Khi con người không còn biết "sợ"
- Cần sớm tìm ra nguyên nhân nhiễm sán lợn cho trẻ em ở Bắc Ninh
- Bồng bế con đội mưa rét đi xét nghiệm sán lợn từ tờ mờ sáng
- Khẩn trương làm rõ vụ thực phẩm nhiễm ấu trùng sán lợn
- Vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Công ty cung cấp thực phẩm có nhiều vi phạm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT về danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam, gồm 18 loại: ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô (cỏ khô, cỏ tươi các loại, rơm, vỏ trấu các loại), phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt cốc, mía, củ các loại (khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ), các loại bã, thức ăn có nguồn gốc từ thuỷ sản, thức ăn có nguồn gốc từ động vật trên cạn, sữa và sản phẩm từ sữa, dầu cá, dầu - mỡ.
Người chăn nuôi trên cả nước vô cùng thắc mắc khi một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi thông dụng, vốn được sử dụng phổ biến ở các vùng quê bao đời nay để tiết kiệm chi phí như: bèo tây, thân cây chuối, các loại rau muống, rau lang, su hào, cà rốt... nay sẽ không được phép lưu hành. Ngay sau đó, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã phải đính chính, đây vẫn là thức ăn nguyên liệu được người chăn nuôi sử dụng từ xưa đến nay và những nguyên liệu này vẫn được sử dụng bình thường.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp, Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT xây dựng theo kiểu "tư duy ngược". Thông thường, luật quy định những điều cá nhân, tổ chức bị cấm, nhưng thông tư này lại quy định danh mục được phép sử dụng. Dù sao, việc ngược hay xuôi thì việc kiểm soát thức ăn gia súc cũng là để đảm bảo năng suất, chất lượng chăn nuôi và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Vậy ai là người quản lý, kiểm soát thức ăn ở các trường học?
Nhiều phụ huynh lo lắng trước thực trang thực phẩm bẩn tràn vào trường học. (ảnh chỉ mang tính minh họa). |
Xã hội thêm một nỗi bất an khi mà hàng nghìn gia đình ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nháo nhào đưa con lên Hà Nội, xếp hàng cả đêm trước Bệnh viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm cho con do nghi mắc sán lợn từ việc ăn tại trường. Người dân cả nước giật mình, lo lắng không hiểu con em mình liệu sẽ bị mắc những căn bệnh gì nữa đây khi hằng ngày phó mặc việc ăn, uống của con cái cho nhà trường?
Không có con số thống kê cụ thể về việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Hiện tại, hình thức phục vụ ăn bán trú cho học sinh thực hiện bởi nhà trường tự nấu, tự mua thực phẩm; đặt cơm của các công ty nấu suất ăn; hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm để tự nấu; hợp đồng với công ty vừa cung cấp thực phẩm, vừa sơ chế bữa ăn, nhà trường chỉ giám sát.
Thông thường Sở Y tế, Phòng Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các cấp lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra an toàn, vệ sinh thực phẩm ở các trường học định kỳ. Thực tế cho thấy, số lượng cán bộ của các ngành có hạn nên không thể thường xuyên tổ chức đi kiểm tra được.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội hiện có hơn 2.600 trường học, trong đó có khoảng 1.600 trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Như vậy, nếu thành lập một đoàn liên ngành thì ít nhất cũng phải 3 người thì việc kiểm tra hằng ngày là không thể.
Chưa kể việc kiểm tra thực phẩm ôi thiu, có mùi có thể nhìn, ngửi thấy, nhưng để kiểm chứng hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc thực vật, kim loại... có trong rau quả; xác định xuất xứ, chất lượng của thực phẩm chủ yếu bằng cảm quan và thực phẩm vẫn "lọt lưới" như thường.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều trường không có nhà bếp, phải nấu nhờ ở nơi khác, rồi vận chuyển đến, nên khó khăn trong kiểm soát. Một số nhân viên tham gia chế biến thực phẩm chưa tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đúng quy định, không lưu mẫu thức ăn…
Thậm chí, nhiều trường hợp chỉ kiểm tra được hợp đồng, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi công ty cung ứng và đơn vị kinh doanh thực phẩm vẫn thản nhiên thu mua thịt, rau không an toàn rồi đóng gói, dán mác an toàn để tiêu thụ. Có cả việc nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung ứng đủ điều kiện, nhưng lại cử nhân viên nhà bếp ra chợ mua rau, củ về nấu cho học sinh...
Vì sức khỏe của con em chúng ta, thế hệ tương lai của đất nước, chẳng lẽ chúng ta lại bó tay? Khi chúng ta chưa thể kiểm soát được tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay thì đừng trông chờ vào sự chung tay của cả cộng đồng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mà cần ra ngay những quy định cụ thể cho một chu trình bếp ăn học đường khép kín được giám sát chặt chẽ và phạt thật nặng những ai vi phạm.
Đã đến lúc chúng ta cần nhắc nhau "Phải biết sợ hãi". Nỗi sợ tốt hơn sự vô cảm, bởi vì sự sợ hãi khiến ta có hành động đúng. Phải biết sợ mới có động lực để tìm nguyên nhân phòng tránh, bảo vệ cho mình, cho gia đình và cộng đồng. Đừng chỉ biết nghĩ và làm những gì có lợi cho mình mà bất chấp cả việc đầu độc đồng loại. Hãy nghĩ tới cộng đồng, cuộc sống của mỗi con người không thể tách rời môi trường sống chung, cùng nhau hướng tới môi trường sống sạch, xây dựng một xã hội văn minh.