Khi sự bất chính tiếp tục được "tôn vinh"

Thứ Sáu, 12/08/2016, 08:07
Cách đây vài tháng, khi nữ hoàng quần vợt Nga Maria Sharapova bị cáo buộc sử dụng doping ở giải Úc mở rộng và có nguy cơ bị cấm thi đấu có thời hạn, hai nhãn hàng Nike và Tag Heure đã tạm ngưng hợp đồng với cô cho tới khi cuộc điều tra doping cho kết quả cuối cùng. Động thái ấy là vô cùng bình thường trong xã hội nói chung và trong hoạt động thương mại nói riêng...


Mỗi nhãn hàng khi chọn đại sứ thương hiệu luôn đề cao đến nhân thân của đại sứ ấy, mà điển hình nhất là đề cao sự liêm chính. Với họ, người đại diện hình ảnh cho một sản phẩm phải sạch sẽ trước đã, để sản phẩm bảo toàn được uy tín và sự sạch sẽ của mình.

Cách đây hơn một tuần, Sơn Tùng M-TP lại bị dính cáo buộc đạo nhạc sau khi tung ra ca khúc "Chúng ta không thuộc về nhau". Và cáo buộc lần này cũng không khác với những cáo buộc trước đó đối với ca sỹ này. Đó là việc Sơn Tùng đã lấy beat (nhạc nền) của "We don't talk anymore" để từ đó sáng tác ra "Chúng ta không thuộc về nhau".

Cách làm của Sơn Tùng cũng là cách làm chung hiện nay của nhiều người trẻ trong làng showbiz. Đơn giản, họ dùng nhạc nền có sẵn để ứng tác ra sản phẩm của mình. Sẽ không có chuyện đạo nhái nếu như sau đó, họ sản xuất ra một nhạc nền khác cùng tốc độ, hoà thanh chủ đạo… để xây dựng lại tính nguyên bản cho sản phẩm. Song, sự kém cỏi, biếng lười đã khiến họ dừng lại ở chỗ dùng nguyên nhạc nền có sẵn (ăn cắp) và những cáo buộc cũng bắt nguồn từ đó.

Sau sự kiện Sơn Tùng M-TP tiếp tục bị tố đạo nhạc, các banner quảng cáo OPPO với hình ảnh Sơn Tùng làm đại diện vẫn xuất hiện, thậm chí còn ồ ạt hơn cho dòng sản phẩm F1s vừa mới ra mắt. Dường như nhãn hàng ấy không cần quan tâm tới những scandal liên quan đến tính liêm chính của đại sứ nhãn hàng thì phải? Họ kiên trì với Sơn Tùng M-TP suốt hai năm qua, kiên trì "cùng Sơn Tùng vượt qua hàng loạt cáo buộc ăn cắp ý tưởng" bất chấp những rủi ro có thể mang lại cho nhãn hiệu của mình.

Nhưng thực ra, Oppo thừa biết họ chẳng có rủi ro nào trong việc hợp tác với một Sơn Tùng M-TP suốt sự nghiệp không thoát khỏi những nghi án đạo nhạc. Đơn giản, họ nhìn thấy lượng fans hùng hậu sau lưng Sơn Tùng, cổ vũ cho Sơn Tùng, bênh vực Sơn Tùng bất chấp lý lẽ và sẵn sàng nguy hiểm với bất kỳ ai cáo buộc Sơn Tùng đạo nhạc. Họ nhận thấy lượng phát tán của lực lượng fans hùng hậu ấy có lợi cho việc quảng bá thương hiệu và thực tế, họ thu lợi từ sự quảng bá ấy rất nhiều.

Bởi thế, Sơn Tùng càng lùm xùm, họ càng đắc lợi hơn bởi họ hiểu một quy luật của thị trường Việt Nam: người tiêu dùng không tẩy chay nhãn hàng mà đại sứ thương hiệu của nó thiếu tính liêm chính khi mà chính lực lượng người tiêu dùng ấy là fans cuồng của đại sứ thương hiệu kia và sẵn sàng coi hành vi thiếu liêm chính của thần tượng là tài năng bị ganh ghét và đố kỵ.

Sơn Tùng M-TP là người có thực tài, nhưng sở học thì kém. Anh ta bỏ học Nhạc viện TP Hồ Chí Minh khi chưa hoàn thành hết năm thứ nhất. Anh ta không có khả năng ký âm những ca khúc mình viết ra văn bản. Anh ta cũng không thể sáng tác ca khúc chỉ bằng sự tưởng tượng ra giai điệu trong đầu mà không có sự trợ giúp của nhạc cụ nào hoặc một nét nhạc mẫu nào. Anh ta thậm chí biết chơi piano nhưng không thể sáng tác cùng cây piano. Điều đó có nghĩa là anh ta giàu sức sáng tạo nhưng bất lực trong việc sử dụng các phương tiện để sáng tạo. Và anh ta ỷ lại hoàn toàn vào những beat nhạc có sẵn mà đa phần là những thứ được lấy về từ internet, những thứ là tác phẩm của người khác.

Khi cách làm ấy của Sơn Tùng được cổ suý, được thần tượng hoá, điều đó có nghĩa là đang tồn tại một lực lượng công chúng nhạc nhẹ rất đông đảo thừa nhận sự phi liêm chính kia một cách nghiễm nhiên. Và khi sự phi liêm chính được thừa nhận nghiễm nhiên, tất nhiên các nhãn hàng cũng không cần sự công chính từ đại diện thương hiệu của mình.

Đấy mới là mối nguy của xã hội Việt Nam hiện đại, chứ không phải chuyện ăn cắp vài ba bài nhạc giải trí đơn thuần.

Văn Đoàn
.
.