Khi tranh luận không dựa trên tri thức

Thứ Năm, 01/06/2017, 08:06
Khoảng vài năm trước, trong một cuộc trà dư tửu hậu, tôi chứng kiến một cậu chủ quán café đặt câu hỏi với người bạn mình, là một nhạc sỹ có tiếng, rằng "Anh cho em hỏi, bên Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) họ muốn đến thu tiền quán em chuyện mở nhạc phục vụ khách thì điều đó có hợp lý không?". Câu trả lời của người nhạc sỹ trẻ kia rất dí dỏm, nhưng sâu sắc: "Chú cứ nộp đi. Chú nộp thì anh mới được lĩnh tiền đều".


Không một giải thích nào thêm, không một tranh luận nào thêm. Chủ quán vẫn nộp tiền, vì giá trị cũng nhỏ, đâu cỡ vài triệu một năm. Nhưng sau này, khi gặp lại, chính cậu chủ quán ấy đã nói một câu mà chúng tôi tin rằng anh ta đã hiểu chuyện. Cậu ấy nói về sự khác biệt giữa mục đích sử dụng của sản phẩm ghi âm "home use only" (giải trí tại nhà) và "commercial use" (phục vụ thương mại).

Trên các ấn bản cassette, CD… xưa kia chúng ta vẫn được nhìn thấy một cảnh báo rất rõ rằng "đây là sản phẩm home use only" và cảnh báo ấy không xa lạ ở các nước Âu Mỹ, với ngành công nghiệp âm nhạc hoàn chỉnh được chỉ dẫn bằng pháp luật chi tiết, cụ thể, và được tuân thủ bởi những con người hiểu biết pháp luật cũng như nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Và nếu chúng ta có dịp đi ra nước ngoài, ghé vào các quán café, nhà hàng, chúng ta sẽ nhận ra rằng không nhiều quán mở nhạc phục vụ khách. Nếu có, chắc chắn họ có đóng tiền bản quyền một cách đầy đủ theo luật định.

Câu chuyện cũ kia tưởng không ai nhắc tới, bây giờ lại ồn ào khi VCPMC mới đưa ra đề xuất thu tiền bản quyền các khách sạn mở nhạc trên truyền hình để phục vụ khách nghỉ. Yêu cầu của VCPMC là đúng, vì mục đích sử dụng của các cơ sở kinh doanh ấy không phải là "home use only" nữa mà đã là phục vụ thương mại, dịch vụ. Nhưng phản ứng thì vẫn có, đặc biệt là các chỉ trích cho rằng đây là một kiểu "tận thu" mà thậm chí nguy hiểm hơn, nhiều người không hiểu biết đã quy chụp cho nhà nước trong khi VCPMC chỉ là một trung tâm mang tính hiệp hội đơn thuần và không hề có sự can thiệp, tham gia nào từ cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều phản ứng gay gắt đã hướng đến VCPMC mà trong đó cơ bản nhất là phản ứng tiêu cực đến mức lầm tưởng rằng VCPMC sẽ đi thu tiền ở cả các hộ dân có tivi. Và nguyên nhân của những phản ứng ấy đến từ đâu? Nguy hiểm thay, nó đến từ chính báo giới, với những dẫn dắt người đọc theo hiểu biết hạn hẹp của mình.

Thực tế, trong các tay bút viết về văn hoá nghệ thuật hiện nay, số người am tường về văn hoá nghệ thuật, rành rẽ về ngành công nghiệp văn hoá là số vô cùng hiếm. Kiếm được một tay bút hiểu thế nào về quyền nhân thân, quyền tác giả, quyền sở hữu, quyền liên quan và sự khác biệt giữa bản ghi và tác phẩm ở thời buổi này là rất khó. Một nhạc sỹ tên tuổi từng chia sẻ rằng cứ mỗi độ có tranh luận về bản quyền, kiểu gì cũng có một vài nhà báo gọi điện hỏi han anh các thông tin liên quan mang tính pháp lý và học thuật và anh cảm thấy khá buồn vì phần lớn các câu hỏi đều ngô nghê, có tính chất thăm dò "cái váng" của sự kiện chứ không đi sâu vào bản chất của vấn đề.

Từ sự dẫn dụ thiếu hiểu biết của những tay bút dễ dãi của làng văn nghệ, được cộng hưởng thêm bởi một cộng đồng dễ bị kích động, thích bàn luận mà lại không nắm tường thông tin cũng như tri thức, tình trạng xã hội trở nên hỗn loạn hơn ở mỗi sự kiện văn hoá gây chú ý. 

Không một ai chịu nhận ra rằng chúng ta cần học hỏi thêm gì để bước vào một cuộc tranh luận, chỉ trích và cũng không một ai dám nhận diện chính mình là một phần cấu thành một cộng đồng hễ cứ bàn về triết học thì ai cũng nghĩ mình là Jean Paul Sartre, Schopenhauer… và bàn về điện ảnh thì ai cũng thấy mình chả khác Francis Coppola, bàn về văn học thì ai cũng như Nabokov cả.

Văn Đoàn
.
.