Ngàn năm gương cũ soi kim cổ…

Thứ Ba, 23/07/2019, 09:03
Người phương Tây từ thời Thần thoại Hy Lạp cũng đã có câu chuyện về soi gương, nhưng kết quả của soi gương lại mang đến điều tai họa. Đó là câu chuyện về chàng Narcisse đẹp trai vô cùng nhưng lại từ chối tình yêu của tất cả những cô gái xung quanh...

1.Nhân loại trong tiến trình từ mông muội tới văn minh đã dần hoàn thiện rất nhiều thứ, từ đời sống vật chất cho tới tinh thần, trong đó không thể không kể tới việc ngày càng quan tâm đến hình thức của mình. Sự quan tâm đến hình thức của mỗi cá nhân xuất hiện khi bỗng một ngày, có lẽ là vô tình, người ta nhìn thấy bóng mình qua làn nước trong veo. Kể từ ấy, con người có nhu cầu ngắm nhìn mình mỗi ngày nhiều hơn, nhu cầu làm đẹp cũng dần dần xuất hiện một cách đầy đủ hơn và cộng thêm một điều quan trọng nữa mà người ta càng lúc càng ý thức được: đó là sự xấu hổ.

Trong những câu chuyện thời xưa, ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh nhân vật soi gương qua làn nước. Chẳng hạn khi Tây Thi ra giặt lụa ở bến Trữ La, bóng nàng soi trên mặt nước sông trong suốt càng làm tăng thêm vẻ đẹp kiêu sa, cá nhìn thấy nàng say mê quên cả bơi, rồi dần dần lặn xuống đáy sông, từ đó mà nàng có thêm tên hiệu là Trầm Ngư.

Người phương Tây từ thời Thần thoại Hy Lạp cũng đã có câu chuyện về soi gương, nhưng kết quả của soi gương lại mang đến điều tai họa. Đó là câu chuyện về chàng Narcisse đẹp trai vô cùng nhưng lại từ chối tình yêu của tất cả những cô gái xung quanh.

Một cô gái đã tìm cách trả thù bằng cách dẫn dụ cho chàng tới soi gương bên một hồ nước. Kết quả Narcisse đã say mê chính cái bóng của mình cho đến khi ngã xuống hồ chết đuối và biến thành hoa thủy tiên. Từ Narcisse vì thế ngoài nghĩa là hoa thủy tiên, còn có nghĩa phái sinh trong thuật ngữ tâm lí học narcissisme, chỉ chứng ái kỷ, nghĩa là những người quá yêu bản thân mình.

Nàng Elsa ngồi trước gương.

Ẩn dụ về sự hư ảo qua việc soi gương còn được người phương Tây đưa vào câu chuyện ngụ ngôn "Con chó và cái bóng của nó", nằm trong tuyển tập ngụ ngôn mà Lev Tolstoy đã có công thu thập biên soạn, đã được dịch sang tiếng Việt với cái tên "Kiến và chim bồ câu": "Có một con chó/ Ngoạm miếng thịt to/ Qua chiếc cầu ván/ Bắc hai bên bờ/ Bóng nó dưới nước/ Ẩn hiện lờ mờ/ Tưởng con chó khác/ Ngoạm miếng thịt to/ Nó nhả miếng thịt/ Lao xuống nước vồ/ Cướp mồi chó khác/ Tưởng dễ ngon ơ/ Miếng thịt trôi mất/ Bóng mồi thấy mô/ Chó ta trơ khấc/ Tiếc ngẩn tiếc ngơ/ Thả mồi bắt bóng/ Chó tham thật khờ".

Sang nửa đầu thế kỷ XX, tấm gương soi còn được gặp lại trong văn học phương Tây qua một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ cách mạng Pháp Louis Aragon. Ở đó, tấm gương hiện lên vừa với ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ, vừa là tấm gương phản chiếu tâm hồn và cuộc đời, vừa là tấm gương ca ngợi tình yêu bất diệt: "Nàng chải miết mái tóc vàng rực rỡ/ Như cố tình nàng giày vò trí nhớ/ Suốt ngày dài ngồi bên tấm gương soi/ Khơi bùng lên hoa lửa mãi không thôi/ Chẳng nói như ai khi soi gương rực rỡ/ Như cố tình nàng giày vò trí nhớ/ Ngay giữa hồi bi kịch của ta đây/ Cuộc đời oái oăm như tấm gương soi/ Chiếc lược phân chia ánh lửa vàng óng ả" (Elsa ngồi trước gương).

2.Đối với người quân tử ở phương Đông trong học thuyết Nho giáo, tấm gương sáng là nơi hằng ngày con người phải tự soi để tu thân rèn giũa, để tự kiểm điểm bản thân mình. Khổng Tử từng nói: "Người quân tử soi gương nếu thấy trán tối lại, chứng tỏ đã ba ngày không đọc sách".

Người phương Đông còn có thuật nhân tướng học, có thể tự soi gương để biết vận hạn của mình, xem ấn đường tối hay sáng, lại cũng để xem những thay đổi về tướng pháp có thể xảy ra khi lòng người thay đổi, bởi như sách đã viết: "Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt". Nguyễn Trãi trong "Quốc âm thi tập" cũng có một chùm gồm 61 bài thơ với nhan đề "Bảo kính cảnh giới", nghĩa là gương báu răn mình.

Nhân loại sau một thời gian dài soi gương qua làn nước đã tiến tới việc chế tạo ra những chiếc gương bằng chất liệu đồng, bạc. Thế nhưng, chất liệu đồng, bạc khiến chất lượng gương soi không rõ nét, bị mờ nhiều. Lại phải trải qua một thời gian dài nữa, con người mới nghĩ ra cách chế tạo thủy tinh và từ đó soi gương bằng chất liệu này.

Việc phát minh ra kính/thủy tinh có lẽ là một điều kỳ diệu không kém gì các phát kiến khác thuộc văn minh vật chất, chẳng thế mà nhiều dân tộc có quan niệm rất thiêng liêng về tấm gương, coi đó như nơi giữ gìn linh hồn của con người. Chẳng thế mà người ta rất tránh việc đánh vỡ gương, coi đó là điều vô cùng xui xẻo.

Người Trung Quốc còn treo trong nhà gương bát quái để trừ tà đuổi yêu. Một trong những bảo bối quan trọng của Thái Thượng Lão Quân trong "Tây Du Ký" là kính chiếu yêu, dùng để lột chân tướng của loài yêu ma, khiến chúng không còn nơi ẩn nấp. Nhiều gia đình Việt Nam thời xưa còn tránh cho trẻ nhỏ soi gương sớm, sợ bị bắt vía, mất vía.

Những hành động đập vỡ gương trong văn chương kim cổ chỉ xuất hiện khi lòng người quá chán chường đau xót hoặc thất vọng ghê gớm vì một lẽ gì. Trong văn xuôi, ta nhớ đến cảnh Chu Du đập vỡ gương khi thấy dung nhan mình tiều tụy, Ngũ Tử Tư đập vỡ gương khi thấy đầu tóc mình sau một đêm bỗng thành bạc trắng, nhân vật Phạm Ngọc Phong trong truyện ngắn "Giọt máu" của Nguyễn Huy Thiệp cũng đập tan gương treo tường vì những phiền muộn bực bội bởi chuyện gia đình, vợ của Phong là Thiều Hoa khi ấy đã nói một câu: "Ông chán cái mặt ông à?". Trong thơ, hành động đập gương có trong bài Khóc Bằng Phi (tương truyền của vua Tự Đức): "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y để lại dành hơi".

Vẻ đẹp của nàng Tây Thi trong văn học.

Chuyện gương lược với người Việt, cảm quan đầu tiên vẫn là vật bất ly thân dành cho người nữ. Cô gái mới lớn trong bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp được miêu tả với hành động soi gương rất đáng yêu: "Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương". Nhưng người phụ nữ khi không còn niềm tin yêu vào cuộc đời, khi những cay đắng xót xa buồn tủi không thể san lấp, thì lược gương với họ lúc ấy sẽ thành vô nghĩa. Người chị trong bài thơ "Lỡ bước sang ngang" của Nguyễn Bính đã nói với em trai: "Mắt quầng tóc rối tơ vương/ Em còn cho chị lược gương làm gì/ Một lần này bước ra đi/ Là không hẹn một ngày về nữa đâu".

Khác với phụ nữ, người đàn ông khi viết về chuyện soi gương trong thơ lại chủ yếu là soi vào tâm trạng, soi vào lòng mình, thường là gắn với những niềm đau: "Giật mình hai mắt trũng sâu/ Người trong gương ấy còn đau hơn mình" (Lâm Huy Nhuận). Nguyễn Bính cách đó gần nửa thế kỷ cũng đã có cái giật mình ấy: "Giật mình một buổi soi gương cũ/ Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền" (Sao chẳng về đây).

Và thi sĩ chân quê trên những bước đường giang hồ gió bụi đã từng có những lúc đắng đót soi mình qua chén rượu: "Tỉ tê gợi tới niềm tâm sự/ Cúi mặt soi gương chén rượu đầy" (Giời mưa ở Huế). Ca sĩ, nhạc sĩ Duy Mạnh trong bài hát "Kiếp đỏ đen" cũng có câu: "Ngồi trước tấm gương sáng rọi vào đó mới thấy, thân xác hoang tàn không nhận ra".

3.Thế nhưng cũng có lúc người ta soi mà không dùng đến gương, ấy là soi mình vào bức tường trắng. Diện mạo thật khi ấy không phải điều quan trọng, mà quan trọng là cái bóng của mình. Vũ Thị Thiết trong truyện "Người con gái Nam Xương" đã từng chỉ vào cái bóng trên tường để dỗ con, bảo rằng đấy là cha nó. Cũng chính vì lẽ ấy mà nàng rơi vào một bi kịch oan khiên không thể giải thích, phải trầm mình xuống làn nước trong để quyên sinh.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong nhạc phẩm "Ru ta ngậm ngùi" cũng khép lại bài hát bằng hai câu ca từ: "Người về soi bóng mình/ Giữa tường trắng lặng câm". Còn thi sĩ Bế Kiến Quốc thì lại nhìn vào bóng hoa đang soi trên tường mà chiêm nghiệm những điều về tình yêu và kiếp người: "Hoa huệ trắng. Và bức tường cũng trắng/ Sao bóng hoa trên tường lại đen?/ Em đừng nhìn đi đâu nữa em/ Anh không biết vì sao anh có lỗi/ Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi/ Sao bóng hoa trên tường lại đen...". Một bài thơ ngắn chỉ có 6 câu mà tác giả của nó đã phải thai nghén ngẫm nghĩ trong 18 năm như con số ở cuối bài thơ bộc lộ: 1969 - 1987.

Xin trở lại với chuyện soi gương của người phụ nữ. Trương Trào trong "U mộng ảnh" từng viết một câu gây nhiều thú vị: "Người đàn bà xấu không coi gương là thù địch vì đó là vật vô tri. Bởi nếu gương mà hữu trí thì tất cả đã tan tành rồi". Như vậy, người đàn bà đẹp hay người đàn bà xấu đều vẫn coi gương là bạn, thậm chí cả người đàn bà độc ác trong truyện "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" hằng ngày vẫn không quên cất lời hỏi: "Gương kia ngự ở trên tường/ Thế gian ai đẹp được dường như ta".

Thế nhưng có một người đàn bà khác, một nữ sĩ danh tiếng của Việt Nam sống vào thế kỷ XVIII, khi soi gương đã không hề nghĩ tới chuyện diện mạo nhan sắc bản thân, mà lại nghĩ về những dâu bể đổi thay của cuộc đời, đau đáu một nỗi niềm thế sự u uẩn. Đó chính là Bà huyện Thanh Quan với hai câu kết nổi tiếng trong bài "Thăng Long thành hoài cổ" mà tôi muốn dùng để khép lại bài viết này: "Ngàn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường".

Đỗ Anh Vũ
.
.