Sở hữu trí tuệ cần gì?

Thứ Sáu, 28/04/2017, 09:15
Ngày 26-4 được chọn là ngày "Sở hữu trí tuệ thế giới" (World Intellectual Property Day) kể từ năm 2000 và Việt Nam cũng đã có những hoạt động kỷ niệm ngày này khoảng vài năm trở lại đây.


Vào ngày thứ Bảy vừa rồi, 22-4, ở Hà Nội đã có một cuộc tuần hành thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham dự để bày tỏ sự ủng hộ đối với việc nâng cánh sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, một trong những quyền thể hiện sự văn minh của một xã hội. Cuộc tuần hành ấy đẹp mắt, nhiều màu sắc, với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Song, đọng lại, chúng ta nhận thấy rằng điều quan trọng là 364 ngày còn lại trong năm, chúng ta sẽ thực thi cái nghĩa vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ấy như thế nào, chứ không chỉ tham dự một cuộc diễu hành có tính phong trào rồi thôi.

Phải thừa nhận, ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hôm nay rất thấp. Và đáng buồn hơn cả là ở trong giới trẻ, những người vốn dĩ là nền tảng mạnh mẽ của một xã hội sáng tạo, những người được cập nhật với các quyền, quy định, giao ước văn minh của thế giới hiện đại, ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng không hơn gì phần còn lại của xã hội.

Rõ ràng, thói xâm phạm các sở hữu trí tuệ của người khác đã thành một tập quán xấu, thậm chí được coi là việc nghiễm nhiên có thể làm và điều đó cho thấy ý thức chấp pháp của người Việt đang ở mức độ nào.

Chúng ta có thể tìm thấy ở bất kỳ một cuộc thi trên truyền hình nào hiện nay những sản phẩm âm nhạc có vay mượn của nước ngoài và gây ồn ào trong dư luận tùy theo mức độ vay mượn "khéo léo" đến độ nào. Bước ra ngoài thế giới âm nhạc, ở lĩnh vực điện ảnh cũng có những xâm hại quyền sở hữu trí tuệ kiểu ấy mà nếu liệt kê ra, chắc một trang viết này cũng không xuể. Và nếu chỉ cần xem trên mạng xã hội thôi, chúng ta đã nhận thấy việc vi phạm sở hữu trí tuệ phổ biến như thế nào.

Đơn cử, tuần trước, sau trận bóng đá ở cúp châu Âu giữa Real Madrid và Bayern Munich, một người trẻ khá nổi tiếng và có uy tín trong giới bình luận thể thao đã thuổng nguyên một dòng trạng thái của một phóng viên thể thao châu Âu và điềm nhiên đăng tải như thể đó là quan điểm, phát hiện và văn phong của mình. Chỉ đến khi một diễn đàn bóng đá phát hiện ra và tung lên bình luận xoay quanh hành vi ấy, nhà bình luận kia mới lặng lẽ "biên tập" lại dòng trạng thái của mình bằng một bức ảnh đính kèm hình ảnh chụp màn hình trang cá nhân của tác giả nguyên gốc.

Hành động chữa cháy ấy thực ra chỉ là màn che đậy khá vụng về. Mọi thứ sẽ minh bạch hơn nếu thay vì tấm ảnh, nhà bình luận nọ chỉ việc đính kèm dòng chú thích "xin lỗi đã để hiểu lầm, status này tôi dịch lại từ dòng tweet của…".

Hành vi kiểu ấy không thiếu trong chính giới cầm bút hôm nay và điều đó cho thấy mức độ nguy hại của thói nghiễm nhiên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là như thế nào. Rõ ràng, ở Việt Nam, việc hiểu thế nào là quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền xuất bản, quyền nhân thân tác giả vẫn còn vô cùng mơ hồ và do đó, thực thi các nghĩa vụ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn chưa được xem là việc mà mỗi cá nhân đều cần phải có một phần trách nhiệm trong đó mỗi khi mình quyết định công bố một sản phẩm nào, dù nhỏ.

Vậy thì để trở thành một quốc gia có ý thức tốt về bảo vệ sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần phải làm gì? Tuyên truyền là một chuyện nhỏ; các hoạt động như cuộc tuần hành hôm 22-4 cũng chỉ là một chuyện rất nhỏ.

Cần phải có những chế tài thực sự, những chối từ thẳng thừng từ cộng đồng đối với những sản phẩm vi phạm để chủ nhân của chúng cảm thấy mình đang đứng ngoài thế giới, lạc lõng với thế giới như thế nào. Có như vậy, mới mong rằng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ đã được Việt Nam quan tâm một cách nghiêm túc và từ đó, các nhà đầu tư quốc tế mới cảm thấy an tâm hơn với thị trường Việt Nam, một thị trường mà xưa nay họ vẫn còn e ngại rất nhiều bởi chính thói vi phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách nghiễm nhiên.

Văn Đoàn
.
.