành một quan tòa vĩ đại... Nhưng trong số tình tiết ấy thì ý nghĩa tắm nước sông Hằng là bền bỉ nhất, được nhiều người làm theo nhất. Và có thể sẽ còn mãi mãi một khi còn sông Hằng! 

Khi các cuộc chiến tranh theo tinh thần sử thi xảy ra, sông Hằng như một chứng nhân lịch sử. Chỉ có ở không gian sông Hằng các nhân vật mới có thể “ngộ” ra chân lý và đạo lý cũng như những nguyên lý của đời sống tâm linh Ấn Độ, của tinh thần Ấn Độ là hòa bình, vị tha. Nước thiêng giúp họ trở về với cội nguồn tính người để hóa giải thù hận. Trước dòng nước sông Hằng kẻ có tội sẽ nhận ra tội mà sám hối... 

Có một sự kiện không ai bỏ qua khi đọc “Mahabharata” là khi nhân vật phản diện Aswatthama bỏ trốn đến bờ sông Hằng với ý định trả thù một cách tàn khốc nhất là giết chết đứa cháu của dòng họ Pandava còn đang trong bụng mẹ nhưng hành động này bị nhân thần Krishna vô hiệu. Rồi cả dòng họ Pandava tha thứ cho hắn... Thì ra sông Hằng đã thánh thiện hóa con người. Từ đó tha thứ trở thành một tính cách Ấn Độ, một nét tâm linh Ấn Độ.

Kết thúc chiến tranh, dù chiến thắng nhưng không có khúc ca khải hoàn, vì dù sao thì chiến tranh cũng là hủy diệt, cả hai phía. Vua Yudhisthira chiến thắng lên ngôi vị cao nhất nhưng không có lễ hội hoành tráng nào. Chỉ là một nghi lễ cúng tế: “Nhà vua đi tới sông Hằng và đúng theo tục lệ cổ truyền dâng đồ cúng tế cầu siêu cho linh hồn những kẻ qua đời được yên nghỉ”. Cần nói rõ hơn là nhà vua cầu siêu cho mọi linh hồn đã khuất, cả bên này, cả bên kia, không phân biệt. Chi tiết này cho thấy rõ hơn ý nghĩa nhân văn của việc vua lên ngôi mà không có nghi lễ tương xứng. Đấy là một bản sắc Ấn Độ!

Chưa hết, vua Yudhisthira còn được miêu tả khi đứng trước sông Hằng, ông như đứng trước thánh đường tôn nghiêm, thiêng liêng và vô cùng kỳ bí để rồi tâm trạng nổi lên sự dằn vặt về những gì mình gây ra đau khổ cho người khác. Ông sám hối. Ông tự phán xử và tự trừng phạt mình. Ông trở thành biểu tượng cho sự chịu đựng và nhẫn nhục... 

Biểu tượng này đi vào văn hóa Ấn trở thành một châm ngôn sống và hành động: “Nhẫn nhục là đức tính cao cả nhất!”, “Chịu đựng là danh tiếng, chịu đựng là vinh quang!”. Vũ trụ quan của người Ấn Độ cũng là: “Toàn bộ sự vật vận hành theo nguyên lý chịu đựng!”. Thế nên ta hiểu thời hiện đại cách mạng Ấn Độ dựa trên nguyên tắc bất bạo động! Vì các ý niệm về đạo đức chịu đựng và nhẫn nhục đã thành nền tảng tinh thần xã hội Ấn!

Trong sử thi “Ramayana” các nhân vật luôn cầu nguyện và vái lạy sông Hằng. Nhân vật luôn coi dòng sông là điểm tựa sức mạnh, điểm tựa đạo lý để hành động. Đấy là một tín điều như một hằng số ở mỗi nhân vật. Truyền thuyết kể vua Xagara sai sáu mươi ngàn người con đi tìm con ngựa tế bị mất. Những người con ấy đã đi khắp thế gian, cuối cùng tìm thấy con ngựa ở gần thần Kapila. Họ liền cho rằng Ngài là kẻ ăn trộm. Nổi giận, thần Kapila thiêu cháy tất cả các con của vua Xagara. 

Người cháu của vua là Angxumana nhận được lời khuyên: “Phải làm lễ cúng nước thiêng Ganga. Được vậy thì tro than của sáu mươi ngàn người này sẽ lên cõi trời”. Quả thế, được cúng nước sông Hằng linh hồn những người đã chết được siêu thoát lên miền cao cực lạc. Truyền thuyết ăn sâu, hằn vết trong tâm thức Ấn: Khi chết được thiêu xác ở bờ sông Hằng là một hạnh phúc!

Truyền thống phải luôn nhịp cùng hiện tại để con người bước vào văn minh. Khư khư giữ lấy truyền thống sẽ là bảo thủ. Cả thế giới đang nỗ lực cao nhất để ngăn dịch... nhưng ở Ấn Độ thì chưa vậy. Đó là bài học: Viên ngọc truyền thống được soi dưới ánh sáng khoa học hiện đại sẽ càng rực rỡ hơn!

Nguyễn Thanh Tú
.
.