Sau câu chuyện Tùng Dương và Bolero
- Tùng Dương “Thiêu thân” trong âm nhạc
- Ca sĩ Tùng Dương: Tôi hát khác… xưa rồi
- Tùng Dương: Kẻ có “thuật giả kim”
- Tùng Dương “bùng nổ” với những thử nghiệm mới trong đêm Gió mùa thứ hai
Câu chuyện mới xảy ra liên quan đến Tùng Dương lại khơi dậy cái đối đầu kia và thật sự tiếc cho Tùng Dương. Toàn văn bài phỏng vấn, Tùng Dương đã giữ được một thái độ trung dung, một thái độ không kỳ thị, một thái độ tiến bộ. Nhưng chỉ vì một câu thôi, "già trẻ lớn bé đắm chìm trong bolero là sự thụt lùi", Tùng Dương đã đưa mình vào thế khó.
Phải thừa nhận, nếu Tùng Dương nói rằng "Nếu cứ hát bolero mà không tinh tế được hơn người xưa thì chỉ làm hỏng cái đẹp của bolero và đó chính là sự thụt lùi trong âm nhạc", có lẽ người nghe sẽ nhìn Tùng Dương với con mắt kính nể hơn. Tiếc cho Tùng Dương đã quá vụng, nhất là khi phát biểu của Tùng Dương rơi đúng thời điểm Đàm Vĩnh Hưng chuẩn bị làm liveshow thuần bolero ở Hà Nội, còn Tùng Dương sẽ làm live concert "Trời & Đất". Đâm ra người ta hiểu về Tùng Dương có độ lệch đi nhiều.
Nhưng cái đáng tiếc hơn cả chính là Tùng Dương đã để mình tham gia vào chuyện không đáng tham gia một cách dễ dãi quá. Trong một bài viết gần đây, trên tờ Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Tùng Dương cho biết anh làm "Trời & Đất" theo tinh thần avant-garde (tiên phong). Khi đã xác lập cho mình vị thế avant-garde, có nghĩa là người nghệ sỹ đã lựa chọn con đường "art music".
Và Tùng Dương đúng là một nghệ sỹ rất có hơi hướm của art music trong suốt cả sự nghiệp của mình chứ không phải đến bây giờ mới ngả theo con đường ấy. Vậy thì khi đã đặt mình trong art music, với lượng thính giả riêng, có thể số lượng ít hơn nhưng sẽ tinh tuyển hơn, việc Tùng Dương tham gia mạn đàm về bolero, một thứ âm nhạc giải trí phổ thông, sẽ chỉ thêm mất thời gian và công sức không hơn không kém.
"Nước sông không phạm nước giếng" là câu người ta vẫn thường nói và đặc biệt, khi nghệ sỹ ở xu hướng này đánh giá về khán giả của một xu hướng khác, điều ấy lại càng không nên. Khán giả của bolero là đại chúng, là số đông và do đó phản ứng lại đối với Dương mạnh mẽ thế cũng là dễ hiểu. Nhưng đằng sau nó, còn có cả một lớp ý nghĩa khác mà có lẽ Dương và nhiều nghệ sỹ nên tránh sau này để chuyện ồn ào như vừa rồi đừng bao giờ thành một cuộc chiến nữa.
Con người ta không ai có thể tự tin cho rằng mình đã thẩm định hết tất cả các thể loại, tác phẩm âm nhạc mới được xuất bản trên thị trường. Đa số chỉ cảm nhận được sự lấn át của thể loại, tác phẩm nào đó và mặc định coi nó là chủ lưu. Từ đó, ta khái quát cả thị trường trong cả chủ lưu ấy là phiến diện. Cụ thể, bolero đúng là đang chiếm số đông nhưng không hẳn các thể loại khác đã chết. Vẫn có những sáng tạo mới, với những lớp khán giả mới ủng hộ mà tiếc rằng Tùng Dương và cả những nghệ sỹ như Tùng Dương không có đủ thời giờ để lắng nghe hết.
Bởi thế, sau tranh luận này, để lại một bài học lớn cho những nghệ sỹ muốn tuyên ngôn trên thị trường. Đó chính là đừng vội khái quát hoá một hiện tượng để mặc định bản chất của thị trường là như vậy, đặc biệt là khi nó là vấn đề đụng đến khán giả cũng như thuộc tính văn hóa riêng của mỗi vùng miền.