Phim truyền thống - đôi điều cần nói

Thứ Ba, 15/09/2015, 08:02
Tuy không có những qui định cụ thể nhưng một điều gần như "luật bất thành văn" là lâu nay, một đơn vị đến ngày kỉ niệm thành lập, song song với việc đề nghị cấp trên khen thưởng là phải làm một cuốn phim truyền thống, dài thì một tiếng đồng hồ, phổ biến thì khoảng 35 đến 45 phút...

Phim truyền thống có ý nghĩa về nhiều mặt. Nó giúp cho mọi người thấy rõ hơn quá trình hình thành và phát triển của đơn vị đó, địa phương đó, giúp gặp lại những gương mặt của bạn bè đồng nghiệp đã một thời cùng nhau công tác, thấy rõ hơn những cống hiến của đơn vị, địa phương.

Nhiều phim truyền thống có nội dung hấp dẫn, khai thác được nhiều chất liệu mới lạ, làm tăng thêm sự tự hào về truyền thống trong các thế hệ của đơn vị, địa phương đó. Có nhiều người đã nói, bao nhiêu năm công tác ở đơn vị, địa phương mà không có điều kiện để tìm hiểu, nay được xem phim truyền thống của đơn vị, địa phương mình mới thấy hết, hiểu hết tầm vóc, ý nghĩa. Do vậy xây dựng phim truyền thống là một nhu cầu, một nguyện vọng thực tế đặt ra mà chúng ta cần quân tâm. Vấn đề là làm sao có được những phim truyền thống có nội dung hay. Đó là điều không dễ. Nó đòi hỏi khai thác tư liệu làm sao cho phong phú và hấp dẫn. Nhất là tìm cho được những tư liệu mới, chính của đơn vị, địa phương mà không thể trùng với các đơn vị, địa phương khác. Nó được thể hiện sâu sắc không chỉ bằng hình ảnh mà bằng cả lời bình và âm giọng của người đọc lời bình. Tất cả quyện vào một tạo nên âm hưởng của chất lượng phim truyền thống

Tuy nhiên gần đây, xem phim truyền thống của một số đơn vị, địa phương, thấy có những điều cần được điều chỉnh để nâng cao chất lượng. Nếu không sẽ rơi vào hình thức, làm cho mọi người quan niệm làm cho có, chẳng có gì mới hoặc không xem cũng đã biết cả rồi... Có tình trạng đó là vì:

- Phim truyền thống có lúc bị lạm dụng nên sản xuất hơi nhiều. Hễ kỉ niệm là có phim. Chẳng hạn những đơn vị kỉ niệm 10 năm thành lập đã có phim truyền thống, nay kỉ niệm 15 năm cũng lại phim truyền thống, mà xem thì thấy rõ hai phần, phần 10 năm cộng thêm phần 5 năm. Có địa phương kỉ niệm 5 năm tách ra rồi nhập vào cũng làm phim truyền thống. Đã có lúc người xem bàn tán tách ra đầy thành tích mà nhập vào cũng thành tích không kém... Đó là điều cần phải suy nghĩ. Làm sao khi thai nghén một phim truyền thống phải có được những tư liệu quí, ấp ủ được những điều tâm huyết, lắng đọng, làm nổi bật những thông điệp cần gửi gắm. Không nên nặng về biên niên sự kiện.

- Một số phim truyền thống ít có những tư liệu mang tính đặc thù mà có khi sử dụng những tư liệu chung. Điều này rất dễ thấy khi nói về thành tích góp phần cùng cả nước đánh Mỹ thì thường thấy sử dụng những đoạn trong các phim tài liệu quốc gia. Vẫn là hình ảnh của những đoàn quân ra trận, rồi cảnh máy bay địch ném bom... mà đã không ít lần chúng ta được xem, chỉ khác chăng là những lời bình.

- Có nhiều phim truyền thống nặng về nói hiện tại mà nói chưa đầy đủ về các thế hệ đã dày công vun đắp trước đó. Thế hệ những người lãnh đạo đơn vị, địa phương, nhất là những người đứng đầu xuất hiện nhiều. Hình ảnh những người của các thế hệ trước thì có phần mờ nhạt. Điều này đã gây nên không ít  phản cảm, cho rằng đó là phim của những "ông" hiện tại chứ có phải phim truyền thống đâu.

Đất nước vào những dịp có nhiều ngày kỉ niệm lớn thì cũng thường kéo theo nhiều đơn vị, địa phương có nhiều kỉ niệm truyền thống. Tất yếu yêu cầu làm phim truyền thống cũng tăng lên. Qua thực tế trên, người viết bài này rất mong muốn làm sao để nâng cao chất lượng phim truyền thống của các đơn vị, địa phương.

Không nên chạy theo số lượng, tránh kiểu làm phim theo phong trào. Phải chú trọng tất cả mọi yêu cầu, trong đó quan trọng là kịch bản và chất lượng tư liệu. Các đài truyền hình cần làm tốt việc lựa chọn để đưa phim lên sóng, cũng đừng vì sóng phát mở ra nhiều mà dễ dãi trong phần xét duyệt. Có như thế chúng ta mới có được những phim truyền thống có chất lượng, đáp ứng yều cầu mong đợi của mọi người. Hơn nữa cũng tránh được sự lãng phí tiền của Nhà nước trong khâu này.

Phạm Văn Thạch
.
.