Nghệ sĩ phải có ý thức tự bảo vệ mình

Thứ Năm, 15/06/2017, 12:09
Câu chuyện nhà đấu giá bán bức tranh gán cho là của danh hoạ Tô Ngọc Vân, người giới thiệu là Jean-Francois Hubert, đã lại làm làng hội họa trở thành tâm điểm lần nữa. Nhưng nếu chúng ta lên google tìm cái tên Jean-Francois Hubert, chúng ta sẽ chẳng lấy gì làm lạ. 


Một năm trước, ông ta cũng dính đến một lùm xùm tới vụ tranh giả của triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu trở về”, vụ lùm xùm mà Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã phải công khai xin lỗi khán giả. Vụ ấy, người sưu tầm tranh tố cáo rằng số tranh giả ấy xuất phát từ 17 bức tranh mà chính Jean-Francois Hubert đã bán cho mình.

Và nếu kể đến Jean-Francois Hubert, không ít người trong giới hội họa Việt Nam đã tỏ ra khinh thường ra mặt, coi đó là một con sâu phá hoại cả nền hội họa Việt Nam đương đại. Điều đó tuyệt đối đúng song thay vì chỉ trích một cá nhân, chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề, để thấy chính chúng ta đang chưa có ý thức bảo vệ chính mình.

Chuyện có thật, vẫn được kể lại, về gia đình của một danh hoạ thế hệ cũ. Khoảng hơn chục năm trước, khi danh họa này lâm bệnh và sắp qua đời, một người con của ông đã lẳng lặng vơ vét hết tranh của cha mình và bán tống bán tháo, để hòng kiếm lợi trước các ruột thịt. Việc làm ấy khiến anh trai của người ấy sau này vẫn còn cay đắng vì ý định mở một bảo tàng gia đình cho người cha quá cố đã hoàn toàn sụp đổ khi không còn nhiều những bức tranh quý của cha.

Nhưng cái tác hại lớn hơn cả là khi người con kia bán tranh của cha mình, anh ta đã không đính kèm các “chứng nhận tác phẩm” của chính tác giả. Dễ hiểu, bán trộm thì lấy đâu ra các chứng nhận quý như vàng ấy. Và thế là hệ quả hôm nay, rất nhiều tranh của danh họa nọ trên thị trường sưu tập bị dính liền với ngờ vực “tranh giả”.

Thực tế, nhiều họa sỹ Việt Nam đã bỏ qua chuyện “chứng nhận tác phẩm”. Đó là tư duy của một thời bao cấp, khi mà thị trường tranh là không tồn tại. Họ vẽ vì đam mê. Yêu thích ai thì tặng. Có bán được (thi thoảng) thì cũng là trao tay. Chính điều đó làm cho tranh giả, tranh chép có môi trường sống mạnh mẽ đến tận hôm nay.

Có một họa sỹ ở Mỹ chia sẻ rằng, mỗi lần vẽ xong một bức, anh đều cẩn thận chụp lại bức tranh, cả mặt sau, mặt trước, in tráng ảnh đặt đính kèm có đóng dấu xi lên 2 bản xác nhận ghi rõ ngày vẽ, ngày hoàn thành, có ký tên, điểm chỉ. Sau đó, 2 bản xác nhận kia được bỏ vào 2 phong bì gửi về chính nhà của họa sỹ ấy qua đường bưu điện. Phong bì ấy sẽ được cất kỹ, với dấu bưu điện là minh chứng cho thời gian sáng tác và hoàn tác. Khi bán được tranh, một phong bì được bóc ra, trao cho người mua và phong bì còn lại sẽ được sao lưu tại chính nhà tác giả phòng khi cần đối chiếu sau này. Việc làm ấy có vẻ phức tạp, nhưng thực tế đã bảo vệ chính tác giả và tác phẩm ấy. Và điều đó cho chúng ta một kinh nghiệm rằng: “Muốn bảo vệ tác phẩm, tác giả phải là người tiên phong”.

Những họa sỹ thế hệ mới đương đại cũng rất kỹ lưỡng trong việc bảo vệ mình, bảo vệ tác phẩm của mình. Nhưng tranh của họ lại chưa được sưu tầm nhiều như các họa sỹ thế hệ trước. Bởi thế, thị trường tranh Việt vẫn còn lộn xộn như hôm nay là một lẽ tất nhiên. Song, để giải quyết rốt ráo những lộn xộn ấy, chính những nhà sưu tập, những người mua tranh vẫn còn chưa có thói quen mời thân nhân hoặc người có khả năng, độ tin cậy, thẩm định tranh. Bởi vậy, thị trường mới bị xới tung lên bởi những con người như Jean-Francois Hubert, người liên tục tạo scandal cho làng hội họa.  

Văn Đoàn
.
.