Góp lời chống lại vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em

Thứ Sáu, 19/05/2017, 08:51
Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp, điều tra sớm làm rõ và có kết luận về vụ việc chị Trần Thị T.T. (ngụ tại chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) tố cáo ông N.K.T (76 tuổi, ngụ cùng chung cư, nguyên giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Bà Rịa-Vũng Tàu) có hành vi dâm ô con gái mình, dư luận mới thực sự thức tỉnh để cảnh báo nhau một vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đáng lên án. 


Nhiều nghệ sĩ và doanh nhân tình nguyện kể lại những góc khuất đời mình, cũng là một cách phơi bày tội ác ghê tởm ấy trên giấy trắng mực đen! Không những thế, văn học cũng góp sức mạnh ngôn từ qua các tác phẩm chống lại những kẻ biến thái...

Có nhiều cách lý giải khác nhau về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, nhưng cho dù đó là một trạng thái lệch lạc tâm lý thì cũng là một thứ tội ác phải bị vạch mặt chỉ tên. Câu chuyện bé gái ở Vũng Tàu đã khiến nhiều người suy tư.

Với sự nhạy cảm vốn có, nhiều nghệ sĩ đã mạnh dạn lên tiếng về quá khứ của mình. Tiên Tiên, một nhạc sĩ kiêm ca sĩ, được khán giả yêu mến qua những ca khúc như “Về với em đi”, “Trái tim vàng son” hoặc “Vì tôi còn sống”, đã bộc bạch rằng: “Ngày tháng là nạn nhân của câu chuyện đó, tôi lại có cảm giác giống như là tôi cũng là người xấu, tôi cũng là một người có lỗi vậy. Tôi không biết người sai mới là người kia nên tôi không bao giờ dám nói bất cứ ai hết. Tôi âm thầm giữ theo mình cho đến khi lớn lên. Không một ai biết, kể cả mẹ. Tôi chọn cách tự bước qua một mình và không dám nói ra với bất kì ai trong quá khứ cả. Tôi cảm thấy đó là một việc làm cần phải giấu đi vì cho rằng mình là người làm sai.

Cuốn sách “Căn phòng khóa”. 

Giờ đây, có lúc tôi tự hỏi: "Tại sao hồi nhỏ mình không nói ra để thay đổi mọi chuyện? Như thế mình sẽ không bị tổn thương đến như giờ phút này". Tôi chỉ cảm thấy buồn vì tiếc tuổi thơ của tôi tại sao lại không được như bạn bè mà phải chịu một nỗi sợ hãi từ bé như vậy? Tôi chỉ tiếc có vậy thôi, còn chuyện gì rồi nó qua hết. Tôi vẫn phải sống để tiếp tục để yêu thương, chứ không phải tôi cứ ôm cái nỗi đau đó và tôi cứ kêu gào với mọi người "Tôi là kẻ bị hại, tôi là kẻ đáng thương".

Đó là lý do mà tôi chọn cái nhìn mọi thứ lạc quan để cho những điều xấu xí trong quá khứ không xâm hại đến suy nghĩ của mình nữa…”. Đồng thời, từ trải nghiệm đau đớn của bản thân, nữ nghệ sĩ Tiên Tiên đề xuất: “Tôi nghĩ là giáo dục nên có bộ môn giáo dục giới tính sớm hơn. Hình như là ngày xưa lớp 8, lớp 9 mới được học, nhưng thực ra bây giờ lớp 4, lớp 5 là nên biết rồi. Cần dạy cho các bé nên biết là "Không ai được đụng vào người con, cơ thể con những điểm nào bất cứ không ai được đụng vào. Con sẽ có cái cách nào để chống lại những tình huống không hay, ví dụ như người ta ôm con lúc đó thì con biết cách con cắn hay làm cái gì đó để con tự bảo vệ mình". Cần có những môn học, kỹ năng mềm như vậy thì khi gặp hoàn cảnh xấu mới có thể biết phải xử trí thế nào!”.

Sau những lời day dứt của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Tiên Tiên, nhiều nhân vật giải trí khác cũng không ngần ngại bày tỏ thái độ tấn công loại tội phạm khó hiểu này như một giải pháp trút bỏ gánh nặng quá khứ luôn đeo bám mình. MC Phan Anh hé lộ anh từng bị xâm hại tình dục nhiều lần, từ khi 6 tuổi, 7 tuổi và 8 tuổi với u uất “những câu chuyện thời thơ ấu vẫn ám ảnh tôi đến giờ…”.

Còn ca sĩ Thuỷ Tiên trong một bài trả lời phỏng vấn về tuổi thơ vất vả đã trải qua, cũng tiện thể tiết lộ “tôi bị người con trai nuôi của bà chủ nhà xâm hại tình dục nhiều lần”. Những câu chuyện dĩ vãng đầy tính riêng tư, rất khó xác định mức độ bi lụy và phiền muộn. Thế nhưng, dẫu ra sao thì mỗi người vẫn góp một hồi chuông thôi thúc cộng đồng cùng chống lại vấn nạn nhơ nhuốc kia.

Cuốn sách “Người tù bé nhỏ”.

Không thuộc giới showbiz, doanh nhân Hoài Anh là một nữ đại gia trong lĩnh vực thẩm mỹ và địa ốc cũng nghẹn ngào thổ lộ: “Tôi là một nạn nhân của sự xâm hại tình dục lúc 9 tuổi, bởi một người chú họ hơn 30 tuổi. Tôi đã bị đe dọa nên không dám nói điều này với bất cứ ai, kể cả cha mẹ tôi cho đến ngày hôm nay. Ngoại trừ tôi đã kể một lần duy nhất với một người đàn ông khi tôi 27 tuổi, người đã giúp tôi trở thành người phụ nữ bình thường, biết yêu thương thật sự… Kẻ hãm hiếp tôi đã dọa sẽ giết cha mẹ và em trai tôi nếu tôi nói cho ai biết. Điều đó vẫn xảy ra vài lần tới khi tôi 10 tuổi, kẻ đó đi công tác nước ngoài.

Cách đây vài năm tôi biết tin hắn đã chết vì ung thư, cô độc ở nước ngoài. Đó là lý do tại sao thời thơ ấu của tôi đã chấm dứt khi tôi 9 tuổi. Và đó cũng là lý do mà tôi đã không sợ bất cứ sự đe dọa nào để sẵn sàng lên tiếng bảo vệ trẻ em, phụ nữ bị xâm hại và bạo hành… Tôi nói ra sự đau khổ của chính mình để giúp cho các bậc cha mẹ biết cách giáo dục để bảo vệ các em, ngăn chặn những hành vi tội ác xảy ra với con mình.

Tôi mong muốn không có trẻ em nào bị xâm hại nữa, mong muốn những kẻ thủ ác mất nhân tính phải bị trừng trị nghiêm khắc để răn đe và trừng phạt những con thú đội lốt người này để trẻ em của chúng ta được sống yên ổn trong tình yêu thương chăm sóc của gia đình và xã hội!”.

Trẻ em ở thời đại nào cũng hồn nhiên và trong sáng. Bất cứ thứ gì vấy bẩn tâm hồn trẻ em cũng để lại hậu quả khôn lường về sự trưởng thành nhân cách. Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viên Nghiên cứu phát triển xã hội: Có nhiều nguyên nhân khiến nạn nhân, gia đình nạn nhân, cộng đồng, thậm chí là các cơ quan chức năng im lặng trước những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Nguyên nhân sâu xa là từ nền văn hóa ngại nói về vấn đề tình dục, nhất là những câu chuyện liên quan đến hiếp dâm, ấu dâm.

Nền văn hóa đòi hỏi người con gái còn trinh khi kết hôn nhưng lại im lặng trước vụ việc xâm hại. Nạn nhân và gia đình im lặng bởi nếu nói ra, cuộc sống của họ sẽ bị thay đổi hoàn toàn, cô bé (cậu bé) sẽ không có tương lai, gia đình phải chuyển đi nơi khác vì sợ đàm tiếu… Nếu xã hội vẫn còn đổ lỗi cho nạn nhân, đổ lỗi cho con gái ăn mặc hở hang, đi khuya, trẻ con dậy thì sớm hay bố mẹ không trông chừng con thì sự im lặng sẽ kéo dài mãi!

Đúng, phải lên tiếng trước vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Không chỉ lên tiếng bằng sự kêu gào thống khổ của nạn nhân hoặc người thân nạn nhân, mà còn bằng những loại hình nghệ thuật có khả năng lay động tâm can thiên hạ. Cuốn tự truyện “Cát hay là ngọc” được xuất bản cách đây không lâu là một ví dụ.

Cuốn sách “Cát hay là ngọc”.

Cuốn tự truyện là bước ngoặt trong cuộc đời đầy sóng gió của Bích Ngọc, nhân vật chính với hai tên gọi là Sandy và Ruby. Cha mất sớm, cô bị chính người thân trong gia đình lạm dụng tình dục ở Cần Thơ, đến tuổi học cấp II thì lên Sài Gòn lại tiếp tục bị lạm dụng. Đến năm19 tuổi, trong một lần không chịu nổi nữa, cô nói ra với gia đình và... bị đẩy ra đường.

“Cát hay là ngọc” được xem như ví dụ đầu tiên về thái độ của giới cầm bút trước vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Trên thế giới, có một dòng văn học chống lại cái ác, mà chủ đề xâm hại tình dục trẻ em rất được chú trọng. Tại Anh, cuốn “Người tù bé nhỏ” của Jane Elliott từng gây chấn động khi phơi bày sự thật phũ phàng về một cô gái 21 tuổi đã bị bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần, bị cha dượng lạm dụng tình dục trong 17 năm ròng rã.

Cũng tương tự, cuốn “Căn phòng khóa” của Emma Donoghue lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một người đàn ông ở Áo đã từng bắt cóc, giam cầm và hãm hiếp chính con gái ruột của mình trong suốt 24 năm, khiến cô sinh 7 đứa con. “Căn phòng khóa” đã được dịch ra hơn 35 ngôn ngữ, được Tạp chí The New York Times đánh giá là một trong 6 quyển tiểu thuyết đáng đọc nhất trong năm 2010 và Washington Post đưa vào Top 10 tiểu thuyết đáng đọc nhất thế giới.

Lê Thiếu Nhơn
.
.