Nghề người mẫu, bao giờ mới hết tự bơi?

Thứ Bảy, 02/01/2016, 08:00
Thế hệ người mẫu đàn chị như Thanh Hằng, Xuân Lan, Hà Anh... đến lớp đàn em Tuyết Lan, Hoàng Thùy, Mâu Thủy, Kha Mỹ Vân... đã giúp người mẫu Việt ghi nhiều dấu ấn với làng thời trang nước nhà. Thế nhưng, dù bắt đầu xuất hiện những gương mặt vươn ra thị trường nước ngoài, nghề người mẫu trong nước vẫn bị xem là một nghề tự phát và mang nhiều tai tiếng.

Từ nghiệp dư đến bán chuyên nghiệp

Bước vào thời đại hội nhập, sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi lực lượng người mẫu có kỹ năng. Thế nhưng, lực lượng này ở nước ta vừa mỏng vừa yếu. Do đó, các cuộc thi tìm kiếm người mẫu như Siêu mẫu Việt Nam, Vietnams Next Top Model ra đời nhằm bổ sung đội ngũ kế cận. Mặc dù các cuộc thi này đã phần nào cận cảnh về những vất vả của nghề, nhưng nghề người mẫu vẫn tồn tại trong tâm thức công chúng là một công việc nhàn nhã hái ra tiền, vây quanh bởi hào quang, danh vọng. Chỉ cần ngoại hình đẹp, biết làm dáng và sành điệu là có thể tự tin sải chân trên sàn catwalk.

PGS. TS Phan Bích Hà, Trường Đại học Sân Khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh lắc đầu: “Thực ra, nghề người mẫu là một hình thức lao động yêu cầu một số tiêu chuẩn, kỹ năng, tố chất, sự khổ luyện… Ngoài sự chuẩn mực của hình thể, người mẫu còn cần phải có khả năng diễn xuất, sự biểu cảm trên nét mặt, kết hợp với ngôn ngữ thể hình khi tạo dáng, khả năng thẩm âm và năng lực về nhịp điệu với những yêu cầu khí chất đặc trưng của một người mẫu, nét cá tính độc đáo riêng. Họ cũng cần phải có những kiến thức về lịch sử văn hóa trang phục và văn hóa ứng xử… Đồng thời, họ phải có sự nhạy bén và tinh tế trong việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh, thương hiệu cá nhân, đạo đức người mẫu”.

Từ trái sang: Chà Mi, Mâu Thủy, Kha Mỹ Vân là những người mẫu giỏi nghề hiếm hoi của làng mốt Việt. Người mẫu vẫn chưa được coi là một nghề chuyên nghiệp ở nước ta.

Khi bước chân ra thị trường thế giới, yêu cầu đó càng khốc liệt. Các người mẫu không dễ gì giành giật được show diễn nếu không có kỹ năng chuyên nghiệp, trình độ tiếng Anh, bản lĩnh trước cám dỗ, áp lực…

TS Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa cho hay nghề người mẫu xuất hiện ở Việt Nam từ thập niên 80, khi kinh tế thị trường hình thành trở lại cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài rầm rộ. Từ đó, đội ngũ lao động người mẫu Việt Nam bắt đầu chập chững phát triển từ nghiệp dư đến bán chuyên nghiệp. Mặc dù có nhiều công ty đào tạo người mẫu như Elite Việt Nam, Venus, Be U… nhưng nghề người mẫu ở Việt Nam vẫn chưa thoát được bóng dáng của sự tự phát.

“Nghề người mẫu hiện vẫn phát triển chưa đều, chưa có nền tảng vững chắc và vì thế chưa thực sự chuyên nghiệp. Đó là chưa nói đến một thực trạng có những người mẫu thiếu tu dưỡng và thiếu bản lĩnh bị lôi cuốn vào các hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm và tổ chức mại dâm” – ông Minh nói. 

Hoa khôi, người mẫu Lan Khuê cảm thấy rất chạnh lòng khi nhiều người mượn danh người mẫu để trục lợi. Đa phần người mẫu ở Việt Nam hoạt động tự do. Do vậy, mỗi người tự đề ra mức giá khác nhau chứ không có mức lương thống nhất. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khi vàng thau lẫn lộn. Nhiều người mẫu dù làm nghề nghiêm túc nhưng tiền catxê không đủ trang trải đã phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề tay trái khác như làm tiếp thị, MC.

Riêng người mẫu nam, tiền catxê luôn thấp hơn người mẫu nữ. Người mẫu Ngọc Tình than thở: “Người mẫu nam phải tự mày mò để tìm show trên mạng hoặc qua người quen. Không hiếm cảnh người mẫu nam đêm thì trình diễn thời trang, ngày thì chạy xe ôm, bán nước mía”. Để đáp ứng cho sự sang chảnh của nghề, một bộ phận người mẫu chấp nhận bán mình, dính vào các tệ nạn.

Năm 2007, Hội Người mẫu Việt Nam ra đời. Đây có thể coi là chiếc phao đầu tiên cho nghề người mẫu. Bởi ít ra, cái nghề lắm thị phi này đã có một tổ chức nghề nghiệp đàng hoàng để hỗ trợ hội viên. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội đã xác định nhiệm vụ quan trọng của mình là tập hợp và góp phần định hướng, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức cho các người mẫu. Đồng thời, Hội tổ chức các sự kiện văn hóa để qua đó, sự tham gia của người mẫu luôn gắn với trách nhiệm quảng bá, tiếp thị hình ảnh đẹp của văn hóa Việt Nam chứ không chỉ gói gọn trong vai trò quảng cáo thời trang, dịch vụ.

Dù vậy, qua 8 năm hoạt động, Hội vẫn chưa thể đưa nghề người mẫu trở thành một hoạt động chính quy và nằm trong danh mục ngành nghề lao động chính thức của nước ta. Ngày 23-12 tại TP Hồ Chí Minh,  Hội thảo “Nghề người mẫu ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất” diễn ra nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Điều đáng ngạc nhiên khi đây là hội thảo nghề nghiệp đầu tiên mà Hội Người mẫu Việt Nam tổ chức kể từ khi thành lập. Bởi nói như nhà nghiên cứu đô thị và xã hội, TS Nguyễn Minh Hòa: “Bây giờ bàn đến việc nên có hay không nghề người mẫu chuyên nghiệp, cần hay không đưa nghề người mẫu vào danh mục nghề quốc gia, bàn đến trường đào tạo người mẫu, không gian pháp lý và không gian sáng tạo cho người mẫu và những thiết chế liên quan đến người mẫu thì quả là rất muộn”.

Sớm cấp thẻ hành nghề,  hoàn thiện giáo trình

Để hoạt động người mẫu ở Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp và đẳng cấp, hội nhập, TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng: “Nhà nước cần phải công nhận người mẫu là một nghề mưu sinh, ban hành cho nó mã số, thẻ hành nghề. Và người mẫu phải có bằng cấp có giá trị pháp lý không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã làm. Không thể khư khư định kiến nghề người mẫu thuộc nhóm nghề “nhạy cảm”, có quá nhiều tiêu cực nên càng hạn chế càng tốt. Thật ra nghề nào cũng có tiêu cực. Cái chính là làm sao tạo ra một không gian hoạt động nghề nghiệp, hành lang pháp lý để giảm thiểu tiêu cực”.

Người mẫu vẫn chưa được coi là một nghề chuyên nghiệp ở nước ta.

Tại các nước phát triển, những điều cơ bản này đã thực hiện từ lâu. Theo ông Kim Sung Pil, đại diện Hiệp hội Người mẫu châu Á tại Hàn Quốc, người mẫu là nghề được công nhận trong Bộ luật Lao động Hàn Quốc. Nước này chia nghề người mẫu làm 2 loại: người mẫu thời trang và người mẫu quảng cáo. Hơn 20 năm nay, nghề người mẫu tại Hàn Quốc được đào tạo chính quy trên hơn 10 trường đại học với khoá đào tạo 2 năm và 4 năm. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, người học còn có cơ hội đăng ký các khoá đào tạo sau đại học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài bậc đại học, Hàn Quốc mở thêm các lớp huấn luyện nghề ngắn hạn. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể đi làm người mẫu, đạo diễn thời trang, người đào tạo người mẫu, diễn viên, MC… Họ cũng sẽ được cử đi dự thi các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu trong và ngoài nước.

Trước mắt để hoạt động người mẫu đi vào nề nếp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ gấp rút cấp thẻ hành nghề, thay đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 79. Bởi thẻ hành nghề được ví như “vòng kim cô” để người mẫu thực thụ yên tâm làm nghề, trân trọng hơn công việc mình gắn bó, đồng thời hạn chế kẻ mạo danh, những con sâu làm rầu nồi canh. Nhờ chiếc thẻ này, nghề người mẫu sẽ dần chuyên nghiệp hóa, việc tìm kiếm show diễn sẽ dễ dàng hơn.

Về lâu dài, nghề người mẫu vẫn cần được đào tạo chính quy, có bộ tiêu chí nghề nghiệp để sớm có căn cứ đề xuất công nhận trong danh mục quản lý của Nhà nước. Bà Huỳnh Thị Anh Mai,  Phó phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp cụ thể như: cần quan tâm tổ chức đào tạo nghề người mẫu để trở thành một nghề nằm trong danh mục giáo dục nghề nghiệp từ trình độ sơ cấp đến trung cấp. Người học phải tuân thủ việc học tập theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Vì đây là nghề mới xuất hiện trên thị trường, chưa có chương trình đào tạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành nên trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Họ phải tự xây dựng chương trình đào tạo nghề sơ cấp, đăng ký để thẩm định chương trình đào tạo ở trình độ trung cấp. Để tránh tình trạng mỗi nơi dạy một kiểu, Hội Người mẫu cần phải theo sát.

“Hội cần xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nghề người mẫu như bao nghề khác có đối tượng công chúng lớn. Nội dung của bộ quy tắc phải nêu rõ trách nhiệm, tiêu chí đạo đức của người mẫu với những phẩm chất cơ bản như: trung thực, chân thành, không lạm dụng, lợi dụng khách hàng, mối quan hệ với đồng nghiệp; phát triển chuyên môn và bảo vệ uy tín nghề nghiệp trước xã hội; đồng thời xác định những hành vi cụ thể người mẫu không được làm. Hội phải có bộ phận kiểm tra đạo đức để giám sát, kiểm tra đối với hội viên hay người mẫu hành nghề” – bà Mai nói.

Phan Thi Uyên
.
.