Lì xì bằng... sách
“Sách của con đâu?”
Tặng sách dịp Tết cũng giống như tục khai bút, xin chữ ông đồ. Nét đẹp đó vốn có từ lâu. Tuy nhiên, nó chỉ diễn ra ở một số gia đình trọng chữ nghĩa, bút nghiên. Bây giờ, dù cuộc sống đã đủ cơm ăn áo mặc, thế nhưng đa phần mọi người ít có thói quen tặng sách. Người tặng và người nhận muốn thấy được ý nghĩa, công dụng của món quà ngay tức thì chứ không phải là chờ thời gian lật giở từng trang sách để chắt lọc tri thức và ý tứ sâu xa.
Trong tạp bút “Sách của con đâu?”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể rằng, tục lì xì thoạt đầu có ý nghĩa tinh thần, gọi là “mừng tuổi”, thể hiện sự quan tâm, nhằm chúc phúc, chúc lộc. Tiền cho vào hồng bao như kiểu tượng trưng. Tết đến, mọi đứa trẻ đều háo hức chờ bao lì xì mừng tuổi, ông bà vui mừng khi được con cháu mừng thọ. Nhưng rồi theo thời gian, nó biến tướng, nhiễm tinh thần thực dụng lúc nào không hay. Không hiếm gặp cảnh lũ trẻ sốt sắng xé rách hồng bao để xem bên trong có bao nhiêu tiền. Tiền nhiều thì chúng vui mừng như bắt được vàng, tiền ít thì mặt như bánh đa nhúng nước. “Lì xì chừng này thì mua được gì?”.
Lì xì sách ngày Tết là một nét đẹp góp phần nâng cao văn hóa đọc. |
Trẻ con nghĩ vậy đã đành, đến người lớn cũng vì chuyện đó mà so đo nhà này nhà kia để tính chuyện đáp lễ. Lì xì tiền không khác gì người lớn đang gián tiếp dạy cho trẻ con cân đo đong đếm tiền nong, coi trọng vật chất. Người nào không dư dả thì khoản tiền lì xì cho đàn con cháu là cả gánh nặng. Lì xì ít thì con cháu đánh giá nhưng bấm bụng qua Tết thì khéo chừng đổ nợ.
“Mừng tuổi đầu năm bằng sách, tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến đó, không phải vì tôi là người viết sách mà vì bản thân điều đó là một nét đẹp văn hóa cần được phổ biến. Sách cũng là sản phẩm “của đời in ra” nhưng khác với tiền, sách in ra để đọc, để bồi dưỡng tâm hồn và khám phá tri thức chứ không phải dùng làm công cụ thanh toán. Và khi được tặng một cuốn sách, chắc chắn không đứa trẻ nào bắt gặp trong đầu mình ý nghĩ lật xem giá bìa để bình phẩm “bác này rộng rãi, dì kia keo kiệt” như lúc nôn nóng mở hồng bao” – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phân tích.
Khởi xướng chương trình “Tặng sách ngày xuân”, trang bán sách trực tuyến Tiki.vn không chỉ mong muốn khơi gợi thói quen tốt đẹp ấy cho trẻ em mà còn với cả người lớn. Bà Ngân Hoa, đại diện truyền thông Tiki.vn cho biết: “Lâu nay, món quà mà người ta vẫn tặng nhau ngày Tết thường chỉ là rượu, thịt, bánh mứt...
Một câu hỏi chúng tôi muốn đặt ra là liệu sách có thể cũng là một món quà tặng ngày xuân không? Làm sao để trẻ con ùa ra hỏi cậu mợ, chú bác khi tới chơi nhà là “Sách của con đâu?” thay vì “Lì xì của con đâu?”. Làm sao để các bậc phụ huynh có thể mỉm cười và những nhà làm văn hóa không còn phải trăn trở về việc văn hóa đọc hiện nay đang xuống cấp?”.
Chương trình diễn ra đầu tháng 2, giảm giá sâu cho nhiều đầu sách hay, thậm chí giảm đến 50%. Các đầu sách đều được tặng kèm thiệp chúc phúc trang trí ngoài bìa mang không khí ngày xuân. Ngoài sách dành làm quà tặng cho thiếu nhi còn có nhiều đầu sách hay để tặng bạn bè, ông bà, cha mẹ...
Chỉ sau vài ngày khởi xướng, “Tặng sách ngày xuân” đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng. Hàng trăm bình luận gửi về diễn đàn của chương trình: “Từ lâu mình đau đầu về việc lì xì cho mấy em nhỏ, không phải là vấn đề tiền bạc, mà mình thấy việc lì xì "suông" như vậy ít có ý nghĩa. Lì xì đấy rồi quên ngay đấy, nó chúc mình vài câu sức khỏe, mình chúc nó vài câu mau lớn, thế là hết... Vậy sao không làm một việc ý nghĩa như tặng sách?” – bạn Thiên Thanh đề nghị.
Còn độc giả Nguyễn Vân thì vẫn nhớ như in những cuốn sách mẹ tặng: “Tết năm 2012, mẹ tặng tôi quyển "Không gia đình" với lời nhắn "Con còn rất may mắn. Cố lên!"... Tết năm 2015, quyển "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" của cặp tác giả mà tôi đang mê, được mẹ gói lại trang trọng. Và đặc biệt trong trang đầu quyển sách, mẹ lại nắn nót viết "Cảm ơn con vì đã ở đây...".
Có vài lần kể cho bạn bè nghe về thói quen tặng quà này của mẹ. Bọn nó cười, bảo mẹ thật lạ đời. Nhưng theo tôi, mẹ rất tâm lý đó chứ. Thay vì lì xì tiền, tặng những món quà đắt giá, mẹ lại trao tôi một món quà tinh thần lớn lao. Là tình yêu trong trang sách, là nghị lực sống mạnh mẽ, là ước mơ khát vọng bay cao hơn và xa hơn...".
Rõ ràng, đọc một cuốn sách hay, tâm hồn và kiến thức của ta sẽ giàu lên chứ không thể nghèo đi. Thay vì tò mò xem bên trong chiếc phong bì là mệnh giá bao nhiêu, nay ta đặt sự tò mò ấy vào từng trang sách. Nó có nội dung gì, có hấp dẫn không, có đúng như cuốn sách mình mong chờ không? Niềm háo hức đó chắc chắn còn mạnh mẽ hơn phong bao lì xì bởi có quá nhiều thứ để trông đợi.
Sách sẽ thay phong tục tiền lì xì?
Đáng chú ý khi “Tặng sách ngày xuân” được rất nhiều văn nghệ sĩ nhiệt tình ủng hộ. Diễn viên Hồng Ánh cho biết, Tết năm nay chị sẽ chọn sách làm quà tặng người thân. Đó là những cuốn sách về tình người, về danh nhân, sách thiền... để tặng ông bà, cha mẹ. Riêng đạo diễn Lê Hoàng không ngần ngại đứng lên hò reo: “Các bạn đừng tặng tiền cho tôi. Các bạn hãy gửi sách cho tôi vì hễ đọc tôi lại biết ơn các bạn, hễ chưa đọc tôi lại áy náy với các bạn. Và nếu sách hay tôi sẽ vừa đọc vừa khóc to do nhớ ơn các bạn, còn sách dở khiến tôi điên lên vì thương các bạn. Gửi nhanh lên!”.
Tặng cho ai đó bất kỳ món quà gì cũng cần sự kỳ công. Với sách – vừa là bạn, vừa là thầy của người nhận - không chỉ có sự kỳ công mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, tình cảm. Bởi không thể tùy tiện vớ lấy một cuốn sách mà không thèm quan tâm đến tâm lý, mong muốn của người được tặng. Thậm chí, người tặng phải dành thời gian đọc cuốn sách ấy trước để chắc chắn rằng thông điệp, nội dung mình chọn là phù hợp. Việc làm này cũng giúp họ hiểu giá trị món quà. Nhờ sách, người nhận còn biết được người tặng hiểu mình bao nhiêu. Do vậy, việc tặng sách không nên trở thành trào lưu, mẫu mốt theo mùa. Lúc đó, cuốn sách và bản thân việc tặng sách sẽ trở nên hời hợt.
Tặng sách phải trở thành một thói quen đẹp chứa sự quan tâm chân thành. Biết đâu nhờ chương trình này, ở miền quê nghèo sẽ có thêm những tủ sách mới. Trẻ em thành thị thay vì dán mắt vào điện thoại thông minh, máy tính bảng sẽ chăm chú vào sách. Nói như nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung: "Một cái Tết đọc sách có thể là điểm khởi đầu mới cho một trào lưu xây dựng văn hóa đọc (reading habit) của người Việt, một khái niệm tưởng chừng rất cũ nhưng đã bị lãng quên đi nhiều. Một ngày đọc sách sẽ là điểm tiếp nối việc tạo dựng một bản sắc mới cho nền văn hóa dân tộc, sẽ là điểm khởi đầu cho một nền tri thức mới của nước nhà”.
Tuy nhiên, trước ý kiến bỏ luôn tục lì xì bằng tiền, thay vào đó là lì xì hoàn toàn bằng sách, nhiều người tỏ ra băn khoăn hoặc không đồng tình. Đúng như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận xét, mục đích tốt đẹp ban đầu của tục lì xì ngàn đời nay của dân tộc là mừng tuổi, chúc phúc. Nhưng qua thời gian, nó đã bị biến tướng sang hướng thực dụng. Song chúng ta vẫn có thể đưa nó về giá trị tốt đẹp ban đầu. Tiền lì xì dù ít dù nhiều người Việt vẫn coi như cái lộc đầu năm, trẻ con háo hức đợi chờ. Tết nay đã bị mai một đi nhiều hồn xưa: tràng pháo không còn, cây nêu cũng mất, còn bao nhiêu gia đình đêm 30 canh nồi bánh chưng?... thì hồng bao lì xì nên giữ.
Nhiều nơi, người ta vẫn ngầm quy định số tiền lì xì mệnh giá nhỏ, nhưng tiền rất mới để con cháu làm lộc chứ không nặng về tính thanh toán. Bởi họ quan niệm không nên cho trẻ con giữ nhiều tiền. Số tiền đó lắm khi còn ít hơn so với tiền mua sách. Hơn nữa, không phải ai cũng đủ thời gian để chọn lựa sách phù hợp với người nhận.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt đề xuất: “Tôi nghĩ hình thức “lì xì sách ngày Tết” có thể xem như là quà đính kèm cùng bao lì xì. Để vẫn giữ niềm vui trọn vẹn với tiền mừng tuổi nhưng lại được thêm một cuốn sách với những kiến thức bổ ích của cuộc sống. Như một cách mở đầu năm mới bằng cả sự may mắn trong tiền bạc lẫn giá trị tinh thần”. Còn riêng với những nơi trẻ con có “thu nhập khá” từ tiền lì xì thì cha mẹ nên khuyến khích chúng dùng tiền đó để mua sách hơn là đổ vào những món đồ chơi, trò game vô bổ.