Người mang Đường mòn Hồ Chí Minh đến với thế giới

Thứ Năm, 07/05/2015, 08:49
Với chúng ta. "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" được giao nhiệm vụ bí mật mở tuyến đường tiếp viện xuyên Trường Sơn vào Nam, được thành lập vào ngày 5-5-1959 và chính thức hành quân vào giới tuyến đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19-5-1959, nên đơn vị này mang tên là "Đoàn 559". Con đường được mở cũng bí mật mang tên Đường 559.

Một thời gian ngắn sau, tình báo, phương tiện trinh sát quân sự Hoa Kỳ đã  "ngó nghiêng" qua máy bay do thám thấy. Trong báo cáo gửi Tổng thống Kennedy năm 1961, tướng Taylor đã gọi tuyến giao liên vận tải này của ta là "Ho Chi Minh trail" (Đường mòn Hồ Chí Minh). Tuy nhiên cái tên đó thực sự được cả thế giới biết đến trước hết phải nhờ tới cuốn sách nổi tiếng của nhà báo người Bỉ viết tiếng Pháp Jean Pierre Van Geirt, nhan đề "La piste Ho Chi Minh" (Đường mòn Hồ Chí Minh)

Van Geirt kể lại trong "Đường mòn Hồ Chí Minh" những mưu toan của quân đội Mỹ và ngụy quyền nhằm phát hiện và cắt đứt con đường mà ông gọi là "đường mòn" này với tất cả sức mạnh và thủ đoạn, nhưng không thể nào ngăn chặn được đoàn quân vĩ đại cùng mạng lưới tiếp viện từ miền Bắc cho cuộc cách mạng giải phóng ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tới lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia. Van Geirt còn phân tích sự lan toả "cực kỳ hiệu quả" của Đường mòn Hồ Chí Minh, bởi nó không chỉ là một con đường, mà gồm nhiều trục đường lớn đi qua. Đường  gồm: 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang; 20.000km đường ôtô; 3.000km đường gùi thồ hàng bằng xe đạp, voi, ngựa và người; 500km đường sông; 1.445km đường ống xăng dầu. Hệ thống này cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí, khí tài để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong 16 năm (1959-1975). Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) Quân đội nhân dân Việt Nam là đơn vị triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống đường này. Đường Trường Sơn còn được những người lính trong cuộc chiến gọi là tuyến lửa.

Trong cuốn sách của mình, Van Geirt đưa ra những lý giải về sức sống của con đường đó, để cho thấy người Mỹ vì sao lại thất bại: "Phải hiểu rằng đường mòn này không phải chỉ là một con đường được vạch ra trên bản đồ, mà nó là cả một luồng tư tưởng. Như thành phố La Mã hay cả thế giới này không phải được tạo nên trong một ngày hay một năm. Toàn bộ đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói đến hôm nay là sự hun đúc của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức, cho nên con đường ấy có sức sống mãnh liệt. Vì nó là tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc...".

Những dòng đánh giá này của Van Geirt được đưa ra vào năm 1971, tức là ngay sau giai đoạn đánh phá ác liệt nhất (1967 - 1971) của không quân Mỹ và những cuộc càn quét lớn của ngụy quân miền Nam (như cuộc hành quân Lam Sơn). Nếu như trong mùa khô 1965 - 1966, địch mới huy động gần 12 ngàn lượt máy bay đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh cả ngày lẫn đêm thì đến mùa khô năm 1968 - 1969, số máy bay được huy động đã lên tới gần 170 ngàn lượt, tăng gần gấp 15 lần.

Tổng số bom đạn Mỹ ném xuống dọc hai bên dãy Trường Sơn chưa thống kê hết cũng đã thật khủng khiếp: Hơn 7,5 triệu bom phá nổ; gần 45.000 bom từ trường; 22.000 bom nổ chậm; 17.000 quả bom cháy; gần 70.000 bom bi và nửa triệu loạt đạn rốc-két… Như vậy tính trung bình mỗi mét dài đường Trường Sơn phải hứng chịu khoảng 5 trái bom và loạt đạn rốc-két trong một năm!

Trong Chiến tranh Việt Nam, lực lượng quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã đánh phá hệ thống giao thông này bằng các chiến dịch bộ binh và không quân. Một hệ thống máy móc điện tử, thường được gọi là Hàng rào Điện tử McNamara, đã được sử dụng để giúp hướng dẫn máy bay ném bom. Ngoài ra, chất độc da cam cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác đã được rải xuống nhiều vùng rừng trên đường Trường Sơn làm trụi lá cây, các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường.

Cuốn sách giống như một thiên phóng sự của Van Geirt mô tả sự thất bại của Mỹ trong các mưu toan đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh qua những câu chuyện biệt kích gián điệp hết sức sinh động.

Qua những câu chuyện như trên, tác giả cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh kết luận: "Người Mỹ coi mọi sự lo âu và thất bại của họ đều bắt nguồn từ con đường bất khả xâm phạm này".

Van Geirt viết: "Với mục đích kể lại lịch sử con đường này, tôi phải nhắc lại cả lịch sử Việt Nam bởi không có lịch sử Việt Nam thì không có Đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng lịch sử con đường này lại làm sáng tỏ thêm lịch sử Việt Nam".

Theo văn bản lịch sử chính thức của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Security Agency), đường mòn Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn được coi là "một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX". 

Giang Hà Vy
.
.