Lễ hội- Ý nghĩa và mô hình tổ chức

Thứ Hai, 12/03/2018, 08:08
Lễ hội là hình thức văn hóa dân gian có tính cộng đồng rất cao, được coi là "cuộc sống thứ hai" không thể thiếu của con người, nhất là với cư dân ở vùng văn minh nông nghiệp.


Không đơn giản chỉ là tái hiện những mô thức văn hóa cổ xưa mà qua đó lễ hội thể hiện khát khao nhân bản được tiếp nối và phát huy sức mạnh, sự toàn năng của thiên nhiên hay thần linh và các anh hùng trong lịch sử. Là sinh hoạt tập thể đem lại sự hứng khởi cho mọi người nên những nghi thức lễ hội dần đi vào tâm thức tạo thành niềm cộng cảm thiêng liêng của cộng đồng.

Cùng tham dự một lễ hội, người ta cảm thấy như muốn gắn kết với nhau hơn, muốn được chia sẻ hơn, như được tiếp thêm sức sống. Vì thế thời điểm lễ hội được coi là "thời điểm mạnh" trong đời sống hội tụ những nét tích cực nhất của một trình độ tổ chức; những trạng thái tình cảm thăng hoa, vui vẻ và cũng là thời điểm hội tụ những hình thức lễ nghi và những trò diễn dân gian đặc sắc nhất.

Lễ hội chính là sự kết tinh của một quá trình tiếp biến văn hóa lâu dài, bền bỉ. Qua hình ảnh lễ hội sẽ nhìn thấy ước mơ, nguyện vọng của cả một cộng đồng hướng về những điều tốt đẹp. Có thể coi tinh hoa văn hoá của một cộng đồng được lắng đọng trong lễ hội. Đó là một mã văn hoá đậm đặc các giá trị tinh thần mà nếu bóc tách các lớp vỏ hình thức người ta sẽ tìm thấy cái lõi bản chất văn hoá.

Lễ hội là sự cộng hưởng các giá trị về mặt lịch sử, phong tục, văn chương, nghệ thuật, là bảo tàng sống về các giá trị tinh thần, dân chủ, nhân văn đã được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là sự thỏa mãn các nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, về giải trí. Đó là nhu cầu giao lưu, học hỏi, là sự đoàn kết. Quan trọng nhất là nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa góp phần nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư.

Bảo tồn lễ hội Truyền thống Việt Nam là việc làm vô cùng cần thiết.

Do tính phức tạp và đa dạng của đối tượng nên trên thế giới hiện nay có xu hướng tìm hiểu lễ hội khác nhau. Có quan điểm coi lễ hội là sự thích nghi, hoà nhập của con người với môi trường, từ đó tìm hiểu cách ứng xử của cộng đồng với tự nhiên (cây cối, đất đai, mưa nắng...), với xã hội (chống giặc ngoại xâm, giáo dục điều thiện...).

Quan điểm này cho thấy hầu hết các lễ hội hướng con người hoà nhập và sống chung với môi trường lành mạnh. Con người không thể chi phối nhưng có thể lợi dụng tự nhiên để sống hài hoà với tự nhiên. Có xu hướng lại coi lễ hội có chức năng điều hoà xã hội.

Ví như các lễ hội về các sự kiện lịch sử giáo dục tinh thần yêu nước, tự chủ tự cường..., những lễ hội cầu may nuôi dưỡng khát vọng vươn lên... Có quan điểm lại cực đoan chỉ nghiên cứu ảnh hưởng tốt xấu, hay dở của lễ hội tới các quan hệ đương đại mà bỏ qua các yếu tố lịch sử. Xu hướng được coi là khoa học và toàn diện nhất vẫn là phương pháp tiếp cận mácxit với nguyên tắc biện chứng tìm hiểu mối quan hệ giữa tự nhiên và văn hoá, coi lao động là nguồn gốc của mọi văn hoá.

Từ định hướng này mà văn hoá học khẳng định lễ hội là một quá trình xã hội, là lĩnh vực hoạt động tinh tế, là sản phẩm văn hoá của con người.

Phạm trù lễ hội ngày càng được nhìn nhận sâu hơn về bản chất, được coi là thành tố cơ bản của văn hoá. Văn hoá thể hiện trình độ người thì nhìn vào lễ hội sẽ thấy rõ trình độ người của một dân tộc, một nền văn hoá.

Do vậy nhiều nước rất quan tâm đến việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển lễ hội với quan điểm vừa đậm đà bản sắc vừa giàu có tinh thần nhân văn. Vì chỉ có như vậy lễ hội mới trở thành di sản văn hoá, thành tài sản quốc gia, mới gắn kết và gắn nối các cá nhân trong cộng đồng, mới có thể đi ra được với thế giới để đối thoại với các nền văn hoá khác, mới thu hút được khách du lịch...

Giới văn hoá gần như đồng thuận coi lễ hội là sự tổng hợp và khái quát cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. Chủ thể lễ hội là nhân dân lao động, do vậy xem xét bảo lưu, loại bỏ, phát triển các yếu tố tiêu cực, tích cực đều phải căn cứ vào cái gốc chủ thể này.

Lễ hội cổ truyền mang tính thiêng liêng rất cao nhưng trong suốt quá trình tiếp biến nó thay đổi để thích ứng với thời đại. Do vậy để nắm bắt được bản chất văn hoá phải tìm về cội nguồn nguyên thuỷ của lễ hội rồi xuôi dòng thời gian tìm ra những nét phái sinh...

Một đất nước giàu có lễ hội là một đất nước giàu có, đa dạng và cũng đậm bản sắc văn hoá. Phát huy hết giá trị văn hoá của lễ hội sẽ đem lại những ý nghĩa rất to lớn, là sự liên kết cộng đồng, hướng con người về nguồn cội, là sự cân bằng đời sống, là sự bảo tồn và trao truyền các giá trị, là sự hưởng thụ và sáng tạo văn hoá...

Việt Nam là đất nước của lễ hội, chưa nói tới vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc, ngay việc tổ chức, quản lý, điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hôm nay là việc rất phức tạp, khó khăn. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, bài học chung của thế giới là lấy điểm tựa từ hai khái niệm gốc: nhân văn và khoan dung. Nhân văn chú ý tới tính người, trình độ người.

Lễ hội nào có yếu tố xa lạ, đi ngược lại tính người nên dần được loại bỏ, ví như các trò cướp hay tục đâm chém động vật... Khoan dung lại nhấn vào sự khác biệt, tôn trọng sự khác biệt tức lễ hội phải rất riêng, phải nói được tâm hồn, tính cách, ước mơ, khát vọng của chủ thể văn hoá.

Yêu cầu chung của việc tổ chức một lễ hội phải bảo đảm được sự thiêng liêng, giữ được những giá trị nhân văn, tránh những mê tín dị đoan... đồng thời phải đáp ứng sự thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, giải trí của người dân, vừa phong phú, hấp dẫn, phù hợp thị hiếu công chúng, vừa bảo đảm tính giáo dục lành mạnh, hiệu quả.

Có bốn mô hình tổ chức lễ hội thường gặp ở nhiều nền văn hoá đương đại: Một, mang tính cộng đồng tự quản; Hai, kết hợp hình thức cộng đồng tự quản có sự trợ giúp của Nhà nước; Ba, có sự trợ giúp chủ yếu của Nhà nước; Bốn, do tư nhân điều hành.

Mô hình thứ nhất hay được sử dụng ở nhiều nơi vì phát huy tối đa những nét bản chất của lễ hội, thể hiện ở: Giá trị lễ hội được phát huy vì không ai hiểu tinh thần lễ hội bằng chủ thể văn hoá; Bảo lưu tối đa các yếu tố bản sắc có từ quá khứ; Là chủ nhân của lễ hội nên người dân rất có ý thức trân trọng di sản truyền thống.

Lễ hội gần như vẫn giữ được trạng thái nguyên thủy, ít có sự can thiệp của văn minh hiện đại nên thu hút được đông đảo người xem. Hơn nữa, là người địa phương hiểu sâu sắc ý nghĩa, giá trị lễ hội, việc làm lại của chung cộng đồng nên được toàn dân ủng hộ, không chỉ người địa phương, mà còn thu hút, cổ vũ, khuyến khích cả con cháu họ sinh sống, công tác ở những vùng quê khác, nơi khác. Khi mọi người dân coi lễ hội như là một phần cuộc sống của mình, là việc của mình thì việc duy trì, phát huy giá trị văn hoá truyền thống nói chung sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Như vậy mô hình này vừa chú ý tới chất lượng nội dung lễ hội vừa làm tốt công tác xã hội hóa. Nhà nước không phải gánh ngân sách, thậm chí còn được hưởng lợi. Đây là mô hình tổ chức lễ hội ưu việt nhất nên được quan tâm chú ý, phát huy và nhân rộng ở nước ta.

Nguyễn Thanh Tú
.
.