Nỗi buồn thiền định của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Thứ Ba, 20/01/2015, 08:00
Tôi đặc biệt thích thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thơ của ông chạm đến bản ngã, đến nỗi buồn tiền kiếp, đến nỗi cô đơn khôn cùng trong cõi hồn sâu kín của con người. Đọc thơ ông như chạm được vào vô thường vô ngã, vào thâm cung của chốn thiền định. “Thiền định”  là một trong những bài thơ mang lại cho tôi nhiều ám ảnh về nỗi cô đơn rợn ngợp ấy.

Thiền định          

Ngày ấy tôi thường hay đến đây
Đăm đăm soi mặt nước hồ đầy
Khói sương nhả tự trên trời xuống
Chỉ một mình tôi với bóng cây

Tôi thích về ngồi giữa lặng im
Rừng thông thoảng nhẹ khí thu chìm
Không ai cười nói không ai khóc
Chỉ một mình tôi với bóng chim

Tôi vẫn ngồi trong gió heo may
Một phiến hồ thu nước lại đầy
Ngày không thiên sứ chiều không nắng
Chỉ một mình tôi với bóng mây

Em kể tôi nghe chuyện núi đồi
Chỉ là ảo giác đấy mà thôi
Tôi nhìn trong khoảng mông lung ấy
Chỉ có tôi ngồi với bóng tôi

Em gọi tên tôi khắp mọi nơi
Gọi tôi vang động cả vòm trời
Tôi ngồi im vắng như lau sậy
Mờ mịt như màu sương khói thôi

Bài thơ mở đầu như một tự sự của ký ức. Một ký ức tôi đồ rằng đã nằm khuất sâu trong xếp lớp ký ức luôn dày vò thức đập của tác giả. Những chiều hoàng hôn phủ bóng, tôi – (nhân vật trong bài thơ) thích tìm đến nơi vắng vẻ để thiền định một mình. Tôi đến bên hồ nước trong, giữa một ngọn đồi nhiều thông rủ bóng. Ở đó, tôi hòa lẫn vào thiên nhiên, lặng lẽ thụ hưởng cảnh giới tuyệt đẹp trong không gian tĩnh mịch buổi chiều thu. Ở đó, tôi uống trọn cái không gian lãng đãng của khói sương, của khí thu chìm, của phiến hồ thu nước trong đầy soi bóng…  “Khói sương nhả tự trên trời xuống/ Rừng thông thoảng nhẹ khí thu chìm/ Một phiến hồ thu nước lại đầy…”. Tôi thả hồn mình sống phiêu lãng và chìm đắm trong một cảm giác cô đơn giữa vạn vật thiên nhiên. Trong vạn vật thiên nhiên đầy cảnh sắc ấy, nỗi cô đơn của tôi cộng hưởng với nỗi cô đơn của cảnh, vật, và cả chiếc bóng mình. Cảm giác đó được lặp đi lặp lại như một sự tối khẳng định ở cuối mỗi khổ thơ: “Chỉ một mình tôi với bóng cây/ Chỉ một mình tôi với bóng chim/ Chỉ một mình tôi với bóng mây/ Chỉ có tôi ngồi với bóng tôi''. Nhưng cuối cùng, bóng tôi cũng chẳng còn, cũng đã hư hao, chìm lẫn và nhòa nhạt theo: “Mờ mịt như màu sương khói thôi”.

Cảm giác một mình giữa thiên nhiên, thỏa sức để thiên nhiên vây kín, hay tự mình chủ định để cho mình tan biến, hòa lẫn vào thiên nhiên thì đều là cảm giác của một sự cô đơn đến tận cùng. Cô đơn đến độ trong không gian ấy, có cây, có phiến hồ, có mây trời, có bóng chim tăm cá, thì cuối cùng tất cả cũng mờ nhạt và biến mất hết để tôi chỉ còn thấy mỗi mình tôi ngồi với chiếc bóng tôi thôi.

Ám ảnh về cái bóng trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là một ám ảnh lớn về nỗi cô đơn, về khao khát được giải thoát khỏi nỗi cô đơn tiền kiếp ấy. Cái bóng của chính tôi ấy xuất hiện khá nhiều trong những bài thơ của ông. “Có nhiều khi tôi quá buồn/ Tôi ước mong về ngồi dưới cội cây xưa/… Có nhiều khi tôi quá buồn/ Tôi ước mong chung quanh chỗ tôi ngồi/ Mọc lên nhiều cây cỏ/ Cây xấu hổ đau gì mà rủ lá/ Tôi gập mình trong bóng tôi” (Cỏ, chim sẻ và châu chấu). Trong cảm giác quá buồn ấy, tôi ước mong mình như loài chim bé, đơn sơ bình thường nhất trong tất cả các loài chim như chim sẻ; loài cỏ dại nhất trong tất cả các loài cỏ hoang dại là cây xấu hổ mọc lên phủ kín dáng hình tôi. Nhưng ngay cả đến loài cây dại ấy cũng có những nỗi đau riêng trong tâm hồn cỏ, đau đến rũ lá trên thân mình. Một phép liên tưởng, một sự so sánh giữa cỏ dại đau rủ lá và tôi gập mình trong bóng tôi. Không biết tôi và cỏ ai đau hơn ai, ai buồn hơn ai trong cõi nhân thế rộng lớn này. Tôi thương bóng tôi, thương nỗi cô đơn tự tiền kiếp. “Dáng ai như tôi đi qua cánh đồng/ Thu nhặt lại mình trong từng ngọn gió”… Một hình ảnh đầy sức gợi, đầy ám ảnh về nỗi buồn, sự cô đơn trong bản thể của mỗi người. Bản chất đời sống của người nghệ sỹ là nỗi buồn luôn đeo đẳng và ngự trị.

Trở lại với “Thiền định” của Hoàng Phủ Ngọc Tường,  không còn trạng thái gồng mình lên để giấu giếm nỗi buồn, hay cay đắng thừa nhận “có nhiều khi tôi quá buồn” nữa. Ở ''Thiền định'', nỗi buồn đã được chưng cất, ủ men sang một trạng thái khác. Trạng thái đã cân bằng, đã ngự trị. Trạng thái giải thoát khỏi nỗi cô đơn để bước đến cái vô vi, vô thường, vô ngã. Ký ức là tôi, mà thực tại cũng là tôi. Tôi đang nhớ về ký ức, mà cũng là tôi đang ở trong ký ức ấy. Tôi của hôm qua hay tôi hôm nay thì tinh thần của tôi là vĩnh viễn, là mặc định.  Dù hồn có lai giáng ở một không gian nào, thời gian nào thì tâm trạng của tôi cũng đã thiền định rồi. “Không ai cười nói, không ai khóc” hay “Ngày không thiên sứ chiều không nắng”.  Không vui như từng vui mà cũng chẳng buồn như đã quá buồn. Không hy vọng một hạnh phúc sẽ đến, một phép mầu từ thiên sứ trên cao xanh. Và trong cái ký ức không mầu ấy, em – hình ảnh của hạnh phúc vừa ríu rít hiện lên, vừa gọi tên tôi vang động cả cảnh trí này, không gian này thì cũng chỉ còn là dư ảnh, là ảo giác. Tôi dẫu có trở lại nơi đây bằng ký ức, hay đang ngồi đây trong thực tại thì tất cả mọi thứ, dư âm náo động nhất mà em đưa tới cũng không còn làm run cảm xúc, hay xáo động tâm hồn tôi. Tôi giờ đây trong tĩnh lặng tuyệt đối, trong thiền định lòng mình. Tôi của vô vi, vô ngã.

Em gọi tên tôi khắp mọi nơi
Gọi tôi vang động cả vòm trời
Tôi ngồi im vắng như lau sậy
Mờ mịt như màu sương khói thôi

Tất cả chỉ còn là chút sương khói mong manh của ảo giác. Em đã đi qua khỏi cánh rừng tôi từ lâu lắm. Em đã quá xa trong ký ức tôi vẫn giữ. Và bây giờ, ngay cả sự hiện hữu của bóng mây, bóng chim, bóng cây hay bóng em thì những cái bóng sự vật ấy cũng đã tan biến, đã nhòa nhạt, đã mất hút. Chỉ còn lại chút bóng của tôi. Nhưng rốt cục ngay cả chút bóng tôi giờ cũng đã tan vào  sương khói tự bao giờ.

Đọc thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thấy buồn. Tìm trong nỗi buồn của ông là bóng dáng của nhiều nỗi buồn thế gian. Đọc thơ ông, có đôi khi tôi tự nhủ mình cũng cần phải biết học cách tìm quên, hay xóa đi chiếc bóng của mình. Sống trong cõi nhân thế này, xóa được cái bóng của mình để mà tĩnh tại, mà thiền định, mà bằng an hư vô ấy mới là đắc đạo.

Hà Nội, ngày đông lạnh 12/2014
Như Bình
.
.