Mình tặng nhau im lặng
- Nhà thơ Chế Lan Viên làm thơ Cao- Xà- Lá
- Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim: Một tôi lặn lội, một tôi kiếm tìm
- Nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa: Những nỗ lực kỳ diệu
Người ta thường nói: Im lặng là vàng. Tặng nhau im lặng là tặng nhau vàng mười rồi. Tôi đã có bài thơ “Lặng im” được nhiều người yêu thích, trong đó có hai câu: “Bao nhiêu năm học nói cười/ Hôm nay tôi học được lời lặng im”.
Người thơ Đinh Thị Hường còn đi xa hơn tôi, không chỉ biết lặng im mà còn biết: “Mình tặng nhau im lặng”. Tôi thích bài thơ này bởi câu kết của bài thơ khá độc đáo. Người thơ: “Không tặng anh... cốc thủy tinh vỡ/ Bông hồng hờ hững đỏ... không tặng anh giận hờn... Mình tặng nhau im lặng”.
Tôi muốn lấy câu thơ này làm cái tít cho bài viết, bởi vì bây giờ người ta ồn ào quá, ồn ào cả trong thơ, dù thơ là lĩnh vực nội tâm, luôn phải tránh xa ồn ào! Thực lòng, tôi không quen biết người thơ Đinh Thị Hường, chỉ đọc thơ qua Facebook, thấy nhiều câu tôi thích, nên khi đọc tập thơ “Nơi cầu vồng bảy sắc” mới biết Đinh Thị Hường là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Tập thơ chỉ có 75 trang nhưng nhiều bài thơ trong đó gây được ấn tượng cho người đọc.
Tôi thích bài thơ NGÂU trong tập này:
Trời xa bạc vào nỗi nhớ
Ảnh hình ẩn - hiện chơi vơi
Mưa níu trời cao không dứt
Ngâu dài từ thủa xa xôi
Lá vàng ngẩn ngơ lối nhỏ
Chuông chùa đứt - nối nhặt thưa
Bạt phiêu mây trời khuất nẻo
Như chưa hề dứt bao giờ!
Đúng là rất NGÂU. Cái nhặt thưa, đứt nối, dai dẳng của mưa ngâu như sự níu kéo giữa trời đất với hồn người, giữa hồn người với hồn người được người thơ thể hiện khá thành công.
Thường xuyên đọc thơ trên Facebook, cũng như các tờ báo, các tập thơ mà tôi có, nếu tôi không nhầm, có hai khuynh hướng sáng tác thơ hiện nay ấy là người làm thơ quá dễ dãi nên thơ nhạt và người làm thơ quá cầu kỳ, quá khó tính khiến thơ rơi vào khô khan, thiếu sự bay bổng của tâm hồn...
Đọc “Nơi cầu vồng đón đợi” tôi thiển nghĩ người thơ Đinh Thị Hường hình như đã có sự cân bằng giữa hai khuynh hướng trên. Không quá cầu kỳ, cầu toàn, cũng không quá dễ dãi trong cảm xúc, cấu tứ. Bởi vậy trong tập thơ này có nhiều câu tôi thích:
...Vầng xuân ươm hào quang rực rỡ
Hoa đèn
Thiêu rụi cánh thiên di
(Hoa đèn)
...Tan vỡ âm thanh lành lạnh mơ hồ
Tất bật ngày thoi đưa.
(Cũi ngày)
Đêm đi tìm nỗi nhớ
Bước thênh thang vòm trời
Bóng hình xa vời vợi
Sao phơi tràn đơn côi
(Giấc mơ).
Nói về giấc mơ trong bài thơ chỉ có bốn câu trên, nghe cũng lạ. Xưa nay có ai nói về giấc mơ như thế không? Hình như không! Hay tôi chưa đọc những bài thơ nói về giấc mơ như thế. Khi đọc đến câu thơ cuối trong bài thơ trên: “Sao phơi tràn đơn côi!”, tôi thực sự bất ngờ.
Chính sự bất ngờ này tạo nên cảm xúc trong tôi. Sao phơi đầy trời mà vẫn đơn côi! Cái hay của thơ ca chính ở sự phi lý nhưng rất hợp lý này chăng? Người ngắm sao sáng đầy trời nhưng người đơn côi, tâm trạng đơn côi, nên vẫn cứ là đơn côi! Ấy là nói như người xưa “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Tôi thiển nghĩ, cảm xúc trong thơ hiện đại bây giờ, những thán từ hình như không làm người đọc cảm động, cũng như sự cuốn hút trong thơ xưa nay thường bắt nguồn ở sự bất ngờ, bất ngờ trong ý tưởng, trong cảm xúc, trong cấu tứ... Trong tập thơ này của người thơ Đinh Thị Hường, tôi bắt gặp nhiều câu thơ như thế, nhiều bài thơ như thế. Hình như Đinh Thị Hường cũng muốn tìm cách nói khác, nghĩ khác, cả đề tài cũng muốn khác lạ chăng?
Đó cũng là khuynh hướng của nhiều người làm thơ hiện nay. Mới, lạ để tạo nên nhưng câu thơ hay. Nhưng, không phải cái mới, cái lạ nào cũng hay, cũng đẹp, cũng tốt... Tôi thiển nghĩ vậy.
Bài thơ “Trị xạ” là một ví dụ. Xưa nay, nói đến trị xạ là nói đến một khái niệm của ngành y. Là những người bị ung thư phải làm “Trị xạ”. Ấy thế mà người thơ Đinh Thị Hường có bài thơ “Trị xạ” lại nói về thiên nhiên, thiên tai, trời đất... “Mãi cuồng ngông ông trời chưa một lần trị xạ/ Thiên tai bão lụt giáng trần/ Nghiệt ngã/ Màu oán than ngập dâng...”.
Bài thơ “Cũi ngày” cũng vậy. Khi đọc lướt qua, tôi cứ ngỡ tên bài thơ là “Cõi ngày”. Hóa ra người thơ muốn nói đến ngày như chiếc cũi nhốt tất cả vào đó:
Điềm nhiên ngày lan tỏa bình minh
Sau song cửa ánh nhìn nắng nhốt
Nhốt giữa trời bao la tiếng chim dịu ngọt...
(Cũi ngày).
Thực ra tìm tòi cách nghĩ, cách cảm, cách nói, cách so sánh ví von sao cho mới lạ là điều cần thiết để làm mới thơ. Nhưng, xưa nay thơ chính là giai điệu tâm hồn, quen, rất quen mà lạ, cũng rất lạ! Trong những bài thơ hay, được nhiều người tìm đọc, đọc thuộc, rồi ngân nga như chính tôi đã ngân nga nhiều câu thơ của nhiều nhà thơ khi gặp cảnh, gặp tình, gặp người... Bởi vậy nếu mải mê tìm sự lạ ngoài bản thân mình, nhiều khi tưởng mới, lạ mà thực ra hiệu quả trong những bài thơ, người thơ như thế có khi làm mất đi cảm xúc chân thực trong thơ.
Thời gian ngày - gọi nắng
Nỗi lòng ngày - tái tê
Biển chiều ngày - đợi sóng
Trăm năm ngày - mải mê
(Ngày)
Thơ hay nói như người xưa là thơ “Ý tại, ngôn ngoại”. Tôi thích bài thơ này. Bài thơ có bốn câu, nhưng người thơ đã nói được nhiều điều, mà điều quan trọng nhất cuối cùng vẫn là nỗi lòng của người làm thơ. Vịn vào ngày, vịn vào đêm, hay vịn vào nắng, mưa, sóng biển... cuối cùng người thơ chỉ có thể vịn vào thơ... Và, nói như nhà thơ Phùng Quán lúc sinh thời: “Ta vịn vào câu thơ mà đứng dậy”.
Tôi thường nghĩ thơ của phái đẹp thường giàu nữ tính, say... Say để người đọc mê. Say mê thơ và người thơ!
Đọc “Nơi cầu vồng đón đợi”, tôi cảm thấy một người thơ khá sắc sảo, thông minh, nhưng hình như hơi tỉnh táo quá, hay người thơ Đinh Thị Hường tự kiềm chế mình nên chất SAY trong thơ chưa đủ độ để làm người ta MÊ!
Tôi nói vậy không biết có đúng không, người thơ Đinh Thị Hường?
Nhà vườn Sóc Sơn, 7-2020