Những món quà

Thứ Hai, 12/06/2017, 08:27
Một món quà ẩn chứa nhiều thông điệp tình cảm có giá trị kỷ niệm nhiều hơn là giá trị về tính hữu dụng. Có những món quà nhỏ mà chúng ta luôn cố gắng gìn giữ cho dù có thay đổi chỗ ở biết bao nhiêu lần đi nữa. Dễ hiểu, món quà ấy đến từ một người mà ta coi là đặc biệt, hoặc cái cách chọn món quà để tặng của họ cũng vô cùng đặc biệt, khiến chúng ta không thể nào quên được...


Đọc những thông tin xoay quanh món quà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mang theo để tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump, ắt hẳn chúng ta sẽ cảm thấy khá thú vị. Chợt nhớ lại món quà của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng Nhật hoàng trong đợt viếng thăm Việt Nam. Đó là tiêu bản tượng Adida ở chùa Phật tích, một tác phẩm nghệ thuật dân gian Việt Nam. Và cũng trước đó không lâu là món quà của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng ông Barrack Obama, một tiêu bản đầu rồng giống bản mẫu đầu rồng ở Hoàng thành Thăng Long.

Tất cả những món quà đó đều vô cùng ý nghĩa. Nó hàm chứa những nội dung thực sự và giữ được vị thế tự tôn của chủ nhà. Và từ những món quà ấy, chúng ta có thể nghĩ về chính mình, với những món quà mình đã trao, đã nhận trong đời sống hôm nay.

Đã bao lâu rồi bạn chưa chọn một món quà thực sự có ý nghĩa cho một mối quan hệ nào đó của mình khi có dịp? Hãy tự trả lời câu hỏi ấy, chúng ta có thể sẽ giật mình nhận ra rằng, mình đã bỏ quên ý nghĩa cơ bản của việc tặng quà một cách dễ dàng như thế nào. Thay vào đó, chúng ta quen với việc tiện tay gửi một phong bì, với suy nghĩ vô cùng giản đơn rằng “Cho gọn nhẹ. Để gia chủ muốn mua gì thì mua, chứ tặng món mà người ta đã có rồi thì phí”.

Thực chất, quan niệm thực dụng ấy không sai, nhất là khi nó được soi chiếu dưới góc nhìn kinh tế, tiết kiệm và tránh lãng phí. Nhưng phải chăng, việc tặng quà chỉ đơn giản là “một món hữu dụng”? Quà tặng hàm chứa nhiều hơn tính hữu dụng. Nó là thông điệp của tình cảm, quan tâm và thấu hiểu.

Hiện nay, cũng có trào lưu nhiều người trẻ sẽ đưa ra một “danh sách mong muốn” mỗi dịp bạn bè sẽ tặng quà mình, như sinh nhật hay tân gia chẳng hạn. Rồi mỗi người bạn sẽ lựa chọn tặng món nào trong danh sách ấy. Cái cách này dung hòa được giữa thực dụng và ý nghĩa tình cảm của món quà. Nhưng như đã nói ở trên, quà tặng nhiều khi không chỉ có giá trị ở khả năng hữu dụng của nó.

Một món quà ẩn chứa nhiều thông điệp tình cảm có giá trị kỷ niệm nhiều hơn là giá trị về tính hữu dụng. Có những món quà nhỏ mà chúng ta luôn cố gắng gìn giữ cho dù có thay đổi chỗ ở biết bao nhiêu lần đi nữa. Dễ hiểu, món quà ấy đến từ một người mà ta coi là đặc biệt, hoặc cái cách chọn món quà để tặng của họ cũng vô cùng đặc biệt, khiến chúng ta không thể nào quên được.

Vậy thì khi nhìn vào những món quà như thế, có bao giờ chúng ta tự hỏi mình là thay vì vội vã đổ lỗi cho tốc độ của đời sống, tại sao mình không đầu tư một chút thời gian, để tìm hiểu xem người mà mình sẽ tặng quà có sở thích gì, giữa mình và họ mối quan hệ đang như thế nào, và mình mong muốn gửi gắm thông điệp gì tới người ấy?

Và hơn nữa, tại sao ta không nghĩ rằng khi tặng họ một cái phong bì “lì xì” dịp tân gia, thôi nôi hay sinh nhật, họ có thể mua thứ gì đó nhưng thực tế không bao giờ họ nghĩ thứ họ mua được từ phong bao mà ta tặng họ chính là món quà? Đơn giản, chính chúng ta không dành thời gian để lựa chọn, để gửi gắm một tình cảm mà dễ dàng bỏ qua các công đoạn của việc tặng quà chỉ vì cái “tặc lưỡi” rằng: “Bận rộn mà. Ai trách?”.

Kinh tế phát triển, tốc độ sống ngày một gấp gáp hơn và đồng tiền đã len lỏi vào thế chỗ tình cảm quá nhiều. Chính chúng ta đã tạo nên các kẽ hở để đồng tiền có thể len lỏi dễ dàng như thế và chúng ta không cách gì biện minh được cho sai lầm ấy của mình. Và nguy hiểm hơn, chính sự dễ dãi kia của ta đã khiến ta khô chai hơn, làm xã hội cũng trở nên khô chai hơn. Ta có thể trách được xã hội vô cảm hay không, khi thực sự ta không vô can ngay từ những hành vi rất nhỏ?

Hãy tập lại, một lần nữa, việc gửi gắm những ý nghĩa vào trong từng món quà.
Hà Quang Minh
.
.