Sách "Đất nước Việt Nam qua các đời" - lỗi chồng lỗi

Thứ Sáu, 08/12/2017, 08:34
"Đất nước Việt Nam qua các đời" của tác giả Đào Duy Anh là một công trình nghiên cứu Địa lý học lịch sử Việt Nam có giá trị to lớn, đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000). Vậy mà đến nay vẫn chưa có một bản in hoàn thiện. Mỗi lần tái bản lại càng sai.


Càng tái bản càng sai

Tính đến năm 2017, cuốn "Đất nước Việt Nam qua các đời" được coi là có bốn phiên bản: Bản đầu tiên do Nhà Xuất bản Khoa học in năm 1964; bản thứ hai do Nhà xuất bản Thuận Hóa in năm 1994; bản thứ ba do Nhà xuất bản Hồng Đức liên kết với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam Xuất bản vào tháng 7 năm 2016 (từ đây xin gọi tắt là bản Nhã Nam 2016).

Trước đó vài tháng, cuối 2015, Nhà xuất bản Hồng Đức còn liên kết với Công ty CP Sách Alpha tái bản "Đất nước Việt Nam qua các đời" dựa trên bản in năm 1964, đã cho bạn đọc thưởng thức một sản phẩm "thảm họa" của ngành Xuất bản mà chúng tôi đã có dịp phản ánh trên Văn nghệ Công an năm 2016 qua bài: "Tái bản sách "Đất nước Việt Nam qua các đời" của học giả Đào Duy Anh: Lỗi nhiều như trấu".

"Đất nước Việt Nam qua các đời", bản Nhã Nam 2016, chủ yếu dựa trên bản in năm 1994. Theo "Ban biên tập" cho biết, bản in lần này "có tham chiếu với bản 1964 để xử lý những chỗ không rõ ràng, sai từ, mất câu…" (trang 17). Có thể nói, bản Nhã Nam 2016, từ chất liệu giấy in đến cách thức trình bày bìa, là phiên bản đẹp nhất từ trước đến nay.

Bìa sách "Đất nước Việt Nam qua các đời" bản Nhã Nam 2016.

Ngoài phần "Biên giới nước ta qua các đời", index đã được bổ sung trở lại, trong phần phụ lục có cung cấp thêm niên biểu cuộc đời học giả Đào Duy Anh, thư mục các công trình nghiên cứu, mang đến cho bạn đọc góc nhìn đầy đủ nhất về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả. Tuy nhiên, toàn bộ lỗi sai trên bản do Nhà Xuất bản Thuận Hóa in năm 1994 mà bản Nhã Nam 2016 dựa vào để tái bản, cùng với lỗi nhầm lẫn của bản in lần đầu năm 1964 của Nhà Xuất bản Khoa học, đều được bản Nhã Nam 2016 tiếp nhận lại gần như toàn bộ.

Bên cạnh đó, bản Nhã Nam 2016 còn "tặng" thêm cho bạn đọc nhiều lỗi sai khác trong quá trình biên tập. Ví dụ, tại trang 17, không có tên đề mục, do Ban Biên tập của Nhã Nam viết rằng, "Đất nước Việt Nam qua các đời" xuất bản lần đầu tiên bởi Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội. Hai chữ "Xã hội" là do Ban biên tập tự ý cho vào.

Năm 1964 chỉ có Nhà Xuất bản Khoa học trực thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Còn Nhà xuất bản Khoa học Xã hội mãi năm 1967 mới được cấp giấy khai sinh. Cũng chính trang 17 này viết: Cuốn sách được xuất bản "lần tiên năm 1964", vậy là giữa "lần và tiên" thiếu một chữ đầu. Điều đó chứng minh rõ ràng, sách "Đất nước Việt Nam qua các đời" càng tái bản lại… càng sai!

Lỗi chồng lỗi

Trong công trình nghiên cứu này, với khối lượng tài liệu tham khảo đồ sộ, cộng với tài liệu, công cụ tra cứu hạn chế, khó có thể đảm bảo chắc chắn không phát sinh sai sót. Việc tái bản bổ sung và sửa chữa là công tác không thể thiếu trong khi tái bản. Dưới đây, chúng tôi xin thống kê vấn đề lỗi chồng lỗi qua bản Nhã Nam 2016. Mong rằng, qua hàng trăm lỗi sai trong sách, song do khuôn khổ bài viết, mà chúng tôi mới chỉ ra một số, các đơn vị làm sách sẽ rà soát kỹ lưỡng, thẩm định cẩn trọng để có những dịp tái bản sẽ sửa chữa sau này.

Bản Nhã Nam 2016, ngay trang 9, đã viết một nhân vật có tên là Nguyễn Thiên Tùng. Đây là tái bản sai, bản in lần đầu 1964 đã viết đúng là Nguyễn Thiên Túng (trang 7). Bản Nhã Nam 2016, trang 10 viết "Bình thuộc". Lỗi tái bản sai, bản 1964, trang 8 viết đúng: "Binh thuộc". Bản Nhã Nam 2016, trang 11 viết "Toàn tập Thiên Nam địa đồ" là sai; bản in lần đầu viết đúng: "Toản tập Thiên Nam địa đồ" (trang 8). Bản Nhã Nam 2016, trang 13 viết: "Kiên trì diên cách, hình thể, thị lập, từ miên" đều sai. Bản in lần đầu viết đúng: "Kiến trí diên cách, hình thế, thị tập, từ miếu" (trang 8). Bản Nhã Nam 2016, trang 15 viết sai "diệp thu thủy" bản in lần đầu viết đúng "diệp du thủy". Đây đều là kế thừa các lỗi sai từ bản in Thuận Hóa (1994).

Bên cạnh đó, khi tái bản, bản Nhã Nam 2016 cũng "tặng" thêm cho bạn đọc những lỗi sai khác như trang 25 viết sai sông Gianh ở Quảng Bình thành sông Giang; sông Gâm thì liên tục viết sai thành sông Gầm (các trang 30, 31, 33)

Nhiều trang viết cho thấy người biên tập đã không dụng công với bản thảo, giữ nguyên cách viết của tác giả từ hơn nửa thế kỷ trước. Ví dụ: huyện Quế Dương và Võ Giàng tỉnh Hà Bắc ngày nay (trang 21); "huyện Sơn Vi tỉnh Phú Thọ ngày nay" (trang 21); "làng Hạ Lôi huyện Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay" (các trang 33, 42, 51)…

Đành rằng, đây là nguyên bản tác giả viết, song đến nay nhiều địa danh về địa lý hành chính đã thay đổi, cần bổ cứu hay hiệu chỉnh. Khi đó, với chức năng nhiệm vụ của mình, người biên tập hoàn toàn có thể có những chú thích về địa danh hành chính ngày nay. Đó mới là cần đến người biên tập, nếu không, với kỹ thuật hiện đại, các đơn vị xuất bản chỉ cần chụp lại một bản in nào đó mà họ cho là đúng nhất rồi tái bản lại, đâu cần đến người biên tập làm gì.

Những chi tiết sai trong cuốn sách.

Tác giả cũng sai

Ngoài vấn đề lỗi chồng lỗi, chúng tôi liệt kê vài ví dụ nêu trên, thì khi so sánh với bản in đầu tiên 1964, chúng tôi nhận thấy, Đào Duy Anh - học giả khổng lồ trong ngành khoa học xã hội - cũng có lỗi sai. Ví dụ, Lời dẫn, trang 11, bản đầu 1964, viết: Nhạc Sở đời Tống. Đây là nhầm lẫn. Viết đúng phải là Nhạc Sử.

Bản in đầu 1964, chương VII, trang 84, Đào Duy Anh viết: Lê Khắc Chính; tuy nhiên Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám Cương mục đều chép là Lý khắc Chính. Hay ở trang 98, bản in đầu 1964 viết: Đời Cao Tông năm Bình Trị Long Ứng. Viết đúng phải là năm Trị Bình Long Ứng. Ở chương 12, trang 131, bản in đầu 1964, liệt kê số phủ, châu, huyện có sự sai khác so với tài liệu chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám Cương mục. Ví dụ, ở mục Trấn Lạng Sơn, trang 142, bản in đầu 1964, viết:... Đời Hồ cắt 95 thôn cho nhà Minh. Đúng ra, theo các tài liệu chính sử, nhà Hồ chỉ cắt có 59 thôn cho nhà Minh mà thôi.

"Đất nước Việt Nam qua các đời" của Đào Duy Anh trải qua nhiều lần tái bản, tuy có bổ sung và sửa chữa, nhưng vẫn chỉ tái bản một cách máy móc, giữ nguyên si những chỗ tồn nghi, lỗi chồng lỗi, mỗi lần tái bản lại sinh ra lỗi nhiều hơn. Chưa có nhà xuất bản nào làm được việc tái bản có bổ sung sửa chữa theo đúng nghĩa. Qua bài viết này, chúng tôi mong các nhà xuất bản và gia đình học giả Đào Duy Anh lưu ý để sớm có được bản hoàn thiện nhất.

Cuốn sách hiếm hoi có index

"Đất nước Việt Nam qua các đời" xuất bản đầu tiên năm 1964. Ở vào thời đại internet chưa phát triển, nguồn tư liệu thiếu thốn, việc nghiên cứu, tổng hợp, trích dẫn tư liệu là vô cùng khó khăn, thế nhưng học giả Đào Duy Anh đã cho ra đời một tác phẩm nghiên cứu địa lý học lịch sử Việt Nam đầy đủ nhất, và hệ thống nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Trong bản in đầu này, tác giả đã đưa vào sách công cụ tra cứu hữu dụng - Index "Bảng sách dẫn tên địa lý" ở cuối sách. Đây là công cụ tìm kiếm thông tin ở dạng từ khóa như tên sách, tên báo tạp chí, tên người, tên địa danh, chủ đề, từ ngữ, v.v... có khi trong index còn thêm phụ chú nhỏ cho mỗi đề mục. Cuốn sách này có thể nói là một trong những cuốn hiếm hoi thời đó có index đáp ứng yêu cầu trực tiếp trong việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam.

Công trình được học giả nước ngoài đánh giá cao

"Đất nước Việt Nam qua các đời" còn có một phiên bản chữ Hán do Chung Dân Nham dịch trên bản 1964, được xuất bản ở Trung Quốc vào năm 1973. Đây là một trong số ít tác phẩm của tác giả Việt Nam được dịch và xuất bản tại Trung Quốc. Điều này cho thấy "Đất nước Việt Nam qua các đời" được giới học giả nước ngoài đánh giá rất cao.
Sơn kiều mai
.
.