Miền xưa của Nguyễn Bính Hồng Cầu
Tôi đọc tập thơ "Thức với miền xưa" của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu đã hai lần, từ ngày chị tặng tôi ở Đại hội Nhà văn.
Tập "Thức với miền xưa" chứa trong ấy nhiều nỗi niềm cả chung, cả riêng, chung nhiều hơn riêng, cái riêng tư ít ỏi của chị đã bộc lộ một cách tự nhiên, không cố ý. Chẳng hạn, bốn câu nối qua hai khổ thơ này đã như kể lại một chuyện tình thời chiến chinh: "Mùi con gái dậy hương ngày tháng/Vằng vặc dòng trôi nỗi nhớ cựa mình/…Muối vẫn mặn gừng vẫn cay/Nửa hồn tôi vẫn biệt tăm trận mạc" (Qua miền thiếu nữ). Tôi không tránh khỏi liên tưởng đến câu kết của một bài cổ thi "Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi?". Sự liên văn bản chợt đến ấy làm cho tôi hết sức cảm động khi chạm câu: "Nửa hồn tôi vẫn biệt tăm trận mạc".
Đây không chỉ là câu thơ tài hoa mà nó còn là câu thơ tê buốt niềm đau của người chinh phụ qua bao thời kỳ binh đao và cả thời hậu chiến. Hoặc nghe đến xót xa thương cảm: "Ta gom nắng đầu ngày/ Đắp điếm thành ngôi mộ/ Chôn đêm"(Đêm chết). Đây là một tứ thơ phải hiểu ra ngoài ranh giới ngữ nghĩa; ước ao thế thôi, cố gắng giấu, cố gắng đè xuống, chôn xuống thế thôi, chớ làm sao chôn được hẳn đêm trường, với người đàn bà "Nửa hồn tôi vẫn biệt tăm trận mạc" thì đêm rất dài, lạnh lẽo vô cùng và nỗi cô đơn cũng hiển hiện đến tột cùng. Tôi nói với chị: "Em nghĩ là vết thương của chị giờ vẫn chưa lành miệng, mà chắc khó lành nổi. Thơ chị, nhất là những câu rút ruột nghe cứ như đang rỉ máu". Chị trả lời: "Khi cõi vô thường còn lắm nỗi trần ai, vết đời luôn rỉ máu trong chị…".
Tôi trích một đoạn đối thoại giữa tôi và nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu để hiểu cái ý của chị là chuyện riêng tư của chị chẳng là gì so với nỗi đau chung. Vâng, nỗi đau chung chính là chủ đề lớn nhất, bao trùm nhất của tập thơ này.
Không phải ngẫu nhiên mà chị mở đầu tập thơ bằng bài "Hình hài Tổ quốc". "Hơn ba ngàn hòn đảo/ Giữa trùng khơi to nhỏ nổi chìm/ Như ba ngàn mảnh thịt da/ Chung hình hài Tổ quốc/ Như ba ngàn huyết mạch/ Nối liền trái tim/ Bà mẹ Âu Cơ". Chủ đề biển đảo luôn là nỗi trăn trở, thậm chí còn là nỗi đau nhức nhối với tất cả con dân Việt, nhất là đối với một trí thức yêu nước như chị.
Đề tài về sự băng hoại đạo đức của những người quanh mình cũng được tác giả lặp lại nhiều lần, được khắc họa khá đậm nét. Chẳng hạn trong bài "Khúc tôi" có những câu thơ rất mạnh, chỉ với năm câu ngắn, nhịp điệu giật cục, phá vỡ hết các ràng buộc niêm luật, vần điệu cũ, tác giả đã đặt tên, vạch thẳng căn bệnh thời đại: "Khuôn mặt người - có phải/ Chốn đền thiêng bôi mặt vẽ tuồng/ Rồng rắn chia nhau vòng nguyệt quế/ Mặc con chữ khóc cười/ Tượng đá hoen rêu". Hoặc tác giả đã tỏ thái độ rạch ròi: "Chém một nhát vết đời chảy máu/ Rạch một đường thật giả chia đôi" (người khôn ta dại). Hoặc phác họa thực trạng đớn đau ngày nay một cách ấn tượng: "Cây tham vọng/ che lấp ánh mặt trời/ dựng đêm địa ngục/ tua tủa những mầm nụ/ lọc lừa dối trá/ nuôi lớn cây quyền năng/ bằng máu xương kẻ khác" (Hy vọng mùa sau)
Những hình ảnh "cây tham vọng", "cây quyền năng" đã vượt lên khỏi sự ám chỉ thường tình, nó thực sự lưu lắng trong lòng độc giả một loại biểu tượng đen. Chính vì vậy mà tính phản biện của khổ thơ rất nghiêm khắc, đậm nét, mạnh mẽ và hiệu quả.
Thẩm thức ở góc độ suy tưởng nơi thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu trong dòng chảy thi ca hiện nay thì tư chất thơ của chị đã hiện ra khá rõ nét. Thơ chị đã tạo được sự giao cảm riêng biệt, ưu tư đến mê sảng, đớn đau đến "trắng bờ ký ức". Nỗi đớn đau trong cuộc đời riêng của mình đã hòa với nỗi đau của dân tộc, của cộng đồng. Đó là sự giao thoa của ý thức xã hội và tình cảm cá nhân.