Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Từ trong văn học nhìn ra

Thứ Năm, 09/12/2010, 12:03
Nhắc tới Hoàng Trung Thông, bạn đọc thường nhớ ngay tới những bài thơ từng một thời được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, như "Bài ca vỡ đất", "Bao giờ trở lại", "Anh chủ nhiệm". Ít người để ý tới mảng phê bình tiểu luận, chân dung văn học của ông. Sự thực, đây cũng là một mảng đặc sắc trong văn nghiệp Hoàng Trung Thông...

Nhà thơ Vũ Quần Phương, trong bài viết "Người vỡ đất trở về với đất" in trên Báo Nhân Dân số ra ngày 17/ 1/ 1993 đã kể lại một kỷ niệm với cố nhà thơ Hoàng Trung Thông: "Với Hoàng Trung Thông, tôi còn có một tiếc nuối riêng. Cách đây ba năm, khi tôi là biên tập viên ở Nhà xuất bản Văn học, anh xách sang một bị cói lộn xộn giấy, sổ nháp và các tập sách đã in. Anh trao tôi và dặn: "Lẽ ra Chế Lan Viên chọn và viết giới thiệu tuyển tập cho mình, bây giờ Chế không còn nữa. Khi ốm nặng, Chế Lan Viên khuyên mình nhờ cậu. Đây có nhiều bài viết dở, cậu biên tập thế nào, tùy!". Rất tiếc, cơ chế thị trường vừa bung ra, nhà xuất bản chưa có vốn làm các tuyển tập thơ. Dự định ấy của Hoàng Trung Thông đành gác lại. Tôi chuyển đi công tác khác. Giờ đây tuyển tập của anh đang được các bạn thơ và nhà xuất bản xúc tiến thì anh lại ra đi...".

Không rõ cuốn tuyển tập thơ mà Vũ Quần Phương nhắc tới ấy, hiện số phận thế nào? Nhưng cứ theo cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại" do NXB Hội Nhà văn ấn hành hồi tháng 7 vừa qua thì chưa thấy cuốn tuyển tập thơ nào của Hoàng Trung Thông ra mắt bạn đọc cả. Và cuốn sách mà tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc ở đây, với độ dày ngót 600 trang, chắc chắn là một "tuyển tập phê bình tiểu luận" đầu tiên của Hoàng Trung Thông theo đúng nghĩa của nó. Một cuốn sách dày dặn, bề thế, dù cái tên sách "Những người thân, những người bạn" nghe lại khá... khiêm nhường.

Nhắc tới Hoàng Trung Thông, bạn đọc thường nhớ ngay tới những bài thơ từng một thời được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, như "Bài ca vỡ đất", "Bao giờ trở lại", "Anh chủ nhiệm". Ít người để ý tới mảng phê bình tiểu luận, chân dung văn học của ông. Sự thực, đây cũng là một mảng đặc sắc trong văn nghiệp Hoàng Trung Thông. Tuy không viết nhiều và có tầm chi phối rộng rãi tới quan điểm sáng tạo của nhiều cây bút trẻ như các nhà thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu, song ở những bài viết công phu, tâm huyết nhất, Hoàng Trung Thông cũng đã tạo được dấu ấn và thể hiện được cái duyên riêng, khá dí dỏm, tài hoa của mình. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn - trong bài "Hoàng Trung Thông và việc học hỏi của một người cầm bút" in đầu sách, đã đưa ra nhận xét: "Sự đọc của Hoàng Trung Thông chắc chắn kỹ lưỡng. Tuy không có cái tài hoa và cả cái bùng nổ của Xuân Diệu nhưng ở đó vẫn có cái phần phát hiện nho nhỏ mà các nhà hàn lâm không thể có. Có cảm tưởng như ông từ trong văn học nhìn ra chứ không phải từ ngoài nhìn vào".

Đến nay, dù đã ba chục năm trôi qua, song tôi vẫn không sao quên được cảm giác thú vị khi lần đầu được đọc bài "Lời giới thiệu" của Hoàng Trung Thông viết cho "Tuyển tập Xuân Diệu" (NXB Văn học, 1984). Phải thật sâu sắc, dí dỏm nhưng cũng lại phải tinh tế mới nêu ra được những nhận xét này về một nhà thơ cỡ như Xuân Diệu (mà chắc Xuân Diệu cũng phải... chịu): "Anh bồng bột, những sự sôi nổi của anh có lúc hơi quá lời; anh viết nhiều nhưng cũng có lúc hơi tham; anh có kiến thức rộng nhưng cũng có lúc hơi lạm dụng. Song những điều đó không thể tránh được ở một nhà thơ, nhà văn nào. Cái quý ở anh là sự trung thành, lòng chân thật, sức lao động không mệt mỏi và luôn luôn không muốn trở lại đường mòn".

Tôi có một thói quen là khi đọc các bài phê bình tiểu luận về thơ, tôi đặc biệt chú ý tới chất lượng của những câu thơ được dẫn ra trong bài viết. Bác Hồ từng nói: "Nước độc lập rồi mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì". Ở đây, quan điểm của tôi là: Một bài viết dù nói giời nói biển, rằng tác giả của nó khuynh hướng nghệ thuật thế này, phong cách sáng tạo thế kia, vậy mà những câu thơ được dẫn ra để minh họa lại không hay thì mọi sự coi như bằng không. Đọc bài viết về Xuân Diệu in trong tập sách, tôi nhận thấy những câu thơ mà Hoàng Trung Thông trích dẫn để minh họa cho điều ông muốn nói đa phần đều  đặc sắc. Đây chính là một minh chứng cho cái ý "Có cảm tưởng như ông từ trong văn học nhìn ra chứ không phải từ ngoài nhìn vào" mà Vương Trí Nhàn đã nhận xét.

Sinh thời, Hoàng Trung Thông từng kinh qua nhiều chức vụ, khi thì là tổng biên tập báo, lúc là giám đốc nhà xuất bản, khi lại là vụ trưởng, viện trưởng, tất cả đều liên quan đến lĩnh vực quản lý văn nghệ. Cuộc sống nhiều trải nghiệm cùng vị trí công tác đã khiến ông tiếp xúc với nhiều nhà văn nhà thơ thuộc dạng "cây đa cây đề" của văn đàn Việt Nam như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Bùi Hiển... Tất cả đều được ông nhắc tới trong tập sách này. Hơn thế, là một người không chỉ sáng tác, viết phê bình mà còn tham gia dịch thuật, giới thiệu tác phẩm và sự nghiệp sáng tác của một số nhà văn nhà thơ lớn của thế giới đến với đông đảo bạn đọc Việt Nam, tập sách cũng in kèm những bài viết của Hoàng Trung Thông về Đỗ Phủ, Lục Du, Lỗ Tấn, Puskin, Lép Tônxtôi, Nhêkraxốp, Maiacốpxki...

Cách viết của Hoàng Trung Thông là ông vừa đưa ra những nhận xét, đánh giá có tính khái quát về văn nghiệp của họ vừa kết hợp kể lại những kỷ niệm riêng rẽ của mình. Nghĩa là chuyện đời, chuyện nghề đan xen. Chính điều này đã góp phần để các bài viết được sinh động, tự nhiên hơn. Đặc biệt, với tố chất nghệ sĩ mạnh mẽ, Hoàng Trung Thông đã có nhiều chỗ bứt lên khỏi vị thế quan chức của mình, để có những nhận xét táo bạo, đậm dấu ấn cá nhân. Như khi ông viết về Nguyễn Tuân: "Tôi biết có lúc Nguyễn loạng choạng, nghiêng ngả. Nhưng khi anh vịn vào từng câu văn từng trang văn, anh đứng thẳng dậy rồi anh đi, đi đàng hoàng và có lúc đi nghênh ngang nữa để cùng với những bạn văn của mình đi tới đỉnh cao của văn chương Việt Nam" (bài "Anh Nguyễn Tuân").

Hay như khi ông viết về Ngô Tất Tố (Bài "Nhớ mãi bác Ngô Tất Tố"), phải nói đây là những ý kiến khá sắc: "Đọc những tiểu phẩm của Ngô Tất Tố mới thấy rằng không thua gì tạp văn của Lỗ Tấn mà có những tiểu phẩm còn trội hơn". Nên nhớ, những điều này, Hoàng Trung Thông đã nêu ra trước khi chúng ta có giải thưởng báo chí mang tên Ngô Tất Tố.

Viết về Đặng Thai Mai, người thầy, người tiền nhiệm của mình ở Viện Văn học (cả Đặng Thai Mai và Hoàng Trung Thông đều từng là Viện trưởng Viện Văn học), Hoàng Trung Thông cũng có những ý kiến sâu sắc: "Ông viết văn hơi chậm. Đến ngoài ba mươi tuổi mới có tác phẩm đầu tiên. Nhưng chậm và chắc còn hơn sớm mà dở mà dang".

Nếu như trong bài tiểu luận về Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông đã đánh giá rất cao "lòng chân thật" của "ông hoàng thơ tình", thì khi đọc nhiều bài viết của Hoàng Trung Thông trong tập sách này, ta cũng có thể thấy rằng: Mặc dù thời gian trôi qua, có những vấn đề đã khiến chúng ta phải nhìn nhận lại, một số ý kiến của Hoàng Trung Thông cũng không khỏi trở nên... lạc hậu, song dù ít dù nhiều, đây đó nó vẫn đem đến cho chúng ta những điều thú vị bởi sự dám nói thật những suy nghĩ riêng của mình, nhất là khi tác giả của nó lại là người có cá tính và bề dày tri thức.

Quả tình, không phải ai từng giữ cương vị cao trong giới văn hóa văn nghệ như Hoàng Trung Thông lại cũng có thể dám mổ xẻ mình một cách thẳng băng, nghiêm khắc đến độ này: "Chế Lan Viên chưa bao giờ khen thơ tôi mà khi viết thường nói thơ tôi phải say hơn nữa. Tôi cố uống rượu để cho say mà thơ tôi vẫn tỉnh như mọi người đều nói", hoặc đưa ra những ý kiến như khi anh viết về Tố Hữu (bài "Tố Hữu, từ ấy..."): "Thực sự mà nói, tôi chưa thích lắm những bài lý luận của anh. Khi anh nói chuyện về văn nghệ, về thơ ca thì rất hay nhưng khi in ra thì những bài viết đó khuôn khổ quá vì bị gọt đi quá nhiều. Tôi đã viết bài giới thiệu tập lý luận của anh nhưng nửa chừng rồi tôi lại dừng lại không viết nữa. Nhưng tôi thích thơ anh. Tôi quý con người anh".

Nhiều người đã biết, những năm cuối đời, nhà thơ Hoàng Trung Thông có phần sa đà vào... men rượu. Ông nói năng... khó nhọc hơn và viết cũng không được mạch lạc, thông suốt như trước. Những bài viết ra đời thời kỳ này chủ yếu là để thể hiện cái tình của ông đối với bạn bè. Câu văn của ông đã có chỗ cà lắp, thậm chí... cà trớn. Như khi ông viết về cái tên của nữ thi sĩ Anh Thơ (bài "Anh Thơ hay chị Thơ"): "Tôi không biết nên viết về chị Thơ hay Anh Thơ. Khổ cho tôi tên chị lại là Anh Thơ. Tôi biết nói làm sao bây giờ. Thôi thì đành gọi là cả anh cả chị vậy".

Nhân đây cũng xin góp ý với ai đó biên soạn cuốn sách: Với những cuốn sách có tính hợp tuyển này, rất cần tìm hiểu và ghi rõ năm tháng dưới từng bài viết (nếu không xác định được thì cũng nên ghi năm đầu tiên xuất bản cuốn sách có in bài viết đó). Điều này là cần thiết, chí ít nó cũng giúp người đọc có cách tiếp cận bài viết được khoa học và thỏa đáng hơn. Chẳng hạn, nếu ở thời điểm những năm cuối thập kỷ bảy mươi của thế kỷ XX, Hoàng Trung Thông viết về nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn như bài "Tỗ Tấn, nhà văn cách mạng chân chính" thì ta có thể hiểu và chia sẻ được, nhưng nếu bài viết lại được ra đời thời gian trước năm 1975 thì vấn đề chúng ta phải nhìn nhận theo một chiều hướng khác. Chắc chắn, với việc xác định và ghi rõ thời điểm ra đời những bài phê bình, tiểu luận in trong tập sách này của Hoàng Trung Thông, cuốn sách sẽ góp phần làm cho bức chân dung tinh thần của nhà thơ được đầy đặn hơn

Phạm Nhật Linh
.
.