Nhịp điệu văn xuôi
- Nhà văn Đỗ Bích Thúy: "Nàng thơ" của văn xuôi miền núi
- "Nghe" nhạc bằng văn xuôi và trong văn xuôi
- Văn xuôi được mùa, thơ thêm một lần thất bát
Người để ý đến nhịp điệp văn xuôi một cách có chủ ý nhất có lẽ là Nguyễn Tuân. Ông đã từng nói rằng: “Người làm nghề viết phải biết tạo ra những câu văn có khớp xương biết co duỗi nhịp nhàng.” Sự “co duỗi nhịp nhàng” chính là sự trơn tru của câu văn, đọc lên thấy xuôi đều, êm mượt, lướt nhẹ như đi trên đường phẳng. Văn xuôi có nhịp điệu thường giàu chất thơ và đẹp. Người đọc ấn tượng và dễ nhớ. Đây là đoạn trích trong tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân:
“Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”.
Rất khó giải thích cái nhịp điệu của văn xuôi cụ thể ra sao nhưng có thể hiểu một cách đơn giản đọc câu văn lên nó không bị vấp, không bị khểnh, đọc đến đâu xuôi đến đó. Những vần trắc, vần bằng được đặt đúng chỗ tạo ra sự nhịp nhàng, ăn khớp, đặc biệt khi đọc to lên thấy sự phối thanh điệu rất nhuần nhuyễn, tự nhiên. Rất nhiều nhà văn chọn cách đọc to văn bản của mình lên để kiểm tra sự êm trơn của câu chữ và hiệu quả với người đọc. Sự đọc thành tiếng một đoạn văn là cách dễ nhất nhận biết đoạn văn ấy có nhịp điệu hay không và từ đó có những điều chỉnh nhất định trong cách dùng từ, đặt câu, nếu người viết chủ trương xây dựng nhịp điệu cho câu văn. Đây cũng là cách tôi hướng dẫn sinh viên lớp viết văn lựa chọn những từ, những chữ để hơi văn được nhịp nhàng, tự nhiên, cuốn hút và thân thiện với người đọc.
Nhịp điệu của văn xuôi, đặc biệt quan trọng trong câu kết của truyện ngắn, tản văn. Vì nếu biết sử dụng nhịp điệu, tác phẩm sẽ mở ra những khoảng mênh mang, tạo ra âm hưởng lớn hơn so với kiểu kết thúc cụt lủn hoặc không chú ý đến âm điệu, nhịp văn. Khi làm biên tập, tôi đã từng sửa những đoạn kết, câu kết của truyện và được tác giả đồng tình, họ đồng ý rằng chúng có hiệu quả hơn câu cũ.
Nguyên bản đoạn kết của truyện ngắn “Con ma của rừng già” của Kiều Duy Khánh như sau:
“Cú...cú...cú... Trong cánh rừng Cô Linh, con cú già đã kêu lên ba tiếng. Tiếng chim đêm xa vắng rơi vào trăng, sương bồng bềnh.
Đã nửa đêm”
Được sửa thành:
“Cú... cú... cú... Trong cánh rừng Cô Linh, con cú già đã kêu lên ba tiếng. Tiếng chim đêm xa vắng rơi vào trăng, bồng bềnh. Dự cầm cái bùa chải, ngửa người bàng hoàng, thấy thân mình bỗng nhẹ bẫng như rơi xuống một khoảng đầy sương…”
Nếu độc giả đọc to lên thành tiếng cả hai đoạn kết, sẽ thấy câu cuối cùng ở bản được sửa tạo ra những khoảng mênh mông và dư ba hơn.
Tương tự, nguyên bản đoạn kết truyện “Chiều nay thị trấn có mưa” của Yến Dương như sau:
“Mọi thứ xung quanh chợt bất động. Trong mắt tôi chỉ thu nhận hình ảnh chiếc xe Lead đang di chuyển. Tôi hoà vào màn mưa trắng, bàn tay chới với giữa không trung. Chiếc xe lao đi vun vút. Bức tranh bên mâm cơm vẫn thiếu một người ngồi. Tôi úp mặt vào mưa. Khóc”.
Được sửa thành:
“Mọi thứ xung quanh chợt bất động. Trong mắt tôi chỉ thu nhận hình ảnh chiếc xe Lead đang di chuyển. Tôi hoà vào màn mưa trắng, bàn tay chới với giữa không trung. Chiếc xe lao đi vun vút. Bức tranh bên mâm cơm vẫn thiếu một người ngồi. Tôi úp mặt vào hai bàn tay. Khóc. Thị trấn vẫn mưa tầm tã…”.
Lại tiếp tục đọc thành tiếng vang lên một chút ở bản biên tập, thậm chí độc giả có thể cảm nhận được tiếng mưa và tiếng khóc của nhân vật trong truyện.
Còn đây là một đoạn trong truyện ngắn “Khắc dấu mạn thuyền” của Bảo Ninh:
“Sụp mũ cối xuống, dựng cổ áo lên, tôi lần sâu vào trong màn mưa phùn mờ mỏng dưới trời đêm lạnh buốt. Hai vệt ray loáng ướt, chẳng khác nào một lối mòn độc đạo xuyên qua rừng rậm nhà cửa tối đen. Thành phố chiến tranh như bên bờ vực, hun hút hoang vắng. Tôi cắm cúi bước, thui thủi, tê dại. Thăm thẳm nối nhau những chặng đường khuya không ánh sáng đèn, không một bóng bộ hành, không bóng một hàng quán”.
Chỉ có vài câu, một nỗi miên man hoang vắng cộng với nhịp văn chầm chậm, đều đều gợi cho người ta không khí thế lương, buồn thảm của một thành phố đang có chiến tranh.
Thêm một ví dụ nữa về cái kết và cũng là một đoạn văn có nhịp điệu trong truyện ngắn “Cơn mưa hoa mận trắng” của Phạm Duy Nghĩa:
“Cái xác sạch bong, mũm mĩm của thằng Tốn nhòe dần. Một cơn lốc từ đâu thổi tới, cuốn lên thinh không mịt mù những chiếc lá đỏ rực có ba thùy. Khi những đốm lửa ấy cháy rần rật, xoay tròn rồi tan rụng hết, Thuận trông thấy Hà, cô bạn gái của Kiên mà chị chỉ biết mơ hồ qua tấm ảnh. Hai người gặp nhau ở Cán Hồ, cùng lạc trong rừng mận. Điều kì lạ là cả Thuận và cô sinh viên trẻ trung đều không mặc quần áo. Tất thảy vẹn toàn, trinh trắng, nguyên thủy, ban đầu. Hoa mận trút xuống ào ào thành một cơn mưa trắng xóa, xác hoa dâng ngập bắp chân. Cả hai cứ trần truồng bước đi trong mưa hoa, không thấy ngượng ngùng, người nhẹ bỗng, bâng lâng trong những ý nghĩ siêu thoát và chay tịnh. Tấm thân Hà thơm ngát như một tiên đồng. Lòng Thuận trong vắt, sạch tinh, tuyệt không còn ham muốn. Trừ diệt mọi ham muốn, trong tính đa dạng của trần thế, là trừ diệt cái gốc của mọi đau khổ. Chân lí Phật đạo là thế, giản dị, tươi lành và tinh khiết như một cơn mưa ở cõi vĩnh hằng.”
Như đã nói ở ban đầu, rất ít người chú ý đến nhịp điệu của câu văn hoặc không chủ trương như thế. Cứ viết cho tròn vành, rõ chữ, đúng ngữ pháp là được. Nhưng văn học là nghệ thuật của ngôn từ, nếu được thêm gia vị của nhịp điệu, tôi tin rằng câu văn sẽ hấp dẫn và quyến rũ hơn, thậm chí người đọc có thể nhớ được cả một đoạn văn dài mà không cần quá nhiều nỗ lực, điều này thấy rõ ở thơ và các thể loại văn biền ngẫu.
Nabokov viết: “His father and two grandfathers had sold wine, jewels and silk, respectively. At thirty he married an English girl, daughter of Jerome Dunn, the alpinist, and granddaughter of two Dorset parsons, experts in obscure subjects - paleopedology and Aeolian harps, respectively”.
Thiên Lương dịch: “Cha và hai ông của cha tôi buôn rượu vang, đồ trang sức và tơ lụa, theo thứ tự tương ứng. Năm ba mươi tuổi, ông cưới cô gái người Anh, con gái nhà leo núi Jerome Dunn và cháu gái hai mục sư vùng Dorset, chuyên gia về những đề tài ít ai biết đến - cổ thổ nhưỡng học và đàn phong hạc, theo thứ tự tương ứng”.
Dương Tường dịch: “Ông nội tôi kinh doanh rượu vang và hai cố nội tôi, một cụ bán đồ trang sức, một cụ mở cửa hàng tơ lụa. Năm ba mươi tuổi, cha tôi lấy một cô gái người Anh, con gái nhà leo núi Jerome Dunn và cháu gái một cặp vợ chồng mục sư ở giáo xứ Dorset, chuyên gia về những đề tài bí ẩn - cụ ông về cổ thổ nhưỡng học, cụ bà về đàn phong hạc”.
Tôi không quan tâm đến sự đúng sai của hai văn bản dịch nhưng về mặt nhịp điệu, tôi hài lòng với bản dịch của Dương Tường hơn. Đó là cách diễn đạt mềm mại, dễ chịu, đọc lên thấy câu văn nhịp nhàng, trơn tru và thuần Việt, có thể vì thế mà bản dịch của Dương Tường được số đông ưa thích hơn.
Và suy rộng ra, nhịp điệu là thứ có vẻ mơ hồ nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc mang tới sự hấp dẫn, mượt mà của những trang văn?