Nơi đất lành

Thứ Năm, 15/07/2021, 14:50
Đảo cò tại Khu du lịch sinh thái Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện - Hải Dương) là mảnh đất được thiên nhiên phú cho phong cảnh hữu tình. Đặc biệt là sự hiện diện của hàng vạn cánh cò, vạc đã giúp nơi này trở thành điểm đến lý tưởng của vùng đồng bằng Hải Dương. Nhưng nhiều năm qua, nạn “cò tặc” tấn công. Rất nhiều cò vạc bị bắt thịt. May thay, có một người hết lòng và có “mưu” bảo vệ đàn chim trời khổng lồ này.


Mẹo nhỏ hiệu quả lớn

Khu Du lịch sinh thái (DLST) Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam mướt mát xanh, là một điểm đến lý tưởng của huyện Thanh Miện. Để có được không gian đảo cò là sự nỗ lực bảo vệ của chính quyền cơ sở và người dân. Những cánh chim trời đã được nương nhờ bao tấm lòng thơm thảo. Một trong những người giỏi việc bảo vệ cò là ông Lê Văn Huy, nguyên Trưởng ban quản lý (BQL) khu DLST Đảo Cò, nguyên Trưởng Công an xã Chi Lăng Nam, là người góp phần làm nên bình yên thôn xóm nơi đây.

Ông Huy làm Trưởng BQL khu DLST Đảo Cò từ năm 2004 đến 2018. Không ít lần ông cùng các cựu chiến binh trong xã phải giằng co với những kẻ hám lợi, muốn bắt cò làm thịt hoặc bán cho các nhà hàng. Và biết bao lần, cuộc chiến ấy diễn ra trong đêm tối mà người nghe kể sẽ không khỏi ngộp thở. Có lẽ một lần chỉ với hai người mà bắt trói được 11 “cò tặc” là lần đáng nhớ nhất. Một buổi chiều ông Huy nghe lỏm được đám thanh niên bàn nhau sẽ dùng điện thoại liên lạc và bố trí người để nhảy xuống hồ, bơi ra đảo bắt cò, vạc. Tất cả điện thoại sẽ được bọc vào túi nilon bơi dưới nước để không ướt, và dùng tin nhắn báo cho nhau. Hễ thấy động thì cứ tụt xuống bèo mà trú ẩn, bảo đảm không ai tìm ra.

Ông Lê Văn Huy, người có nhiều năm bảo vệ cánh chim trời.

Ông Huy cũng nắm được thông tin nhóm thanh niên này sẽ bài bố hai người ngồi xe máy ở bên bờ chính dọc sân đình để đợi. “Đấy là chúng nó bàn với nhau thế, tôi nghe thấy chúng tính toán kế hoạch rất kỹ lưỡng. Chúng tính toán cả đường đi khi bắt cò cho vào bao tải thì vận chuyển kiểu gì cơ”, ông Huy cho hay.

Nắm bắt được âm mưu hại cò, nên ông Huy cũng tính toán bài bố anh em vây bắt. Chỉ cần ít người thôi nhưng hiệu quả, không dễ bị lộ. Chiều đó, sau khi thu dọn xong thì ông Huy bảo ông Thiết ra nhà để xe lấy xe, cũng nổ máy đi về. Sau đó gửi xe nhà dân và hai người quay lại, bảo đảm bí mật để đám thanh niên không hay biết. 

Ông Huy kể sự việc: “Tôi không ngồi ở dưới đất, mà tôi nằm lên mái tôn của lán bán quán cạnh bờ hồ. Nhưng chỉ nằm được một lúc thì người đau ê ẩm, vì mặt của nó không bằng phẳng. Hơn nữa, tôn mỏng, khi trở mình thì nó phát ra tiếng kêu. Tôi cố để không trở mình. Nhưng rồi tự nhủ, rằng cứ nằm thế này không ổn. Tôi may mắn tìm được mảnh gỗ đặt gần đó, nên đã kéo lên mái tôn lót chỗ nằm. Tôi chờ đến chừng 8 giờ tối thì bọn “cò tặc” mới ra quân. Chúng nó cởi truồng hết rồi lội xuống nước. Như kế hoạch, chúng để hai người lởn vởn đi xe máy bên ngoài chờ tín hiệu, còn phải đến hơn 10 người cởi đồ lội nước tiến về phía đảo. Chúng tôi đã thấy chúng dùng bao tải để đựng cò. Chừng 40 phút thì chúng lại bơi vào bờ. Tôi lẻn xuống áp sát bờ, nhưng nghĩ rằng chỉ có hai người, tôi với đồng chí Thiết cầm gậy thì không ổn. Nếu không thận trọng thì chúng chạy hết”.

Ông Huy đã chờ đến khi 9 “cò tặc” lên và đưa bao tải đựng cò cho hai tên trên bờ. Một số vẫn còn bên dưới hồ chuẩn bị làm… mẻ khác. Ông Huy cầm gậy vụt một tên vừa trao chiếc bao tải và hô: “Không được bắn. Khi nào có lệnh mới được bắn”. Tiếp đó ông hét lên: “Chúng mày đứng im, thằng nào chạy sẽ bị bắn”.

Nhóm thanh niên, tất cả 11 người nghĩ ông Huy có quân mai phục, có súng nên chỉ nghe vậy thôi đã rợn người. Ông Huy nghĩ lúc đó, các đối tượng “ngại”, vì sợ đội ông có súng thật, chẳng may chạy thì sẽ dính đạn. Lúc này ông Thiết vẫn đứng chặn ngoài cổng. Ông Huy tiếp tục vờ nói với ra bên ngoài: “Chưa đánh vội, nếu chúng nó chạy thì cho chúng ăn đòn ngay tức khắc”. Vậy là 11 “cò tặc” đứng im. Một số đối tượng đang trốn dưới nước cũng không dám manh động. 

Ông Thiết đứng bên trong thấy ông Huy hô to thì bấm đèn pin rọi ra. Ông Huy liền ra hiệu cho ông Thiết chạy ra, trói từng tên. Lúc đó không có dây, ông Thiết cởi dây thừng của những con thuyền dưới hồ để trói. Ông Nguyễn Thanh Cải - thủ đền thấy ồn ào, rọi đèn pin ra, càng làm cho bọn trộm tưởng đông người mai phục nên không dám phản ứng. Vậy là, chỉ có hai người đã bắt trói được 11 kẻ trộm cò. Trói xong ông Huy mới gọi điện thoại cho mọi người đến. Bọn chúng ngớ người ra. Phải 15 phút sau mấy Công an xã xuống đến hiện trường.

Vẻ đẹp của những cánh cò.

Còn nhớ, đầu tháng 6-2014 cũng có vài đối tượng dùng súng đột nhập vào đảo để bắn cò. Và hai đối tượng đã bị bắt đó là Hồ Văn Chỉnh (SN 1964) và Đoàn Văn Thành (SN 1995). Chỉ trong nháy mắt, hai đối tượng đã hạ sát 5 con hạc đen, loài chim mới đến đảo cò. Công an xã Chi Lăng Nam được thông báo và đã bố trí, bắt quả tang hai đối tượng. Tang vật thu giữ tại chỗ gồm hai khẩu súng săn bắn đạn hoa cải. Cả Chỉnh và Thành đều ở xã Gia Xuyên huyện Gia Lộc (Hải Dương).

Làm việc sáng tạo

Theo tìm hiểu, trước đây ông Huy từng là bộ đội. Xuất ngũ trở về địa phương, tham gia công tác xã hội, công tác trong Tổ An ninh xã, sau đó làm Công an, rồi tiếp đó được đề bạt làm Trưởng công an xã Chi Lăng Nam. Không chỉ là người góp phần giữ gìn bảo vệ bình yên thôn xóm, mà trong xã có “nguồn tài nguyên”, chính là đảo cò và những khu đầm đẹp mắt. Nhưng đảo cò, cùng những khu đầm cá lại là điểm thu hút sự chú ý của kẻ trộm. Kẻ thì nhằm vào ăn trộm cá, kẻ thì lẻn ra đảo bắt trộm cò. Ông Huy là người có nhiều sáng kiến trong việc chống trộm cắp, cũng như có cách riêng để có thể một mình mà bắt cùng một lúc vài tên trộm, khiến cho những kẻ bị bắt, bị trói mắt tròn mắt dẹt.

Hiện nay, ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam làm Trưởng BQL khu DLST Đảo Cò, ông Nguyễn Đăng Giảm, làm Phó trưởng ban. Hai năm trước, BQL khu DLST Đảo Cò đã phối hợp UBND xã Chi Lăng Nam thành lập Đội tự quản với 56 thành viên. Đội được chia làm 3 tổ tự quản gồm Tổ tự quản dịch vụ trên bờ, Tổ lái đò vận chuyển và Tổ bảo vệ xung quanh khu vực đảo cò với bán kính 3km. Từ khi công tác bảo vệ được tăng cường, số lượng cò, vạc, hạc… trên đảo ngày càng đông hơn với khoảng 18.000-19.000 con.

Ông Nguyễn Đăng Giảm cho hay, BQL khu DLST Đảo Cò “treo thưởng” cho những ai phát hiện đối tượng săn bắt cò, với mức gấp 5 đến 10 lần giá trị của mức phạt người vi phạm. Mỗi người dân trong khu vực bán kính 3km xung quanh đảo đều có thông tin riêng để kịp thời báo cho BQL, Công an xã và chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn tình trạng xâm hại đến đàn cò.

Ông Nguyễn Đức Võ, một người dân cũng tận tâm bảo vệ cò cho hay: “Người dân chúng tôi đều có ý thức bảo vệ chim hoang dã. Tôi đã đi thăm một số vườn cò và thấy họ cũng có những cách bảo vệ hiệu quả. Chúng tôi tự hào vì có khu du lịch sinh thái tuyệt đẹp này. Bảo vệ là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân chúng tôi”. Chung tâm sự ấy, ông Đào Quang Thắng, người hết lòng yêu thương đàn cò, vạc cho hay: “Người dân chúng tôi có những kinh nghiệm hay để bảo vệ chim, cò và tài sản của quê hương. Lại nói về ông Huy, đúng là giỏi thật. Một mình ông ấy còn bắt gọn bốn kẻ kéo lưới trộm, đến khi đưa về trụ sở UBND xã thì bọn họ mới ớ người ra là chỉ có mỗi mình ông Huy. Ở đây chúng tôi hết lòng bảo vệ. Nhưng chỉ thiếu cơ chế để bảo vệ thôi anh ạ”.

Có một điều đáng quan tâm, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu DLST Đảo Cò dự kiến được đầu tư hơn 45 tỷ đồng, hoàn thiện vào ngày 2/1/2020. Thế nhưng đến nay dự án chỉ hoàn thành một nửa hạng mục. Theo ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam, dự án mới được cấp gần 22,5 tỷ đồng và UBND huyện Thanh Miện đã giải ngân. Việc thiếu vốn đã dẫn đến dự án bị dở dang. Đây là dự án mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thanh Miện nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung. Mong các cấp, các ngành cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hải Miên
.
.