Mùa World Cup nói chuyện luật

Thứ Năm, 21/06/2018, 08:13
Nỗ lực của VTV và nhà tài trợ đã tiếp tục mang World Cup miễn phí về cho những người mộ điệu Việt Nam. Song, ngay cả khi đã có World Cup miễn phí đi nữa, sóng dư luận cũng vẫn chưa yên.


Tháng Sáu, năm chẵn, bao giờ cũng là thời điểm dành cho giới mộ điệu bóng đá. Từ những người dân bình thường nhất cho tới những doanh nhân tiếng tăm, từ những trí thức hàng đầu cho tới những nghệ sĩ đình đám, tất cả đều bị cuốn vào sự sôi động của cầu trường châu Âu hoặc thế giới. Đặc biệt là những tháng Sáu như năm 2018 này, khi FIFA tổ chức Vòng chung kết World Cup, "nhiệt độ hâm mộ" còn nóng bỏng hơn. Và tất nhiên, câu chuyện bản quyền truyền hình cũng luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận  bởi ai cũng mong muốn được thưởng thức một World Cup thật trọn vẹn.

Nỗ lực của VTV và nhà tài trợ đã tiếp tục mang World Cup miễn phí về cho những người mộ điệu Việt Nam. Song, ngay cả khi đã có World Cup miễn phí đi nữa, sóng dư luận cũng vẫn chưa yên.

Ở những ngày đầu khai mạc World Cup, phát ngôn của Trưởng ban thư ký biên tập VTV, ông Nguyễn Hà Nam về khả năng chiếu phục vụ các trận đấu World Cup tại các tụ điểm công cộng như quán cafe, quán nhậu có khả năng phải xin phép FIFA đã gây bão và nhận về rất nhiều chỉ trích. Đáng buồn là tất cả các chỉ trích ấy đều  đầy chủ quan, cảm tính và thậm chí ác ý.

Phải khẳng định, ông Nguyễn Hà Nam không hề nói sai. Nếu chúng ta lên trang publicviewing.fifa.com chúng ta sẽ đọc được ngay quy định cụ thể của FIFA về trách nhiệm của những đơn vị trình chiếu các trận đấu World Cup ở nơi công cộng.

Trong quy định đó, nổi bật 2 điểm lớn là FIFA sẽ "không cấp phép cho chiếu bán vé ở rạp hát, rạp chiếu film" và ở các địa điểm công cộng (nhà hàng, cafe, quán ăn, các khu tụ tập người hâm mộ - fan zone) khác, mức phí xin phép sẽ căn cứ theo sức chứa.

Cụ thể, dưới 1000 khách: 1000 USD; từ 1001-2000 khách: 2000 USD; 2001-5000 khách: 4000 USD; 5001-10.000 khách: 8000 USD; trên 10001 khách: 14 ngàn USD. Đây là mức phí xin phép 1 lần cho cả giải và người được cấp phép có thể được thay đổi địa điểm trình chiếu tương đồng trong suốt mùa giải.

Với việc ông Nguyễn Hà Nam chỉ khuyến cáo người kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam vốn đang có ý định dùng World Cup để thu hút khách hàng, rất nhiều gạch đá trên mạng xã hội đã được ném về phía VTV cũng như cá nhân ông. Phần lớn đều cho rằng VTV làm ăn ẩu hoặc trách nhiệm về vấn đề bản quyền này thuộc về VTV chứ không phải thuộc về người sử dụng. Tất cả những ý kiến ấy đều không được phát xuất từ những cá nhân am hiểu luật và các quy ước bản quyền theo thông lệ quốc tế.

Đơn giản nhất, bản quyền mà VTV mua phục vụ người xem Việt Nam là bản quyền nội dung thuộc diện "home use only" (tức là chỉ phục vụ mục đích giải trí tại nhà). Nếu cá nhân nào mang nội dung "home use only" này để làm dịch vụ tăng thêm nhằm phục vụ kinh doanh thương mại của mình, họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm với chủ sở hữu bản quyền là FIFA chứ không phải VTV.

Đáng buồn hơn nữa là không một ai chịu quan tâm đến thông tin mà ông Nguyễn Hà Nam đưa ra trong cùng thông báo ấy. Đó là phía VTV đang xúc tiến hỏi FIFA các thủ tục đăng ký nếu có để công bố rộng rãi cho người dân. Rõ ràng, thiện chí của VTV đã bị hiểu sai, bị bóp méo một cách đáng tiếc.

Câu chuyện World Cup kể trên chỉ càng làm thêm rõ một điểm yếu mà chúng ta cần phải khắc phục, đó là thói lười quan tâm, theo dõi các văn bản luật của đại đa số dân chúng. Người Việt ít đọc luật, không hiểu luật và thực tế chỉ quan tâm đến luật nếu có kiện tụng mà thôi. Và trong một môi trường xã hội như thế, rõ ràng ý thức thượng tôn luật pháp vẫn chỉ là một mơ ước xa vời.
Văn Đoàn
.
.