Người đàn bà... họa tình
Mới chỉ in ba tập truyện ngắn “Ngôi nhà cát trắng” (2002), “Đối thoại chiều” (2005) và “Họa tình” (2020), nếu tính số lượng, thì cũng còn khó để nói Nguyễn Phương Liên là người tương tư ... truyện ngắn (nếu so sánh với Võ Thị Xuân Hà đã in 17 tập truyện ngắn tính đến 2020).
Nhưng tôi lại muốn nhìn ở khía cạnh khác của sự viết – đó là sự nung nấu, đầu tư, chuyên tâm với/vì truyện ngắn (dù cho tổng số truyện đã in trong ba tập chưa đầy con số bốn mươi). Cuối cùng rồi Nguyễn Phương Liên định vị trên văn đàn bằng truyện ngắn được viết một cách chậm rãi, cẩn trọng, nhiều tìm tòi nghệ thuật, nhiều suy nghiệm, đặc biệt rõ trong “Họa tình”.
Nhà văn Nguyễn Phương Liên. |
Đọc hết 12 truyện (cũng theo lối đọc chậm) trong “Họa tình”, tôi chợt nghĩ, tác giả không viết về những cái “lưng chừng” (ở giữa, trung bình, trung tính, trung dung, trung hòa, trung lập,...), mà viết về những cái ở “đỉnh cao” hoặc “vực sâu”. Giữa chúng có một lằn ranh giới thật mong manh, đôi khi rất “phiêu”, tình cảm đã đành, ngay lý trí của con người cũng không phải lúc nào cũng sáng suốt để nhận biết đủ đầy và kịp thời.
Đời sống trong truyện Nguyễn phương Liên vì thế thường ở thế chênh vênh, lung lay, nghiêng ngả, bối rối khiến con người lâm vào tình thế như nghệ sỹ xiếc biểu diễn trên dây. Vì thế càng ngày con người càng ít khả năng làm chủ bản thân (trước kia duy ý chí, chúng ta mường tượng ra sức mạnh vô song của con người có thể làm chủ tất cả, trong đó có bản thân mình). Nên nhiều khi “để gió cuốn đi” (nhan đề một truyện trong tập).
Chàng Hưng, một đàn ông mã thượng, nhiều năng lực làm việc nhưng đời tư thì rối như canh hẹ (vì chỉ có hôn nhân không có tình yêu), yêu Hoài nhưng không làm gì hay được để giải thoát bạn tình (và chính mình). Một đàn ông trông bên ngoài bản lĩnh nhưng trong lòng thì rối bời vì: “Sóng cũng đang cuốn anh đi không thể nào dừng. Sóng của những vòng quay cuộc đời nghiệt ngã (...). Nhiều lúc anh chỉ muốn buông xuôi, muốn phá tung mà không nổi, lại bất lực phó mặc, vô cảm cuốn theo”.
Hưng không là cá biệt cho thế giới đàn ông hiện đại. Nó như một thực thể dễ bị tổn thương, nhọc nhằn xây tổ ấm nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo âu hạnh phúc riêng tây (ngôi nhà/ gia đình bé mọn) bị “bứng” ra khỏi sự yên ổn, bình an, bình thường.
Đàn ông Luân (trong truyện “Như bóng người xưa”), nào có khác chi Hưng, cũng ba chìm bảy nổi chín lênh đênh chủ yếu do trường tình gây bão tố sóng gió. Anh đã trải qua quân ngũ, bộ quần áo lính đã rèn luyện anh rắn rỏi, xông pha; nhưng thời hậu chiến anh gần như thất nghiệp nếu không may mắn tìm được một chỗ làm ở cơ sở vật lý trị liệu.
Ở đó anh gặp người khách (người tình thuở xưa), nhưng oái oăm thay, “nàng” đã trở nên giàu có, quý phái, kiêu sa, không còn mảy may nhận ra anh. Sau sự kiện ấy Luân bỏ việc ở phố về quê bởi: “Người con gái đã đi qua một giờ duy nhất trong cuộc đời. Như cái đẹp hoàn mỹ, thanh khiết chợt thoáng qua không bao giờ trở lại. Như bóng người xưa trong trẻo vẹn đây còn lưu luyến mãi trong tâm tưởng, không rời.
Rồi một ngày Luân quyết định thu vén chút tài sản nhỏ nhoi suốt bao năm trời chắt bóp, quay trở về làng. Ở đó, mẹ vẫn đêm ngày mong đợi. Chưa có một nàng dâu như ý, song Luân nghĩ mẹ sẽ vui hơn khi thấy con trai thuê thêm đất, mở rộng vườn hoa để sớm tối cùng nhau”.
Bìa cuốn “Họa tình” của nhà văn Nguyễn Phương Liên. |
Nhân vật của Nguyễn Phương Liên hay “du hành” (hay là “lạc trôi”) trong những giấc mơ. Truyện “Một giấc mơ” rất tiêu biểu cho không gian/ miền tâm linh của nhân vật tồn tại, hoạt động, nghĩ suy. Nhân vật “chị”, người đã trải qua chiến tranh, trở về với hai bàn tay trắng, gánh trên đôi vai gầy yếu của mình một gánh nặng mưu sinh của gia đình bé mọn. Lúc thì chị lạc vào giấc mơ của thời đạn bom chiến tranh, lúc thì như chìm trong sự bảng lảng, rối ren của ngày đang sống nhọc nhằn. Nhân vật “ông” như là một nét mờ nhòe của sự trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại đã đến với chị bằng tất cả sự chân thành, quyến luyến nâng niu. Nhưng cuối cùng, tất cả cũng chỉ như trong một giấc mơ (vì giấc mơ thường đẹp, thường để lại nỗi niềm luyến tiếc).
Riêng tôi thấy, qua Hưng, Luân, chị, ông,.... nhân vật của Nguyễn Phương Liên thường ở trong trạng thái dang dở, chờ đợi, tìm tòi những điều mơ hồ, khó khăn khi thực hiện. Họ nhiều khát khao hạnh phúc nhưng trên con đường đi tìm thường gặp nhiều cản trở, khó khăn và chính vì thế cuộc đời hay có những khúc rẽ, thậm chí đôi khi là những “cú nhảy đứng”, không thể nói là ngoạn mục.
Truyện của Nguyễn Phương Liên không có cái tính chất gọi là “cập thời vũ” (mưa đúng lúc), theo nghĩa là cập nhật, thời sự nóng bỏng (như là thế mạnh trong tay nhà văn nữ khác). Nhưng có một truyện cuối tập (“Vỡ”), có vẻ rất “hot”: những chuyện trong thời COVID-19 mới và đang xảy ra. Không khí truyện nóng rãy: “Không thể chậm được, Bắc Kinh, Thượng Hải sắp phong tỏa vì đại dịch nCoV, công ty còn mấy lô hàng đọng phải tìm cách thoát về nếu không mất đứt cả triệu đô. Gã nhấn ga, chiếc Porsche gầm cao chồm lên vút đi như một chiến mã”. Nhưng mà chỉ có 1/12 truyện nóng sôi không khí “chống dịch như chống giặc” như thế thôi, nói cho cùng cũng là một thứ gia vị tăng thêm sự hấp dẫn cho các món ăn tinh thần.
Đọc truyện ngắn của Nguyễn Phương Liên, tôi chú ý đến cách thức, tạm gọi là “ướm mình vào nhân vật để viết” (chưa đến mức xưng “tôi”, kể chuyện ở ngôi thứ nhất). Chữ “ướm” trong Từ điển tiếng Việt giải thích: “đặt thử/ khoác thử/ dò hỏi có ưng thuận không”. Vận vào văn Nguyễn Phương Liên, có thể hiểu là, tác giả “ướm thử” mình nếu là nhân vật thì trong cảnh ngộ, tình huống ấy sẽ suy nghĩ và hành xử như thế nào cho thuận tình, hợp lý. Cách thức này, khi đọc văn chương đương đại, trong khu vực văn xuôi, tôi thấy Nguyễn Phương Liên gần gũi với Lý Lan.
Truyện của Nguyễn Phương Liên, theo cách đọc của tôi, rất thú vị khi hiển hiện một “nhịp điệu” (rythme) văn xuôi ấn tượng. Nhịp điệu trong văn liên quan đến cái gọi là “điệu tâm hồn” của chủ thể sáng tác. Cây bút Nguyễn Phương Liên, trong phạm vi quan sát của tôi, là một cá tính (mạnh) trong sống và viết. Sống thì rõ rồi, vả lại đây là không – thời gian cá nhân, thế giới riêng tư nên tôi không muốn chạm đến (vì tôn trọng tự do cá nhân). Nhưng viết thì có thể bàn tới, bàn lui vì chỉ thuần túy trên chữ nghĩa.
Thuộc thế hệ 7X (được gọi là thế hệ F), nên nhịp độ/ tốc độ sống của họ chói gắt, mạnh mẽ, khẩn trương và quyết liệt. Chất sống của họ bị truyền thông chi phối mạnh mẽ. Nguyễn Phương Liên không ra khỏi quỹ đạo này. Nhưng là người viết văn nên không thể không điều hòa giữa “sống chậm” và “sống nhanh”, quan trọng hơn cả là “đồng hành với Đẹp”.
Nhịp điệu trong văn Nguyễn Phương Liên, theo tôi mang tính “nước đôi” (tùy thuộc vào đối tượng miêu tả). Nếu là nhân vật có tuổi, thì khi đó “nhịp” chậm, khoan thai: “Dường như bên kia hồ có ai đốt lửa. Mà không. Chị dụi mắt, ngẩng lên. Chỉ là nhấp nháy ánh đèn vàng, đỏ hắt xuống mặt hồ từ một nhà hàng đồ sộ... Ừ nhỉ, buồn cười thật, ai mà đốt lửa nơi một cái hồ đẹp đẽ, văn minh như thế này, lại vào lúc trời còn nhập nhọ” (“Một giấc mơ”).
Nếu là người trẻ tuổi thì nhịp văn sẽ gấp gáp hẳn lên: “Tuổi 17 của tôi hong phơi trên bờ biển quê nhà chang nắng và nhã nhượi mồ hôi rơi trên ruộng muối của bà. Mẹ chờ bố mười năm chiến trận. Bố đợi mẹ năm năm đi lao động nước ngoài. Mẹ đã không trở về vì yêu cái lạnh của xứ tuyết hơn cái nóng ẩm của miền nhiệt đới quê nhà, chỉ hồi âm bằng những thùng hàng và thưa thớt thư từ luôn một giọng “lỡ lầm... van xin” chán ngắt. Bố thành bức tượng khủng khiếp về đêm với đáy chai cạn khốc cùng chiếc gạt tàn đầy ứ”.
“Họa tình” của Nguyễn Phương Liên chưa phải là một cái gì một toàn bích. Tất nhiên. Riêng cái tên sách cũng đã khiến không ít phân vân ở người đọc. Có lẽ tác giả ảnh hưởng từ thơ Xuân Diệu “yêu là chết...” chăng(?!). Nếu so với hai tập truyện đầu thì tập thứ ba có vẻ hơi mỏng (tôi có ý nói về số trang, số truyện). Nhưng đọc, nghiền ngẫm, sẽ thấy nhiều điều thú vì về đời sống và con người thời hiện đại qua ngôn ngữ nghệ thuật cô đọng, lấy ít nói nhiều, lấy diện nói điểm vốn là ưu trội của thể loại truyện ngắn. Nói Nguyễn Phương Liên là người đàn bà hoạ tình và tương tư... truyện ngắn cũng không sợ quá lời.
Hà Nội, 5-2021