Hãy xứng tầm với công chúng Việt Nam trước đã

Thứ Bảy, 03/11/2018, 09:16
Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là một phương cách hữu hiệu bậc nhất để "khẳng định sự tự tôn và niềm tự hào dân tộc, xác lập vị thế và chỗ đứng vững chắc của người Việt Nam trên trường quốc tế" (Nguyễn Lệ Chi). Nói cho phải, quảng bá đơn giản là nhằm giúp cho bè bạn hiểu chúng ta, từ đó, các mối giao lưu hay giao thương được thuận tiện và thiết thực.


LTS: "Văn chương Việt Nam có vị trí thế nào trên bản đồ thế giới?". Mỗi lần bắt gặp câu hỏi ấy, các nhà văn lại chạnh lòng. Chúng ta không thiếu tác phẩm hay mà trở ngại lớn nhất chính là "người bắc cầu" - đội ngũ dịch giả (Mai Quỳnh Nga - VNCA số ra ngày 20-10-2018). Để rộng đường dư luận về vấn đề quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, VNCA xin được giới thiệu thêm với độc giả bài viết của dịch giả, nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Quảng.

Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là một phương cách hữu hiệu bậc nhất để "khẳng định sự tự tôn và niềm tự hào dân tộc, xác lập vị thế và chỗ đứng vững chắc của người Việt Nam trên trường quốc tế" (Nguyễn Lệ Chi). Nói cho phải, quảng bá đơn giản là nhằm giúp cho bè bạn hiểu chúng ta, từ đó, các mối giao lưu hay giao thương được thuận tiện và thiết thực.

Hơn bất cứ nghệ thuật nào, văn chương như ánh mắt, nụ cười, hay bộ mặt không thể trộn lẫn của dân tộc Việt Nam trước các dân tộc bè bạn năm châu. Việc quảng bá ấy thực tế được tiến hành ở miền Bắc từ rất lâu, ít ra cũng từ khi Nhà xuất bản Ngoại văn, nay là Nhà xuất bản Thế giới, được thành lập vào năm 1957. Từ những năm tháng ấy, nhà xuất bản đã có kế hoạch dịch sang nhiều thứ tiếng, mà tiếng Pháp là chủ lực, những bộ tiểu thuyết, truyện ngắn và bài thơ hay nhất của Việt Nam.

Việt Nam thường xuyên tổ chức các Hội chợ và triển lãm sách.

Sau năm 1975 ít lâu, nhiều nhà xuất bản và cơ quan báo chí tích cực tham gia việc này. Quy mô của công cuộc văn học Việt Nam chinh phục hành tinh không ngừng mở rộng. Công cuộc đó không những không ngưng nghỉ bao giờ mà còn bền bỉ đi vào chiều sâu đáng khích lệ.

Mấy thập niên vừa rồi, nỗ lực song hành của các tác giả và nhà xuất bản, vừa Việt Nam vừa quốc tế, mang lại những thành công ngày càng đáng phấn khởi. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và Lê Minh Khuê, tiểu thuyết Nguyễn Khắc Trường, Vũ Bão, Nguyễn Quang Lập, Chu Lai, Dạ Ngân, Hồ Anh Thái… đã xuất hiện trên thị trường sách Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

Hai thập niên nay, không ít nhà thơ Việt Nam đã hiến cho bạn bè quốc tế không chỉ một đôi bài thơ mà thường là cả một tuyển tập. Có thể kể ngẫu nhiên, "Cây thời gian" của Hữu Thỉnh, "Bốn mùa" của Trần Nhuận Minh, "Ký ức mắt đen" của Nguyễn Trọng Tạo, "Màu tự nhiên" của Hàm Anh, "Những chiếc gai trong mơ" của Nguyễn Bảo Chân hay "Những ngôi sao hình quang gánh" của Nguyễn Phan Quế Mai…

Những tập thơ ấy đều in song ngữ Anh - Việt. Mảng Pháp - Việt thì nhiều lắm, chẳng hạn "Thơ Việt-Anh-Pháp" của Trịnh Phúc Nguyên và Nguyễn Tinh Tú, "Bầu trời không mái che" của Mai Văn Phấn, "Hồn tôi muôn điệu" của Huy Cận, "37 bài thơ Trần Đăng Khoa", "Nếu ngày mai"…của Xuân Quỳnh… Chưa kể các ngôn ngữ khác, ví dụ gần đây, thơ Trần Nhuận Minh được dịch sang tiếng Trung Quốc…

Về các hợp tuyển, ta thấy có "Lục giác sông Hồng", song ngữ Pháp - Việt, "Thơ Việt Nam từ thế kỷ XI tới thế kỷ XIX", tiếng Ba Lan, "Cho ngày hôm qua - Mười hai nhà thơ Việt Nam", tiếng Thụy Điển. Có điều, mảng văn xuôi của chúng ta vẫn nổi trội hơn ở nước ngoài. Các cây văn xuôi kể trên được biết nhiều ở không chỉ trời Tây mà cả trời Đông.

"Nỗi buồn chiến tranh", truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và Lê Minh Khuê có lẽ được quan tâm hơn cả. Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, rồi Nguyễn Quang Thiều đã được trao tặng một giải thưởng văn học Hàn Quốc. Ý Nhi, Mai Văn Phấn đã được nhận một giải thưởng văn học Thụy Điển…

Hẳn ai trong chúng ta cũng mong bè bạn xa gần trên thế giới đồng cảm với càng nhiều tâm tư càng tốt của dân tộc Việt Nam, kết tinh trong nền văn học rực rỡ muôn màu. Từ cuối những năm 70 thế kỷ trước, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn thời ấy, với sự cộng tác của nhà văn hoá Hữu Ngọc và một số chuyên gia Pháp ngữ, đã biên soạn bằng tiếng Pháp bộ "Lịch sử văn học Việt Nam" đáng nể, dày hơn một ngàn trang, gồm hai phần: "Lịch sử và Tác phẩm".

Sách do Nhà xuất bản Ngoại văn ấn hành. Đây là bộ sách toàn diện nhất và đẹp nhất về văn học Việt Nam dành cho người ngoại quốc. Một bộ văn học Việt Nam thực sự đáng quý nữa là "Thơ Việt Nam từ thế kỷ XI tới thế kỷ XIX", tiếng Ba Lan, ra mắt cuối năm 2009. Ý tưởng về tập thơ này xuất phát từ Lâm Quang Mỹ, nhà khoa học Việt Nam kiêm thi sỹ làm việc ở Ba Lan. Một nhà thơ Ba Lan cùng một nhà thơ Việt Nam khác biết tiếng Ba Lan chung sức chuyển ngữ.

Tâm huyết của nhóm làm sách đạt hiệu quả cao, khi họ đánh giá đúng đắn nền thơ cổ điển Việt Nam và vai trò của thi ca trong việc hòa giải và hòa hợp nhân loại. Sự đánh giá đó bộc lộ qua những lời chân tình của các bạn Ba Lan: "Người Ba Lan chúng tôi… hoàn toàn hiểu rõ quyền bảo vệ những giá trị đích thực của dân tộc Việt Nam, đó là quyền thiêng liêng và vĩnh cửu"; "Cần quảng bá cho thế giới rằng sự tinh tế của thi ca là một trong những đặc tính (chung) có giá trị hiếm thấy giữa các dân tộc,… (đặc tính thể hiện rõ nhất ở) những người có trách nhiệm với dân tộc mình"; "(Tôi) lặng đi nhiều lần (vì) nhận rõ chân lý vĩnh cửu rằng sự khiêm nhường và đức kiên nhẫn không bao giờ làm hại ai trong cuộc sống"; "Với sự thán phục, tôi nghiêng mình trước nền thơ cổ điển Việt Nam"; "Nền thơ này không ngừng được thử thách, khám phá và được đặt đúng vị trí của mình trên thế giới".

Hẳn nên ghi chú thêm rằng hai nhà thơ Việt Nam chung tay làm nên tập thơ cổ điển Việt Nam "có quyền" thay tập thơ của cả dân tộc bằng thơ của mình. Đấy là chuyện xảy ra với tập "Cho ngày hôm qua - Mười hai nhà thơ Việt Nam". Tập thơ Việt Nam đầu tiên bằng tiếng Thụy Điển này gồm chừng một trăm bài thơ của mười hai tác giả, được dịch sang tiếng Thụy Điển qua tiếng Anh và tiếng Pháp. Đa phần mười hoặc chín bài một vị. Đôi người một vài bài.

Nhà thơ quân đội Nguyễn Bình Phương một bài thôi. Hình như ý tưởng của tập sách không rõ ràng. Không ít tác giả có mặt không phải bằng những bài tiêu biểu nhất. Ví như, Hữu Thỉnh không được giới thiệu "Phan Thiết có anh tôi", Bằng Việt không có "Mẹ". Thơ "hiện đại" lấn át thơ truyền thống, đặc sản của thơ ca Việt. Giá như người tuyển lấy của mỗi thi sỹ một bài thôi, để Hoàng Lộc, Tố Hữu, Chính Hữu, Trần Đăng Khoa, Vũ Cao, Trần Nhuận Minh, Xuân Quỳnh… cùng góp tiếng nói, tạo nên dấu ấn nhân văn xúc động một thời đại của tiếng lòng dân tộc.

Một góc phố sách Hà Nội.

Chúng ta có thể mừng rằng văn học Việt Nam đang được chú ý tại Mỹ, xứ sở mà văn học dịch chiếm không quá 5% tổng số ấn phẩm. Chừng bốn mươi năm nay, nhiều tác phẩm Việt Nam được các bạn văn Mỹ cho "trình làng" ở Mỹ. Động lực sâu xa của sự ưu ái đối với văn học chúng ta có lẽ là chấn động đa chiều của cuộc chiến tranh do chính quyền Mỹ phát động ở Việt Nam.

Xuất phát điểm ấy không khác với, hay là một bộ phận của xuất phát điểm của tập thơ cổ điển Việt Nam bằng tiếng Ba Lan như đã đề cập. Xin nhìn lại một hiện tượng giàu thông điệp trên trường văn học Việt bằng tiếng Anh: Tập "Hương xuân - Thơ Hồ Xuân Hương".

Tập này do ông J.Balaban, một nhà thơ và giáo sư Mỹ dịch với sự giúp sức của một số người Việt. Ông bỏ ra cả chục năm trời nghiên cứu thơ của "Bà chúa thơ Nôm", say mê chuyển ngữ, không vội vã, mà quay đi quay lại các bản dịch nhiều lần. Ông yêu quý thơ nữ sỹ họ Hồ tới mức in thơ bà bằng nguyên bản chữ nôm, tiếng Anh và tiếng Việt. Song le, lực bất tòng tâm. Ông đã dịch một số bài có lẽ không phải của bà, bỏ sót nhiều bài vẫn được truyền tụng là của Hồ Xuân Hương. Ông để lại một số sai sót đáng tiếc. Ví như, đúng ra phải là "nương dâu", do phiên âm sai chữ Nôm, ông dịch thành "nàng dâu", nghĩa câu thơ mất hẳn.

Cũng do phiên âm không chuẩn, ông dịch sai câu "Tất tả những là thu với vén" thành "Lại còn mọi việc phải thu vén". Đôi nét như vậy đủ thấy việc chuyển ngữ các sáng tác của Việt Nam không đơn giản và dễ dàng. Nếu chúng ta làm lấy, dù bạn bè quốc tế tận tình góp ý hay hợp tác, bản dịch thế nào cũng lơ lớ như "Tây nói tiếng Việt".

Tốt nhất là để họ chủ động dịch như các dịch giả của ta dịch tác phẩm nước ngoài. Thiển nghĩ, các "kỹ sư tâm hồn" Việt Nam hãy cố gắng hết mình phục vụ cho hiệu quả người Việt ta đã. Hãy "thức tỉnh" độc giả Việt Nam, một khối độc giả tiềm năng đông đảo và đáng thèm bậc nhất trên trái đất. Khi chúng ta nêu được những nét riêng có của tâm hồn và xã hội Việt Nam, tác phẩm của chúng ta nhất định sẽ được bên ngoài biết tới và giới thiệu cho đồng bào của họ.

Để văn học ta đến thật nhiều với bạn bè quốc tế, nội lực của mỗi nhà văn vì công chúng, vì dân tộc chứ không vì cá nhân mới là cốt tử. Những hội đoàn này nọ thực chất không hỗ trợ được họ một cách hiệu quả ở khâu then chốt là thai nghén cho được những tác phẩm duy nhất, không ai có thể lặp lại.

Nguyễn Văn Quảng
.
.