Kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015)

Nhà thơ tiếng Việt vĩ đại nhất

Thứ Tư, 21/10/2015, 08:00
Nguyễn Du với Tiếng Việt như là Puskin với Tiếng Nga, như là Gớt với Tiếng Đức, như là Đăngtê với Tiếng Ý, như là Sếchxpia với Tiếng Anh… vậy! Và Nguyễn Du với văn hóa Việt Nam, cũng giống như là Hôme đối với văn hóa Địa Trung Hải vậy!

I. Nếu Nguyễn Du chỉ làm thơ chữ Hán…

Thơ chữ Hán của cụ được các nhà thơ đánh giá cao, nhưng dân ta không mấy ai biết tới vì họ không đọc được! Sau này, dù có được diễn Nôm hay chuyển quốc ngữ thì căn bản cũng vẫn chỉ được lưu hành trong giới "có học" mà thôi. Và, ngay cả khi ấy, thơ chữ Hán của cụ vẫn còn bị soi xét, so sánh, bì kè với thơ Đường - Tống và với thơ của các nhà thơ chữ Hán khác ở chính nước ta. Nhưng khi đã "Xem Nôm Thúy Kiều" thì từ các bậc Hán học "danh gia vọng tộc", các "đại thụ" trong làng thơ Nôm, cho đến dân chúng, đều thích thú, thán phục, ngưỡng mộ, say mê, thậm chí là… "nghiện"!

Không chỉ thế, còn có hẳn một khu vực "Văn hóa Truyện Kiều" ở ta:

- Chốn bác học, đó là những nhà "Kiều học", là "Từ điển Truyện Kiều", là "Vịnh - Tập - Lẩy Kiều".

- Chốn dân gian, đó là "Bói Kiều", thi đọc Kiều xuôi - ngược v.v...

Trong văn chương Tiếng Việt, không có hiện tượng thứ hai nào như vậy!

Tại sao thế?

Ấy là vì với " Truyện Kiều ", Nguyễn Du đã đưa Tiếng Việt lên đến đỉnh cao nhất của nghệ thuật ngôn từ - nghệ thuật văn chương - và cũng lập tức làm cho nó trở thành "cổ điển"!

Nguyễn Du với Tiếng Việt như là Puskin với Tiếng Nga, như là Gớt với Tiếng Đức, như là Đăngtê với Tiếng Ý, như là Sếchxpia với Tiếng Anh… vậy! Và Nguyễn Du với văn hóa Việt Nam, cũng giống như là Hôme đối với văn hóa Địa Trung Hải vậy!

Ông đã cho văn chương một thứ ngôn ngữ đỉnh cao - ngôn ngữ nghệ thuật; cộng thêm "Văn tế thập loại chúng sinh" (song thất lục bát) vào, thì từ đó người Việt hoàn toàn tin rằng, Tiếng Việt có thể làm được tất cả trong văn chương từ Kể chuyện đến Tả cảnh, Tả tình và Triết luận.

II. Về sự "Đoạt thai hoán cốt"

1. Truyện thơ ở Việt Nam khá phong phú (Hoa Tiên, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phương Hoa…), nhưng hầu hết đều được viết "một màu", theo kiểu "trần thuật - tự sự" đơn giản. Thể loại Lục bát trong thơ ca ta rất phong phú (trong ca dao, hò vè, quan họ, quan ghẹo, hát ru, hát chèo...), nhưng đó vẫn chỉ là những "đoản khúc", dẫu không thiếu trau chuốt.

Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại khu di tích Quốc gia, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

2. Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm tài nhân viết ở cuối thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18, là một tiểu thuyết chương hồi (20 hồi), viết về một nàng Vương Thúy Kiều có thật trong lịch sử Trung Hoa.

Nhà nghiên cứu Trung Hoa Trần Ích Nguyên nhận định về Kim Vân Kiều truyện:  "Không nghi ngờ gì nữa, là sự đột phá quan trọng trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, vì thế, truyện có ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài Thụ Hổ khẩu, Hổ phách chủy đầu đời Thanh ra, truyền kỳ Song Thuý viên của Hạ Bỉnh Hoành giữa đời Thanh cũng là được cải biên từ Kim Vân Kiều truyện. Thậm chí, một phần nội dung trong Lục dã tiên tung của Lý Bách Xuyên, Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần cũng có thể được Kim Vân Kiều truyện gợi mở" (Trần Ích Nguyên - Nghiên cứu câu chuyện Vương Thuý Kiều - Phạm Tú Châu dịch - NXB Lao động - 2004).

Thế tức là, ở Trung Hoa, vì thấy nó hay nên nhiều người đã "Đoạt thai hoán cốt" nó để sinh ra các tác phẩm khác. Nó không thể tầm thường!

Sau đó, năm 1763, Kim Vân Kiều truyện được dịch ra tiếng Nhật (Thông tục Kim Kiều truyện) và được cải biên thành tiểu thuyết Nhật (Phong tục Kim ngư truyện). Đầu thế kỷ 19, nhà Trung Quốc học và Mãn Châu học người Nga A.Vladykin (1761-1811) - một người đương thời với Nguyễn Du - đã dịch Kim Vân Kiều truyện từ bản tiếng Mãn Châu sang tiếng Nga  nhưng chưa được xuất bản và hiện còn đang được lưu trữ tại Viện Đông Phương học Xanh Pêtécbua (Truyện Kiều khảo - chú - bình. Trần Nho Thìn và Nguyễn Tuấn Cường - NXB Giáo dục - 2007).

Nhìn rộng ra thế để thấy, từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân đã được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Mãn, tiếng Nga và còn được "cải biên" và vì thế, nó cũng không thể là một tác phẩm tầm thường trong những nhìn nhận "ngoại Trung Hoa"!

Sang đến Việt Nam, nhất định Kim Vân Kiều truyện cũng phải được tán thưởng và vì thế, nó mới tác động mạnh mẽ lên Nguyễn Du, ít nhất là về phương diện cốt truyện và những tình tiết trong đó. Có thế thì ông mới dồn tâm dồn tài "Đoạt thai hoán cốt" nó, kết hợp nó với khả năng diễn đạt và phổ cập của thể loại Truyện thơ và thơ Lục bát độc đáo ở Việt Nam, tạo nên một kiệt tác là Truyện Kiều, cống hiến cho dân Việt một đỉnh cao nhất trong một thể loại văn chương - Thể loại Truyện - Tiểu thuyết bằng thơ Lục bát Tiếng Việt!

"Đoạt thai hoán cốt" hay "Hoán cốt đoạt thai" vốn là một "thuật" trong nhiều "thuật" của Đạo Giáo Trung Hoa. Theo đó, các đạo sĩ cao tay có thể làm cho người ta thoát khỏi "Phàm thai tục cốt" mà thành ra "Thánh thai tiên cốt"!

Theo thời gian, nó chuyển nghĩa (hoặc gồm thêm nghĩa), để trỏ những việc mà người sau, tuy học theo tiền nhân nhưng lại có thêm nhiều sáng tạo mới, khiến "dấu vết" của tiền nhân không còn nữa, hoặc nếu còn thì rất mờ nhạt.

Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh chính là người đầu tiên chọn thành ngữ này để trỏ việc Nguyễn Du đã "hô biến" Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân thành ra "Đoạn trường tân thanh" (tức "Truyện Kiều") như thế nào. Đào Duy Anh viết: "Nguyễn Du giữ nguyên sự tích của tiểu thuyết Tàu, hầu như không thêm bớt chút gì", nhưng "Nguyên văn (nguyên tác?) thì tự thuật rất tỉ mỉ mà khô khan, chú ý đến những chi tiết không quan hệ và hay tả thực những cảnh tượng dễ kích động tai mắt người ta. Nguyễn Du thì tự sự rất vắn tắt, gọn gàng, chỉ kể những việc quan trọng, mà vừa tự nhiên, vừa nghị luận, khiến văn luôn có hứng thú. Phàm những đoạn mô tả duy thực thô bỉ, những đoạn thuyết lý dông dài, ông đều bỏ cả, lại chú ý đặc biệt về sự tả tình và tả cảnh…".

Sau này, Hoài Thanh nói: "Những con người của Thanh Tâm tài nhân chỉ là những bộ xương. Nguyễn Du đã biến những bộ xương thành những con người thực".

Sau này nữa, Nguyễn Lộc, Vũ Đình Trác, Lê Xuân Lít, Phạm Đan Quế cũng nói lại gần như thế!

Ngược lại, ở Trung Hoa, nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành lại phê phán Nguyễn Du là có lập trường phong kiến chính thống, đã hạ thấp Từ Hải vì đã lược tả uy thế quân sự của Từ Hải vốn được nguyên tác tả tỉ mỉ qua trận đánh giữa Từ Hải với quan quân triều đình, với bút pháp khoa trương! Nhà nghiên cứu này cũng phê phán Nguyễn Du hay khoe kiến thức văn học uyên bác nhưng "mắc sai lầm chồng chất", vận dụng không đúng, chẳng hạn như khi miêu tả tiếng đàn Kiều gảy cho Kim Trọng nghe trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Nguyễn Du đã kể tên bốn khúc nhạc cổ, trong đó không một khúc nào biểu hiện nỗi lòng của người thiếu nữ đang yêu!

Thế là từ đầu thế kỷ 20 cho đến đây, phía một số nhà nghiên cứu Việt Nam thì nhất định phải coi "Truyện Kiều" là "Quốc hồn quốc tuý" Việt; ảnh hưởng của "Kim Vân Kiều truyện" và Thanh Tâm tài nhân chỉ còn (hoặc căn bản chỉ còn) là "cốt truyện"! Ngược lại, phía một số nhà nghiên cứu Trung Hoa thì lại phê phán Nguyễn Du như vừa nói, thậm chí lại cố đề cao "Kim Vân Kiều truyện" để khả dĩ có thể hạ thấp "Truyện Kiều" và Nguyễn Du!

Tình trạng ấy, theo tôi là không hay chút nào và cũng không đúng! Không hay và… không đúng vì: Không có Kim Vân Kiều truyện thì không có Truyện Kiều, và nếu "Nguyên tác" không hay, không được người "Phóng tác"- "Chuyển thể" yêu thích, thì họ chẳng bỏ công ra để làm việc ấy; chưa kể rằng, làm một cách công phu và "vĩ đại" như Nguyễn Du! Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân không thể vốn là "Phàm thai tục cốt" được!

(Vả lại, chính Nguyễn Du, mở đầu "Truyện Kiều", đã chả viết: "... Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh..." đó sao? Cảo thơm và Sử xanh kia mà!

Thanh Tâm tài nhân và Nguyễn Du là tri kỷ! Không tri kỷ, không ai "duyên nợ" (theo hướng công - thiện- mỹ) như vậy!

Các bậc kỳ tài không bao giờ bị "mắc kẹt" ở thể loại, cấu trúc hay chi tiết!

Hãy lấy vài ba ví dụ:

+ Không có những người đi kể thần thoại Hy La khắp các thành bang Địa Trung Hải xưa, lấy gì cho Hôme "Đoạt thai hoán cốt" để có Iliát và Ôđixê?

+ Không có những người đi kể chuyện Tam quốc rong ở Trung Hoa bao đời, sao La Quán Trung có thể "Đoạt thai hoán cốt" chúng mà có Tam quốc diễn nghĩa?

+ Chính Sếchxpia đã "Đoạt thai hoán cốt" chuyện chàng Rômêô và nàng Juliét của nước Ý để tạo nên vở kịch Anh "kinh điển", "cổ điển" của mình.

Trở lại với Nguyễn Du! Nếu ta đã gọi Hồ Xuân Hương là "Bà chúa thơ Nôm" thì danh hiệu "Ông hoàng thơ Nôm" lại quá bé so với Nguyễn Du. Không! Ông là một thiên tài vô đối trong văn chương Tiếng Việt cổ kim!

Cao Bá Quát, một nhà thơ kiệt xuất, cả Hán lẫn Nôm; người chỉ "nhường" cho thiên hạ 1 bồ trong 4 bồ chữ có trên đời; người chả coi Tự Đức, ông vua hay chữ nhất triều Nguyễn, ra gì; nói rất ngắn: "Hoa Tiên răn người, Truyện Kiều hiểu người".

Răn người là giáo huấn và phổ biến kinh nghiệm sống, hiểu người mới là tri kỷ, mới là thấu hiểu mọi ái, ố, nộ, hỷ, ai, lạc của kiếp người; cả cộng đồng lẫn từng cá thể.

Đành rằng, phải hiểu đời thì mới có thể răn người, nhưng từ hiểu đời - răn người đến chỗ hiểu người như Nguyễn Du viết và Cao Bá Quát nói là cả một bước tiến rất dài về thời hiện đại! Nó bỏ lại sau lưng mọi hệ tư tưởng chính thống - giáo điều vốn có. Có lẽ, cả sáng tác lẫn lý luận - phê bình ta nên bắt đầu lại từ chỗ "Hiểu người" ấy. Và, văn chương Tiếng Việt còn mãi chịu ảnh hưởng, chịu ơn Nguyễn Du, bất kể là "cận" hay "hiện đại".

Mùa thu Ất Mùi – 2015

Đỗ Trung Lai
.
.