"Nghề nhạy cảm" trong thơ Việt từ năm 1945 trở về trước

Thứ Sáu, 26/03/2021, 08:01
Thân phận những người kỹ nữ từ lâu đã được quan tâm trong văn học Việt Nam, thậm chí đã tạo được những nhân vật mang tính chất điển hình hóa, trở thành những tượng đài văn học.


Tác phẩm lớn nhất viết về thân phận người kỹ nữ chính là kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, suốt hơn 200 năm qua đã trở thành di sản văn học, là niềm tự hào của người Việt. Và người kỹ nữ đầu tiên được Nguyễn Du xót thương không phải là Thúy Kiều mà là Đạm Tiên:

“Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng”.

Nàng Kiều hồng nhan bạc phận.

Niềm xót thương ấy đã khiến cụ Nguyễn Du dựng lên hình ảnh một người khách viễn phương trượng nghĩa, lúc Đạm Tiên còn sống thì chưa từng gặp mặt, khi tìm đến nơi thì Đạm Tiên đã qua đời. Người khách viễn phương không chỉ “khóc thương khôn xiết” cho Đạm Tiên mà còn chăm lo việc hậu sự cho nàng kỹ càng, chu đáo. 

Quan tài phải là quan tài bằng gỗ tử, xe tang phải là xe có rèm hạt châu, như thế mới có thể đẹp lòng người đã khuất và yên lòng cả người đang sống: “Khóc than khôn xiết sự tình/ Khéo vô duyên bấy là mình với ta/ Đã không duyên trước chăng mà/ Thì chi chút ước gọi là duyên sau/ Sắm sanh nếp tử xe châu/ Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa”.

Cho đến Thúy Kiều, cái tủi nhục bẽ bàng của một cô gái trót có tên trong sổ đoạn trường đã được Nguyễn Du viết nên bao câu thơ đau đớn, thương cảm:

Biết bao bướm lả ong lơi/ Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm/ Dập dìu lá gió cành chim/ Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh/ Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Một mình mình lại thương mình xót xa/ Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường/ Mặt sao dày gió dạn sương/ Thân sao bướm chán ong chường bấy thân...”.

Thế nhưng, cái đoạn cuối được trở về giữa vòng tay gia đình vẫn là một cái kết ít nhiều có hậu. Đó cũng chẳng phải là ước mơ chung của bao thân phận người phụ nữ lạc đường lỡ bước đó sao.

Cùng với “Truyện Kiều”, Nguyễn Du khi viết “Văn tế thập loại chúng sinh” cũng không quên dành những câu cho thân phận người kỹ nữ: “Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp/ Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa/ Ngẩn ngơ khi trở về già/ Ai chồng con tá biết là cậy ai”.

Cũng thời trung đại, có một giọng điệu thơ khác chua chát, cay đắng mỉa mai hơn, đó là bài thơ “Đĩ cầu Nôm” của Nguyễn Khuyến. Nhưng chúng tôi cho rằng sở dĩ có giọng điệu như vậy vì bài thơ còn có ngụ ý bày tỏ một thái độ căm ghét với thực dân phong kiến chứ không phải cụ Tam Nguyên Yên Đổ thiếu đi lòng trắc ẩn với những thân phận gái giang hồ lưu lạc: “Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ/ Trời sinh ra cũng để mà chơi/ Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời/ Chơi thủng trống long dùi âu mới thích”.

Thơ Mới lãng mạn 1932 – 1945 là thời kỳ xuất hiện nhiều nhất những bài thơ thể hiện niềm đồng cảm sâu sắc và sự sẻ chia của các tâm hồn thi nhân với thân phận dập vùi truân chuyên của người ca kỹ. Xuất hiện sớm nhất và có lẽ được biết một cách rộng rãi nhất là bài thơ “Lời kỹ nữ” của Xuân Diệu. Đây là một trong số 15 bài thơ mà theo ý Hoài Thanh là hay nhất của Xuân Diệu, được chọn in trong tuyển tập “Thi nhân Việt Nam”. 

Thi phẩm được viết và đăng trên tờ Ngày nay (1939), sau được đưa vào tập “Gửi hương cho gió” (1945). Nỗi cô đơn của người kỹ nữ trong bài thơ là nỗi cô đơn muôn đời. Trái tim nàng luôn thiết tha nồng ấm nhưng tất cả mọi người khách mãi là kẻ vô tình, đến rồi đi, thường phũ phàng và không mấy khi lưu luyến. 

Đỉnh điểm của tâm trạng cay đắng được đưa đến cao trào trong đoạn kết của tác phẩm: “Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt/ Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi/ Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi/ Gỡ tay vướng để theo lời gió nước/ Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt/ Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi/ Du khách đi, du khách đã đi rồi...”. Bài thơ của Xuân Diệu đã được nhạc sĩ Lê Thương phổ nhạc thành ca khúc cùng tên và được hát rộng rãi từ năm 1941.

Nguyễn Bính lại góp thêm một bi kịch khác vào những câu chuyện của người kỹ nữ mà cũng là bi kịch giả tưởng của chính mình trong bài thơ “Oan nghiệt”. Nhận được tin người kỹ nữ mà ông từng dan díu vừa sinh con gái, thi sĩ đau xót nghĩ đến cái cảnh: “Mẹ con nịt vú cho tròn lại/ Chiều cái hoang đàng lũ khách chơi/ Đời cha lưu lạc quê người mãi/ Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc cười…”. 

Trong một bài thơ khác, Nguyễn Bính xót xa cho hạnh phúc dở dang của người kỹ nữ: “Đêm qua rồi lại đêm qua/ Bao nhiêu đêm lại hóa ra đêm tàn/ Lòng tơ giăng nửa dây đàn/ Ái ân xẻ nửa cho làng ăn chơi/ Môi son hé nửa nụ cười/ Mắt xanh hé nửa... ai người mắt xanh/ Vườn hồng cài nửa then trinh/ Tóc tơ nửa mối, chung tình nửa đêm/ Ong về bướm lại đưa tin/ Càng khăng khít lắm cho duyên càng hờ...”. (Lòng kỹ nữ)

Nhưng người có nhiều bài thơ nhất về thân phận ca kỹ phải kể đến là Vũ Hoàng Chương. Tác giả Thơ say và Mây đã viết ít nhất 4 bài trong thời kỳ trước 1945 về người kỹ nữ và đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ “Tỳ Bà hành” của Bạch Cư Dị. Đó là các bài: “Dựng”; “Dâng tình”; “Đà giang” và “Nửa đêm ca quán”. 

Các từ ngữ như “Tỳ Bà”; “Tầm Dương”; “Giang Châu”; “Hà Mô” và không gian sông nước xuất hiện rải rác và bàng bạc trong cả bốn thi phẩm: “Đâu đó Tầm Dương sầu lắng đợi/ Nghe hồn li phụ khóc trên tơ/…Chén đã vơi mà ngập gió sương/ Men càng ngây ngất ý Tầm Dương/ Gót sen kỹ nữ đâu bên gối/ Tìm ái ân xưa dễ lạc đường”. (Đà giang); “Cô đơn men đắng sầu trăng bến/ Đất trích Tầm Dương quạnh tiễn đưa/ Nhịp đổ càng mau nghe ríu rít/ Tê rời tay ngọc lúc buông thưa”. (Dựng); “Nẻo bướm rờn tươi lửa cố đô/ Mộng phai ca quán tủi giang hồ/ Tình dứt men say còn vĩnh biệt/ Tiếng tì đâu vẳng gái Hà Mô”. (Nửa đêm ca quán)… 

Bài “Dâng tình” có một vài âm hưởng giống như tình ý của “Lời kỹ nữ” (Xuân Diệu): “Lũ chúng em ca nhi/ Đón dâng chàng một buổi/ Nỗi yêu mê cuồng dại nén từ lâu/ Rồi mai đây chàng rong ruổi/ Thuyền buộc song mưa/ Ngựa dừng trăng khuyết/ Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt/ Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu…”.

Một kỹ nữ thời xưa.

Một thi sĩ rất đặc biệt khác đã có những vần thơ về người ca kỹ từ những năm 1940. Đó là cố nhạc sĩ, thi sĩ Văn Cao và bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”. Bài thơ cũng là một cuộc kỳ ngộ và đồng điệu của hai tâm hồn nghệ sĩ nhưng khác với “Tỳ Bà hành”, ở đây thi sĩ là người đệm đàn, còn mỹ nhân là người hát. 

Văn Cao đã sáng tạo ra một từ rất mới để gọi tên người con gái là “phấn nữ”: “Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi/ Từng canh trời điểm một sao rơi/ Tà tà trăng lặn hiu hiu gió/ Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi”. Nhưng rồi cũng giống như cái lẽ muôn đời, hai người chia tay nhau và phấn nữ đã để lại nỗi nhớ, nỗi ám ảnh không nguôi trong hồn thi sĩ: “Em cạn lời thôi anh dứt nhạc/ Biệt li đôi phách ngó đàn tranh/ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”.

Đối trọng lại với tất cả các thi sĩ lãng mạn kể trên, nhà thơ cách mạng Tố Hữu từ tháng 8/1938 đã viết bài thơ “Cô gái sông Hương” trong một cách nhìn khác. 

Bên cạnh hiện thực đen tối của thân phận kỹ nữ, nhà thơ tin tưởng vào một tương lai trong sáng, tốt đẹp, một tương lai được gột rửa sẽ đưa người con gái về cuộc sống hạnh phúc: “Răng không cô gái trên sông/ Ngày mai em sẽ từ trong ra ngoài/ Thơm như hương nhụy hoa lài/ Sạch như nước suối ban mai giữa rừng/ Ngày mai gió mới ngàn phương/ Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân/ Ngày mai trong nắng trắng ngần/ Cô thôi kiếp sống đầy thân giang hồ/ Ngày mai bao lớp đời dơ/ Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay…”.

Nhưng dù đứng trên bút pháp lãng mạn hay cách mạng thì cái nhìn của người nghệ sĩ với những kiếp nữ nhi giang hồ luôn là tấm tình trân trọng, xót thương, sẻ chia và nhung nhớ. Những người con gái bị coi là dưới đáy xã hội ấy bỗng trở nên đẹp hơn ở trong thơ, được tôn lên từ một góc nhìn khác và quan trọng hơn là được thông cảm.

Nhưng vấn đề cốt lõi nhất có lẽ là, không ai muốn trong xã hội còn có những thân phận con người đêm đêm phải làm “trò chơi” cho những người khác, dù do bất cứ  hoàn cảnh nào đưa đẩy họ đến con đường phải đi làm cái “nghề nhạy cảm” kia. Đó mới là tính nhân văn của một xã hội văn minh.

Đỗ Anh Vũ
.
.