Một bài báo không mong được đăng

Thứ Ba, 16/06/2015, 08:15
Bất cứ ai sáng tác hoặc viết báo cũng đều mong sản phẩm tinh thần của mình nhanh chóng được sử dụng để đến với công chúng. Nhưng trong đời cầm bút của mình, tôi có một bài báo mà ngay sau khi gửi đến một tòa soạn, lại mong không được đăng. Chuyện như sau:

Hôm đó là ngày 16/6/2012. Đang đi sáng tác ở xa, tôi bỗng nhận được cú điện thoại của họa sỹ, nhà thơ, NSND Lê Huy Quang khi đó phụ trách phần Nghệ thuật của Báo Văn Nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Quang thông báo một tin không vui: Nhạc sỹ Ngô Quốc Tính - tác giả ca khúc "Trên công trường rộn tiếng ca" nổi tiếng đầu những năm 70 của thế kỷ trước - bị tai biến mạch máu não, dẫn tới đột quỵ đang cấp cứu ở bệnh viện Hữu nghị. Các thầy thuốc thông báo tình hình sức khỏe rất xấu, khó qua khỏi, sẽ "đi" trong thời gian sớm.

Nhạc sỹ Ngô Quốc Tính. 

Và Lê Huy Quang "com-măng" tôi viết bài về người nhạc sỹ vừa bị tai nạn hiểm nghèo này (Báo Văn nghệ vẫn có thông lệ hễ cứ có văn nghệ sỹ nào "ra đi" là lập tức sẽ tổ chức bài để đăng kịp thời như một điếu văn trên báo vậy). Yêu cầu của báo là cần viết nhanh để kịp thời đăng vào số ra sớm nhất. Nhưng cũng phải đánh giá được toàn diện một cách sâu sắc sự nghiệp, cống hiến của người vừa khuất bóng. Tôi được Lê Huy Quang tín nhiệm, yêu cầu thực hiện việc này. Tuy nhiên, tôi cũng thấy ít nhiều gờn gợn nên nói với ông: "Theo tôi, không nên viết khi đương sự vẫn còn sống. Cứ để sau đó sẽ hay. Tôi sẽ gửi bài ngay đến anh sau khi chuyện buồn chính thức xảy ra chỉ vài giờ. Vấn đề là anh cần thông báo ngay cho tôi sau khi anh ấy qua đời".

Tôi nói vậy vì nghĩ ai lại cứ khẳng định như đinh đóng cột rằng nạn nhân sẽ mất chứ không thể qua khỏi? Thế nếu khả năng may mắn dẫu chỉ là vài phần trăm thì sao? Nhưng Lê Huy Quang thuyết phục tôi cứ viết sẵn vì ông biết rõ bệnh viện đã khẳng định là Ngô Quốc Tính sẽ "ra đi" chỉ trong cùng lắm là một - hai ngày.

Vì ở xa, không thể đến tận nơi thăm Ngô Quốc Tính nên tôi phải hỏi han cặn kẽ diễn biến tai nạn của nhạc sỹ từ Lê Huy Quang. Ông cho biết: Ngày 15/6/2012, Hội Âm nhạc Hà Nội có tổ chức cho Ngô Quốc Tính nói chuyện với các hội viên về con đường sáng tác của mình nhân sự kiện ông vừa nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT. Sau đó, ông mời một số bạn bè thân thiết ra quán đánh chén một bữa gọi là mừng vinh quang vừa đạt được. Tan cuộc, trên đường về xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh (lúc này Ngô Quốc Tính đã nghỉ hưu, rời Hà Nội lên sống ở đây), xe máy của ông loạng choạng rồi đổ xuống đường. Người ta đưa ông quay lại Hà Nội cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị với tình trạng đột quỵ khẩn cấp như diễn biến đã nói.

Vì là chỗ bạn bè của Ngô Quốc Tính, đã tường tận cuộc đời, sự nghiệp sáng tác cùng mọi hoạt động của ông nên tôi thực hiện bài viết nhanh chóng và được gửi đến Lê Huy Quang ngay sau đó mấy giờ để kịp đăng báo sớm nhất. Báo Văn nghệ ra ngày thứ năm hàng tuần. Tại các tỉnh, phải đến chiều thứ sáu hoặc sáng thứ bảy mới có. Ở xa, tôi tìm mua, nhưng không thấy bài báo của mình. Tôi bèn a-lô hỏi Lê Huy Quang. Ông cho biết Ngô Quốc Tính vẫn chưa sao, đang còn trong bệnh viện, tiếp tục theo dõi diễn biến sức khỏe.

Có một chi tiết khá…hú hồn: Khi nhạc sỹ được đưa vào bệnh viện Hữu nghị, người ta cho là đã rất nặng nên đưa sang bệnh viện 108 của quân đội ngay bên cạnh, sẽ có điều kiện mổ não tốt hơn. Nhưng đúng lúc đó, vị bác sỹ quân đội trực tiếp mổ lại vắng mặt nên đành đưa bệnh nhân quay trở lại Bệnh viện Hữu nghị và cuối cùng là không phải mổ. Sau này, Ngô Quốc Tính cứ nói hôm ấy thế mà lại hóa may. Nếu vị bác sỹ kia có mặt, chắc chắn sọ của ông đã được mổ và không biết điều gì sẽ xảy ra.

Tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị thêm một tháng, ra viện, nhạc sỹ theo đuổi châm cứu ở một thầy lang giỏi. Bệnh tình dần được hồi phục và đến hôm nay, sau 3 năm xảy ra sự cố, Ngô Quốc Tính trở lại khỏe mạnh bình thường như chưa từng bị sự cố đột quỵ đó. Và bài báo của tôi cũng vĩnh viễn không bao giờ đăng. Sau khi Ngô Quốc Tính ra viện, thỉnh thoảng gặp tôi ở đâu đó, Lê Huy Quang vẫn nói: "Tôi còn nợ ông bài báo. Com-măng mà không thể đăng. Mong ông thông cảm". Tôi nói với họa sỹ, nhà thơ: "Riêng bài ấy, tôi mong không bao giờ đăng. Không may mà đăng trên Văn nghệ tức là phải đăng chứ không phải là được đăng".

Và bài báo ấy, sau 3 năm, hiện vẫn còn lưu trong một "phai" ở  máy tính của tôi và Lê Huy Quang. Mong rằng không bao giờ tôi phải lấy ra để đăng ở đâu. Còn Ngô Quốc Tính thì giữ một bản làm kỷ niệm. Ông nói là thú vị nhất khi đọc đến cái câu có những dấu chấm lửng trong bài báo của tôi: Vào hồi…giờ, ngày… năm 2012, Ngô Quốc Tính đã trút hơi thở cuối cùng tại… để lại một gia sản âm nhạc đáng trân trọng trong đó có bài "Trên công trường rộn tiếng ca" rất được công chúng ưa thích từ hơn bốn chục năm trước.

Nguyễn Đình San
.
.