Lửa – biểu tượng và mẫu gốc!

Thứ Bảy, 12/05/2018, 08:43
Ở bất kỳ một ngôn ngữ nào thì “lửa” luôn là một trong những biểu tượng văn hoá cơ bản mang nhiều hàm nghĩa nhất. Vì sao vậy? Vì “lửa” gắn bó mật thiết với đời sống con người, ở đâu có con người là ở đó có lửa.

Ngay trong tiếng Việt, “lửa” là một tín hiệu thẩm mỹ rất đa dạng về nghĩa: lửa tình yêu, lửa tâm hồn, lửa nhiệt tình, lửa chiến tranh, lửa căm hờn, lửa tàn ác...Vì có nhiều nghĩa nên hầu hết các ngôn ngữ đều khuôn “lửa” vào hai nhóm: tái sinh và huỷ diệt. Căn nguyên của nó là những câu chuyện có từ rất xưa...

Gắn với nghĩa tái sinh là câu chuyện của nền văn hoá cổ Hy La vĩ đại có Prômêtê thần thánh. Truyền thuyết kể rằng vì thương loài người cực khổ sống trong bóng tối và đói rét nên Thần Prômêtê lấy trộm lửa từ trên thiên đình cho loài người. Hôm ấy, nhân các thần mải đi chơi xa, Prômêtê bèn châm lửa thiêng giấu kín trong ruột cây sậy rồi chạy xuống hạ giới. Từ đó mà nhân loại có lửa, sống văn minh hơn hẳn trước đó. Để ghi công cho Thần, loài người gọi đó là “ngọn lửa Prômêtê”, thậm chí chỉ việc gì vĩ đại mang tính khởi đầu, con người liền gọi là “Tinh thần Prômêtê”, rồi “Thời đại Prômêtê”...

Hành động của Prômêtê làm Dớt - vua của các vị thần nổi giận. Dớt bèn ra lệnh trừng phạt Prômêtê bằng cách xích chàng vào dãy núi đá Côcadơ hoang vu và xa xôi để ban ngày vị thần ân nhân của loài người bị mặt trời thiêu đốt và đến đêm chịu giá lạnh cắt thịt da.

Chưa hết, Dớt còn sai đại bàng khổng lồ moi và ăn gan của Prômêtê. Thật kỳ diệu, gan của người anh hùng ban ngày bị đại bàng ăn thì đêm lại tái sinh. Những cực hình khủng khiếp không khuất phục được ý chí của Prômêtê vĩ đại. Cuối cũng Dớt chịu thua!

Prômêtê bị xiềng trên núi đá.

Cho đến nay nhân loại vẫn chưa lý giải nổi thần thoại Hy Lạp xa xưa cách nay bảy, tám nghìn năm đã dựa vào căn cứ nào để tưởng tượng ra hình tượng gan của Prômêtê tái sinh. Vì y học hiện đại ngày nay chứng minh chỉ duy nhất một bộ phận trong hệ thống cơ thể người là gan mới có thể tái sinh. Ngẫu nhiên chăng? Rất có thể.

Nhưng trường hợp Kim Tự Tháp Ai Cập sừng sững gần năm ngàn năm nay vẫn chưa có thuyết nào giải thích một cách thuyết phục về nguồn gốc và phương thức xây dựng. Vì đơn giản chỉ có trình độ tin học phát triển như hiện nay mới có thể lập trình được một cách chính xác về kết cấu hết sức khoa học của hệ thống kiến trúc này, có như vậy Kỳ quan cổ đại này mới còn sót lại đến với chúng ta?

Được phủ một màn sương huyền thoại nên hình tượng nghệ thuật vẫn luôn mê hoặc và mời gọi sự khám phá. Như tình yêu vậy, hiểu biết kỹ quá thì tỉnh táo dễ dẫn đến khô khan, xa với lĩnh vực tình cảm đặc biệt vốn gắn liền với sự mơ mộng, bay bổng. Huyền thoại Prômêtê hấp dẫn loài người đến mức trở thành “cổ mẫu” để hậu sinh khai thác, tạo ra những tác phẩm kinh điển tiếp sau.

Là "Prômêtê bị xiềng", một trong bảy vở bi kịch bằng thơ hay nhất của nhà viết kịch Hy Lạp cổ Esin, ra đời khoảng năm 469 TCN. Là "Prômêtê giải phóng", viết năm 1819, kịch thơ bốn hồi của nhà thơ Anh Seli...

Đó là những tác phẩm kế thừa, tiếp thu và phát huy tinh thần tích cực của “cổ mẫu”. Nhưng cũng có cách tiếp thu theo tinh thần phản biện, phủ nhận hoặc hoài nghi mà tiêu biểu Luyxiêng, nhà văn Hy Lạp cổ (khoảng 125-180) với phong cách nổi bật là hoài nghi tất cả, hoài nghi triệt để, kể cả tôn giáo nên tên các tác phẩm của ông thường có hai chữ “Đối thoại” ở đầu (Đối thoại của những người chết; Đối thoại của các vị thần...).

Các Mác có sức đọc rất rộng mới có nhận xét rất tinh này: “Những vị thần Hy Lạp đã bị tử thương-dưới hình thức bi kịch trong vở Prômêtê bị xiềng của Esin, lại phải chết một lần nữa-dưới hình thức hài kịch trong cuốn Đối thoại của Luyxiêng”.

Với văn học Nga hiện đại có hình ảnh toả sáng của trái tim Đankô dẫn đoàn người thoát khỏi sự tối tăm của rừng già cũng ít nhiều kế thừa “ngọn lửa toả sáng” từ mẫu gốc. Hình tượng lãng mạn kỳ diệu này của M. Gorki đã làm say mê bao thế hệ thanh niên Nga và cả ở Việt Nam. Chắc chắn nó vẫn nằm trong hành trang tuổi trẻ của những thế hệ tiếp sau.

Ở Việt Nam, lấy cảm hứng từ ngọn lửa Prômêtê nhưng có phần xa với cổ mẫu là tập thơ "Lửa thiêng" (1940) của Huy Cận. Người viết nhiều về hình tượng lửa là Tố Hữu: “Tôi muốn viết những vần thơ tươi xanh/ Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy...”.

Prômêtê đã hy sinh vì nhân loại và nhân loại thể hiện lòng biết ơn Thần bằng cách giữ gìn ngọn lửa như một tài sản quý giá nhất. Từ đó hình tượng lửa đi vào mọi ngôn ngữ trở thành biểu tượng văn hoá với những ý nghĩa tốt đẹp: sự tái sinh, sức sống mãnh liệt, sự kỳ diệu...

Nhưng trong loài người có kẻ phản bội. Hắn tên là Herostratos. Hắn đã biến ngọn lửa thần thánh thành ngọn lửa của quỷ dữ. Vì muốn trở nên nổi tiếng hắn đã phóng lửa đốt đền thờ thần Artemis - nữ thần săn bắn, ở Ephesus (nay là miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là ngôi đền đẹp nhất trong số khoảng 30 ngôi đền của người Hy Lạp, được xây bằng đá cẩm thạch, một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Ngọn lửa đã cướp đi vĩnh viễn một tài sản vô giá của nhân loại. Chỉ vì tính ích kỷ và ngông cuồng mà Herostratos bị cả loài người lên án, phỉ nhổ.

Thế là từ đó ngọn lửa cũng đi vào từ điển các ngôn ngữ với nghĩa tiêu cực: sự huỷ diệt, sức tàn phá, sự chết chóc... Như cụ Nguyễn Trãi tố cáo sự tàn bạo mất hết tính người của quân xâm lược Minh: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn...”.

Ngọn lửa quý giá, ngọn lửa thần thánh thiêng liêng nhưng trong tay kẻ xấu thì trở thành phương tiện gây ra thảm họa kinh hoàng. Người Việt ta đã sâu sắc tổng kết: “Thuỷ, hoả, đạo, tặc” coi “lửa” là một trong bốn thảm họa: thuỷ (mưa bão, lũ lụt); hoả (lửa cháy); đạo (trộm cắp); tặc (giặc giã). Bài học trong truyền thuyết cổ xưa là chỉ có kẻ xấu (như Herostratos) mới cố tình tạo ra lửa cháy huỷ diệt, về sau nhân loại hiểu rộng rãi và phổ quát hơn là trong đời sống có khi người tốt cũng vô tình gây ra thảm họa vì một sơ ý không ngờ.

Vì thần Prômêtê - người đầu tiên mang lửa xuống trần gian, giấu lửa vào ruột một cây sậy, nên từ đó về sau lửa luôn nấp kín, trong mạch điện tường nhà, trong động cơ xe, trong chiếc bình gas, trong chiếc bật lửa nhỏ bé, trong một gốc cây khô, một đống lá... Thậm chí từ trên trời... Và sẵn sàng bùng lên bất cứ khi nào. Nếu con người không để ý đề phòng!

Lửa thần thánh, tái sinh và có cả lửa quỷ dữ, huỷ diệt! Con cháu của Prômêtê luôn hướng về sự sống nên cảnh giác cao độ. Nhưng vì người ngày một đông, đôi khi lại quên mất chuyện khởi nguyên của lửa từ Thần Prômêtê nên thỉnh thoảng vẫn có chuyện đáng tiếc xảy ra...! 
Nguyễn Thanh Tú
.
.