Quảng bá văn học Nga ở nước ngoài -Từ lời nói tới việc làm

Thứ Ba, 03/10/2017, 14:24
Năm 2016, Báo điện tử Công nghiệp sách lần đầu tiên tổ chức hội nghị bàn tròn về các vấn đề cấp bách của việc quảng bá văn học Nga ra nước ngoài. Một năm sau, tại triển lãm sách quốc tế Moskva lần thứ XXX, các nhà xuất bản, nhà văn, lãnh đạo các tổ chức nhà nước và xã hội lại gặp nhau để trao đổi về những cơ chế cụ thể của việc quảng bá các tác giả Nga ra nước ngoài, thông báo về những gì đã làm được năm ngoái, và những nhiệm vụ nào đang đứng trước các chuyên gia của ngành. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Nhiệm vụ thứ nhất: Phát triển cơ sở hạ tầng

Các tác giả Nga đang được đọc ở nước ngoài, nhưng chúng ta muốn để họ được đọc nhiều hơn. Đặc biệt là các tác giả đương đại. Để thực hiện điều đó cần một cơ sở hạ tầng phát triển. Đó là các cơ quan ủng hộ việc dịch các tác tác giả viết bằng tiếng Nga như: Tổ chức độc lập phi lợi nhuận “Viện dịch thuật”, Quỹ Mikhail Prokhorov thực hiện chương trình “TRANSCRIPT”.

Đó là “Trung tâm sách Đức ở Moskva”, hỗ trợ sự phát triển xuất khẩu và buôn bán giấy phép giữa Nga và Đức. Đó là hệ thống các giải thưởng, dịch giả, biên tập viên, việc đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ và sự hỗ trợ thông tin. Nhà nước cũng đã sẵn sàng giúp đỡ. Ông Vladimir Grigoryev, Phó Giám đốc Công ty Xuất bản và truyền thông đại chúng Liên bang cho rằng việc quảng bá một chiều của các tác giả không có hiệu quả. Cần những biện pháp đồng bộ và hàng loạt sáng kiến đang được thực hiện.

“Chúng tôi tài trợ cho khoảng 20 hoạt động tại các triển lãm và hội chợ sách quốc tế, nơi các nhà xuất bản Nga năm nào cũng tham gia để tiếp xúc với các đối tác nước ngoài của mình. Chương trình của chúng tôi “Nước Nga - khách mời danh dự” đang góp phần để các nhà xuất bản nước ngoài chú ý tới những tác giả mới. Năm 2011, chúng tôi đã thành lập “Viện Dịch thuật” và tài trợ cho hoạt động của nó để tiền thưởng đến tay các dịch giả văn học nước ngoài. Tháng 9 - 2018, chúng tôi sẽ triệu tập Hội nghị dịch giả văn học quốc tế. Nước Nga có một hệ thống giải thưởng văn học hoàn chỉnh cho phép các nhà xuất bản định hướng vào những tên tuổi mới. Trong khuôn khổ triển lãm-hội chợ sách quốc tế Moskva lần thứ XXX, chúng tôi đã ký thỏa thuận với Hy Lạp về trao đổi với nhau các bản dịch” - Ông Vladimir Grigoryev thông báo.

Giám đốc chương trình của “Viện Dịch thuật” Nina Litvenets nói về sự hợp tác của “Viện Dịch thuật” với các nhà xuất bản như sau: “Để nhận được sự hỗ trợ tài chính cho bản dịch, nhà xuất bản cần làm đơn. Cần lưu ý: Vị trí của nhà xuất bản trên thị trường sách, kinh nghiệm thực hiện các bản dịch từ tiếng Nga của nhà xuất bản, số lượng biên tập viên chuyên nghiệp, và các tác phẩm trước của dịch giả. Chúng tôi trưng bày những cuốn sách xuất sắc của các nhà xuất bản Nga tại các triển lãm và hội chợ sách. Tôi cảm thấy rằng việc giới thiệu sách chúng ta ra nước ngoài sẽ có hiệu quả hơn, nếu các nhà xuất bản hợp tác với nhau. “Viện Dịch thuật” - đồng minh của các nhà xuất  bản, và những cuốn sách hay có thể chuyển ngay cho chúng tôi, không cần nhắc nhở. Hiện tại chúng tôi đang thu thập sách cho các triển lãm quốc tế”.

Bà Anastasia Milekhina, Giám đốc Trung tâm sách Đức ở Moskva công bố các số liệu thống kê về số lượng giấy phép đã bán được từ Nga sang Đức và từ Đức sang Nga: “Năm 2016, có 101 cuốn đã được bán sang Đức. Trong số đó có 69 đầu sách văn học. Cũng trong năm này, chúng tôi bán được 286 đầu sách từ Đức sang Nga, nghĩa là nhiều gấp ba. Trong tiếng Đức các tác giả Nga sau đây nổi tiếng: Boris Akunin, Andrey Bitov, Viktor Erofeev, Sergey Lukyanenko, Viktor Polevin, Varlam Shalamov, Vladimir Sorokin, Ludmila Ulitskaya, Evgeny Vodolazkin, Guzel Yakhina,….

Trung tâm sách Đức ở Moskva sở hữu một bộ sưu tập sách rất lớn. Chúng tôi sưu tầm được tất cả các cuốn sách của các tác giả Nga đã dịch sang tiếng Đức. Bắt đầu từ Pushkin, Gogol và kết thúc bằng các tác giả đương đại. Bộ sưu tập rất ấn tương, với khoảng 700 đầu sách”.

Nhiệm vụ thứ hai: Tăng cường kinh nghiệm làm việc với các đối tác nước ngoài

Đã đến lúc các nhà xuất bản mở rộng chân trời. Xung quanh chúng ta có rất nhiều độc giả tiềm năng: 1,5 tỷ người đọc tiếng Anh, 750 triệu người đọc tiếng Ảrập và 400 triệu - tiếng Tây Ban Nha. Theo dự báo, sau 2-3 năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường sách lớn nhất thế giới, còn tỷ lệ sách nước ngoài ở đấy sẽ chiếm 50%. Vì vậy, bất cứ tác giả nào chưa nổi tiếng ở nước Nga, đều có thể nổi tiếng ở nước khác. Các nhà xuất bản làm gì để quảng bá các tác giả của mình ra nước ngoài và họ đang đấu tranh với những rào cản nào?

Bà Marina Abramova, Phó Giám đốc Nhà xuất bản EXMO-AST nhận xét rằng các nhà xuất bản Nga tại các triển lãm quốc tế giới thiệu loại văn học trí tuệ, “đỉnh cao” thay cho việc giới thiệu với các đồng nghiệp nước ngoài văn học các thể loại khác nhau: “Trên thực tế văn học trí tuệ không nằm trong khuynh hướng chung của thế giới. Chúng tôi đề ra nhiệm vụ dạy các biên tập viên xử lý thông tin một cách linh hoat, biết ngoại ngữ tinh thông, hiểu rõ các khuynh hướng, thể loại nào hiện đang được ưa chuộng, và không ngần ngại giới thiệu những loại sách khác nhau tại các cuộc triển lãm”.

Theo Marina Abramova, không chỉ các biên tập viên mà cả các tác giả cũng cần học cách làm việc theo kiểu mới: “Hợp đồng với một tác giả mới được ký trong ba năm. Khoảng thời gian này không đủ để quảng bá tác giả ra nước ngoài. Chúng tôi có các công cụ để quảng bá giấy phép của nhà văn trên các thị trường nước ngoài, nhưng cần phải ký hợp đồng trong một thời gian dài hơn. Các chuyên gia nhất trí rằng cần phải nghĩ tới việc hướng ra thị trường quốc tế trong giai đoạn thai nghén ý tưởng của tác phẩm”.

Ông Evgeny Kapiev, Tổng Biên tập sách phi văn học của Nhà xuất bản EXMO chia sẻ kinh nghiệm quảng bá các tác giả và thương hiệu ra nước ngoài: “Năm ngoái, chúng tôi đã bán được gần 40 đầu sách. Điều đó chứng minh rằng nếu làm việc một cách hệ thống, các tác giả Nga có thể trở nên nổi tiếng trên trường quốc tế. Thành công lớn nhất chúng tôi đạt được là khi xây dựng dự án có nhu cầu ở nước ngoài.

Ở Nga, cuốn sách được bán với tên gọi này, nhưng khi xuất khẩu lại nó lại mang tên khác. Nhiều nhà xuất bản hoạt động trên thị trường quốc tế, ban đầu vẽ một cái bìa sách để xem mọi người phản ứng ra sao, và nếu họ không thích thì tác giả thậm chí không viết nữa.

Cứ mỗi năm, chúng tôi lại bán được gấp đôi số giấy phép. Một trong những nguyên nhân là những nhà xuất bản mà chúng tôi cộng tác đã hình thành được cơ sở hạ tầng để làm việc với các tác giả Nga. Bạn chỉ cần ký hợp đồng cho một dự án là nhà xuất bản tìm thấy người phản biện, dịch giả, biên tập viên. Và sau khi kết thúc dự án, mọi người muốn tiếp tục làm việc, chính họ chờ đợi những dự án mới. Có những nhà xuất bản mua đến 15 đầu sách trong số 30 đầu sách trong thư mục của chúng tôi”.

 Theo bà Yana Kazieva, cán bộ nhà xuất bản thiếu nhi Samokat, sách thiếu nhi Nga nhận được nhu cầu lớn nhất trên thị trường quốc tế. “Năm 2016, chúng tôi thuê một cái giá tại Hội chợ sách Frankfurt, trang trí nó giống như cuốn sách, làm thư mục, bổ sung những tác phẩm mới. Lần đầu tiên chúng tôi tự giới thiệu với cộng đồng nước ngoài không chỉ như những người mua giấy phép mà như những người bán. Sau đó chúng tôi thuê gian hàng ở Bologna. Ban đầu mục đích của chúng tôi chỉ là trang trải các khoản chi phí tham gia hội chợ, nhưng cuối cùng chúng tôi đã kiếm được tiền. Dự án này trở thành đầu tàu, khiến chúng tôi được chú ý” - Bà Yana Kazieva nói.

Bà Marina Kadetova, Tổng Biên tập Nhà xuất bản KompasGid nhận xét rằng bán chạy nhất là sách thiếu nhi có minh họa, sách tranh. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là ranh giới ngôn ngữ - các đồng nghiệp nước ngoài ít biên tập viên tiếng Nga có khả năng đọc và thẩm định văn bản. Ngoài ra, Marina Kadetova nhấn mạnh rằng sẽ làm việc đơn giản hơn nếu như gian hàng của Nga có giới thiệu những thư mục sách mới như các nước châu Âu đang làm.

Nhiệm vụ thứ ba: Học tập giới thiệu văn học khu vực

Trong phần hai của hội nghị, các nhà xuất bản khu vực tiến hành thảo luận. Họ ít có cơ hội tham gia các hội chợ sách quốc tế, tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ của Hiệp hội các nhà xuất bản sách Nga (ASKI), những cơ quan năng động nhất liên hệ được với các đối tác nước ngoài và thỏa thuận về việc bán giấy phép.

Ông Oleg Filimonov, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản sách Nga nhấn mạnh rằng nếu như các nhà xuất bản đến triển lãm mà không chuẩn bị gì, không biết ký hợp đồng, thu hút sự chú ý của đối tác, làm thư mục như thế nào thì không có cơ hội bán giấy phép. Tất cả những cái đó cần phải học. Ví dụ, có thể tổ chức các hội nghị và seminar chuyên môn cho các nhà xuất bản khu vực.

Ông Vladimir Chugunov, Giám đốc quỹ Ngôi nhà thân thuộc từ thành phố Hạ Novgorog đã bán được giấy phép cho một số nhà xuất bản, mặc dù ông không có nhiều kinh nghiệm tham gia các hội chợ sách quốc tế: “Làm việc với các nhà xuất bản nước ngoài rất vất vả khi chúng ta chưa gia nhập Hiệp hội các nhà xuất bản sách Nga. Lúc bấy giờ chúng ta chỉ có thể tham gia hai hội chợ sách Frankfurt và Belgrad. Sau đó ở Paris. Năm ngoái tôi bán được giấy phép một cuốn tiểu thuyết của tôi, tiểu thuyết thứ hai hiện đang được dịch. Một nhà xuất bản Romania yêu cầu chúng tôi bán giấy phép 4 cuốn sách thiếu nhi họ chọn trong thư mục của chúng tôi, in chung với ASKI. Hiện tại, chúng tôi đang bắt đầu một dự án quan trọng với một nhà xuất bản văn học Italia”.

Ông Sergey Simakov, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học quốc gia Tyumen đã triển khai một dự án trao đổi với nhà xuất bản Serbia. Tủ sách có tên gọi là “Tyumen. Văn học thế giới”. Dự tính, tủ sách sẽ tiếp tục và bao gồm các tác giả từ các nước khác. Đến lượt mình, các tác giả Tyumen có điều kiện công bố ở nước ngoài. Cuối năm nay, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Tyumen dự đinh thành lập thư mục giấy phép bao gồm khoảng 150 tác phẩm. 

Trần Hậu
.
.