Miếu Đầm – Đôi điều suy ngẫm

Thứ Hai, 28/05/2018, 08:33
Nhiều người có dịp đi qua vùng đất Mễ Trì đều đến thắp hương và vãn cảnh Miếu Đầm (hay còn gọi là Miếu Quán Đầm). Miếu được xây dựng để thờ tự vị thủy thần Đông Hải Đại Vương. Nó gắn với một truyền thuyết mang đầy ý nghĩa nhân văn. 


Người ta kể rằng ngày xưa vùng đất Mễ Trì có nhiều đầm hồ, ngòi rạch. Nhiều người sống bằng nghề đánh bắt cá. Có hai vợ chồng cũng làm nghề đánh bắt cá, sống tu nhân tích đức, ăn ở hiền lành, thế mà tuổi đã cao trời vẫn chưa cho có một đứa con.

Một lần, ông kéo vó trên đầm, kéo mãi mà không được con cá nào. Bỗng nhiên ông kéo được một quả trứng có màu sắc lung linh như ngọc. Ông liền đem về cho vào một cái chum lớn. Sau hơn hai mươi ngày,  trứng nở ra một con rắn. Ông bà quý con rắn như là con đẻ của mình.

Tuy là loài rắn nhưng lại rất hiền lành. Khoảng 100 ngày sau, khi rắn đã lớn, một đêm  mưa to gió lớn, sấm sét vang trời, rắn chui ra khỏi chum rồi trườn về phía đầm. Vợ chồng ông bà già chạy theo kêu van thảm thiết để rắn quay lại. Nhưng rắn cứ một mạch theo hướng đầm mà bò đi.

Ông bà lão nhìn theo rồi suy nghĩ, có lẽ rắn là con vua Thủy Tề được Long Vương triệu về nên không ở lại. Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, ông già ra đầm kéo vó. Đứng trên bờ đầm ông già khấn: "Rắn ơi, nếu là linh thần thì phù hộ cho già đánh được nhiều cá". Quả nhiên từ đó ông đánh được rất nhiều cá. Những người khác đến khấn cũng đánh bắt được nhiều cá. Cuộc sống của vợ chồng ông già và những người xung quanh từ nghèo túng đã trở nên khấm khá, sung túc.

Tiếng lành đồn xa, dân làng cho là chuyện linh dị nên đã lập miếu thờ bên bờ đầm. Chuyện đến tai Đế Đinh, nhà vua cử quan văn về tế lễ và phong thần là Đông Hải Đại Vương. Người dân Mễ Trì đã rước ngài về phối thờ ở Đình. Miếu Đầm cũng đã được nhận bằng di tích của thành phố.

Miếu Đầm bây giờ nằm ở một vị trí rất đẹp, bên cạnh là khuôn viên  cây xanh của Trung tâm Hội nghị Quốc gia, một bên lại giáp với khuôn viên của khách sạn JW Marriott  hoành tráng. Xung quanh miếu là vùng nước trong xanh, quanh năm suốt tháng gió đưa về không khí mát lành. Miếu Đầm lại được kiến trúc theo kiểu lộ thiên, không có mái che, toàn bộ đều lẫn trong vướn cây xanh, lúc ẩn lúc hiện. Đi vào khuôn viên Miếu Đầm, ta có cảm giác như trở về với thiên nhiên thơ mộng.

Miếu Đầm đẹp là vậy, mang trong mình một truyền thuyết nhân văn là vậy, nhưng những ai đến đây thắp hương, vãn cảnh thì không biết ở đây thờ vị thần nào. Không hề có một bản giới thiệu tóm tắt về nguồn gốc, sự tích của Miếu Đầm. Đã có không ít du khách đến đây cứ hỏi nhau về điều ấy.

Không hiểu vì sao một di tích như Miếu Đầm cho đến nay vẫn chưa có một tấm bảng giới thiệu - một yêu cầu tối thiểu đối với khách du lịch trong phát triển môi trường văn hóa du lịch hiện nay.

Nhân đây cũng nói thêm ở Mễ Trì, Phú Đô thuộc quận Nam Từ Liêm hiện nay có nhiều chùa chiền, miếu mạo, đình đền… gắn với những sự tích lịch sử, chứa trong lòng những truyền thuyết rất có ý nghĩa, lại được tu sửa rất đẹp thu hút nhiều du khách. Nhưng ở những nơi ấy còn thiếu đi những bảng giới thiệu tóm tắt - một điều rất cần đối với du khách. Vậy mà hình như các cơ quan chức năng lại rất xem nhẹ điều này.

Một điều khiến khách tham quan suy nghĩ hơn là ngay trước lối ra vào Miếu Đầm có một "Lời khuyên” được viết dưới dạng thơ lục bát:

Đến đây phụ nữ có thai
Xưa nay thượng cổ chẳng ai dám vào
Lệ xưa kiêng vậy biết sao?
Có thai nên tránh đừng vào nơi đây

Như vậy, nơi đây cấm phụ nữ mang thai. Tôi có hỏi bác trông giữ Miếu Đầm về quy định này. Bác cũng chỉ trả lời chung chung là để cho an toàn đứa con trong bụng mẹ. Lời giải thích đó càng thêm hụt hẫng trong tôi.

Không biết nguyên nhân sâu xa, do tự truyền thuyết hay do những người mê tín dị đoan đã đưa ra quy định này. Thiết tưởng cơ quan chức năng phải nghiên cứu sâu, có lí giải rõ ràng, nếu thấy đúng thì nên có lời giải thích ngắn gọn, nếu là do mê tín dị đoan thì nên xóa bỏ, để cho mỗi du khách mỗi lần ghé qua Miếu Đầm càng hiểu rõ hơn.
Phạm Văn Thạch
.
.