Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Vương:

Phê phán cần phải bắt nguồn từ sự hiểu biết

Chủ Nhật, 06/12/2015, 08:00
Trong những ngày vừa qua, câu chuyện bản dịch bài thơ "Nam quốc sơn hà" đã trở thành một đề tài "nóng" thu hút sự quan tâm của dư luận.

Câu chuyện xoay quanh bản dịch của hai nhà Hán học Lê Thước và Nam Trân in trong phần dịch thơ bài "Nam quốc sơn hà" trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập Một của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành từ năm 2001:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.


Bản dịch trong sách giáo khoa trước đó (mà nhiều thế hệ học sinh từng thuộc) là:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Trên một số báo điện tử và mạng xã hội vừa qua có nhiều ý kiến tranh luận, trong đó nhiều ý kiến không đồng tình với việc sử dụng bản dịch của Lê Thước - Nam Trân thay cho bản dịch trong sách giáo khoa trước đây. Sau khi Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập Một trả lời trên một số báo, đài về vấn đề này, nhiều người vẫn tiếp tục nêu ra những câu hỏi và ý kiến khác nhau.

Về cuộc tranh luận này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Vương (Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), có ý kiến như sau:

Những người tham gia làm cuốn sách giáo khoa Ngữ văn 7 đều là những nhà chuyên môn hàng đầu trong lĩnh vực làm sách. Trong đó, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi đã có 8 năm làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, sau đó ông vẫn tiếp tục được mời đào tạo và viết sách. Giáo sư Nguyễn Đình Chú cũng có gần 60 năm đi dạy học rồi tham gia làm sách… Như vậy có thể nói, nhóm biên soạn đều là những người giàu tri thức, kinh nghiệm.

Giáo dục là lĩnh vực rất khó, rất nhạy cảm. Lâu nay chúng ta không có một hệ thống quan niệm về giáo dục một cách mạch lạc và hệ thống sách giáo khoa nói riêng cũng chưa bao giờ được đưa ra thảo luận, bàn luận một cách thật rộng rãi giữa những người có thẩm quyền hoặc những người thuộc vào hàng có thẩm quyền. Điều này dễ làm phát sinh những ý kiến "ngược dòng", những phản biện, ý kiến trái chiều không đáng có. Tôi quan niệm sự kiện liên quan đến bài thơ vừa rồi chỉ là bề nổi nhìn thấy của sự bất bình mang tính xã hội về giáo dục, mà một số lượng người khá đông đang cảm thấy bất ổn.

Tuy nhiên, theo tôi, sự phê phán cần phải bắt nguồn từ sự hiểu biết và sự nghi ngờ mang tính khoa học cần thiết, chứ cứ nói tùy tiện là không được!

Về bản dịch bài thơ "Nam quốc sơn hà" của Lê Thước - Nam Trân, một số tờ báo, một số người đang bị ngộ nhận khi nói đây là bản dịch mới, điều này là không đúng vì hai dịch giả đều là những người đã mất cách đây khoảng 40 năm thì làm sao có thể nói là mới! Thậm chí, có phóng viên khi gọi điện cho tôi còn nói không cần biết hai người dịch bài thơ này là ai! Tôi có thể nói, ngay cả Giáo sư Nguyễn Khắc Phi và Giáo sư Nguyễn Đình Chú cũng phải đối diện với những tên tuổi này với một sự kính trọng, khâm phục, vì đây là những bậc trưởng bối rất lão luyện trong lĩnh vực Hán Nôm.

Cụ Lê Thước là người đỗ giải Nguyên (đỗ đầu) trong kỳ thi hương cuối cùng của nền thi cử Hán học (năm 1919), có công rất lớn trong việc hệ thống lại tư liệu cổ của toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam, là tác giả của nhiều công trình đứng tên riêng. Còn cụ Nam Trân từng giữ chức Thị lang thời Nguyễn, là một người sành văn học, có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong dịch thuật... Có thể nói, đây là những người có "quyền uy" trong học thuật, thận trọng trong từng con chữ với thái độ trách nhiệm rất lớn. Vậy hai người này kết hợp lại để dịch một bài thơ gồm 28 chữ với tư cách là hai bậc trưởng lão vào lúc tuổi già thì khó có thể nghi ngờ! Khi chúng ta thực hiện một bản dịch thì phải đảm bảo về "tín, đạt, nhã" nghĩa là chính xác, đáng tin, truyền đạt hết ý tưởng của tác giả và đẹp trong câu từ. Trong đó yêu cầu cuối cùng là "nhã" chính là câu chuyện dẫn đến những ý kiến phản ứng đối với bản dịch này. Tôi cho rằng sự phản ứng nằm ở hai điểm, thứ nhất là từ "vằng vặc", thứ hai là cách gieo vần trắc có phần khó nghe.

Trong bài thơ "Nam quốc sơn hà", có thể nói "thiên thư - sách trời" gắn với bầu trời đầy sao. Theo nghiên cứu thiên văn học truyền thống, 28 vì sao (nhị thập bát tú) được phân bổ trong 4 phương, sao nào chiếu xuống địa phận vùng nào thì sẽ ứng với địa phận của nước đó. Từ "vằng vặc" không chỉ được dùng cho ánh trăng như hiểu biết của một số người mà "vằng vặc" còn có thể dùng cho ánh sao nữa, và khi nói "sao sáng vằng vặc" thì có nghĩa là vận của nước đó đang hanh thông, đang đi lên. Ngoài ra, việc sử dụng từ "vằng vặc" cũng làm cho tính biểu cảm của câu thơ cao hơn, và đây có lẽ là lý do dịch giả muốn dùng để nâng cao tính biểu cảm cho bản dịch. Còn từ "rành rành" thì thô hơn, nôm hơn và đặc biệt không thể hiện được vận nước đang sáng, đang đi lên!

Về thanh điệu của bài thơ, dù có nhiều dị bản khác nhau với một vài thay đổi, nguyên bản chữ Hán vẫn là bài thơ vần bằng. Có lẽ, theo hai cụ Lê Thước - Nam Trân, vần bằng không truyền đạt được dụng ý bực bội, nổi giận, không bằng lòng, vì vậy các cụ đã chuyển sang vần trắc để độ gằn của câu thơ cao hơn, độ nhấn mạnh của bài thơ dễ được cảm nhận hơn. Điều này hoàn toàn đúng với tâm trạng của người dân khi đất nước đang bị ngoại bang xâm lược!

Theo tôi, không cần điều chỉnh bản dịch của bài thơ "Nam quốc sơn hà" khi tái bản sách giáo khoa mới, tuy nhiên các nhà làm sách nên giải thích rõ hơn về sự lựa chọn của mình, mặc dù đây không phải là thông lệ. Trong đó, tác giả cần giải thích tại sao dùng từ "vằng vặc", rồi câu chuyện dùng vần trắc... Tôi được biết Giáo sư Nguyễn Khắc Phi đã có giải thích nhưng chưa rõ, chúng ta phải nói rõ hơn về thẩm quyền chuyên môn của các dịch giả để đánh tan những nghi ngờ dù vô tình hay hữu ý. Bên cạnh đó, theo tôi chúng ta cũng có thể để thêm bản dịch trước đây mà nhiều người yêu thích để học sinh tham khảo, đối sánh giữa 2 bản dịch, từ đó tạo ra lối tư duy mở cho các em.

Tóm lại, tôi cho rằng đây chỉ là một sự cảm nhận khác nhau mang tính thế hệ và thói quen trong văn học, không phải là vấn đề mang tính tư tưởng hay chính trị để làm to chuyện lên như vừa qua!

Qua câu chuyện này, tôi cũng muốn đề cập rộng hơn về vấn đề khung chương trình văn học hiện nay của học sinh phổ thông cần bố trí lại như thế nào hợp lý hơn. Chương trình giáo dục phổ thông có vai trò rất quan trọng đối với học sinh, đó là hành trang vào đời cho mỗi con người, trong đó môn Văn là một trong những môn quan trọng nhất.

Đối với văn học cổ, đặc biệt là văn học chữ Hán cần phải có một vốn liếng cổ ngữ nhất định thì mới hiểu được, nhưng học sinh phổ thông của ta hiện nay chưa có cái đấy. Để giảng văn có hiệu quả, tôi đề nghị đảo lại khung chương trình, trong đó văn học hiện đại và cận đại nên đưa xuống những lớp thấp còn văn học cổ đại nên đưa lên lớp cao hơn, vì văn học cổ cần lượng chữ nghĩa, kiến thức phức tạp hơn để hiểu được người xưa. Việc đưa những tác phẩm khó lên các lớp cao sẽ thuận hơn với sự phát triển trí tuệ của học sinh.

Bên cạnh đó, theo tôi, những người làm sách giáo khoa, dạy văn cũng cần trang bị lại kiến thức về văn học, đặc biệt là văn học cổ, phải hiểu đúng nội dung thì mới có thể định hướng đúng…

Tại sao bản dịch bài "Nam quốc sơn hà" trong sách Ngữ văn 7 đã dùng sang năm thứ 15 rồi bây giờ vấn đề mới đặt ra, đó là vấn đề cần suy nghĩ thêm. Cho dù người nêu vấn đề với động cơ nào và các ý kiến đóng góp ra sao thì các tác giả sách giáo khoa vẫn phải có thái độ bình tĩnh, khiêm tốn và cần phải có bản lĩnh để rút ra được bài học cần thiết. Giả dụ có những ý kiến hiểu lầm thì cũng phải tìm hiểu vì sao có hiện tượng đó để khắc phục. Về bài "Nam quốc sơn hà", dù có nhiều ý kiến, trong đó có những ý kiến gay gắt, chúng tôi thấy cũng không có vấn đề gì lớn đến mức phải thay bản dịch. Việc đánh giá khác nhau về chất lượng các bản dịch là chuyện rất bình thường, vấn đề cơ bản nhất là sách giáo khoa chúng tôi đã hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu được, thấm được linh hồn của tác phẩm: ý thức về chủ quyền, tinh thần bình đẳng dân tộc, quyết tâm chống xâm lược và niềm tin tất thắng.

Việc trao đổi vừa qua một mặt có thể làm cho các giáo viên lưu ý đi sâu thêm tìm hiểu văn bản quan trọng này, đồng thời có thể gợi mở cho giáo viên vận dụng phương pháp giảng dạy mới trên ngữ liệu đã có. Chẳng hạn, như có người đề nghị ra những đề mở, cho học sinh dựa trên những bản dịch khác nhau để so sánh những chỗ dị đồng, và nếu có thể thì phát biểu cảm tưởng, suy nghĩ, đánh giá của mình.

GS Nguyễn Khắc Phi

Đức Thái - Kim Sơn (ghi)
.
.