Góc nhìn mạnh mẽ của những người trẻ

Thứ Năm, 15/07/2021, 11:05
Dịch bệnh có thể làm đình trệ mọi hoạt động, nhưng trong lĩnh vực nghệ thuật, đó lại là khoảng lặng cần thiết cho các nghệ sĩ sáng tạo. Hai triển lãm "Chúng ta đang nghịch gì?" và "Những gì giá trị" diễn ra tại Hà Nội những ngày qua phản ánh góc nhìn đa chiều, mới mẻ của nghệ sĩ trẻ về đời sống, tư tưởng, vấn đề..., hứa hẹn một thế hệ trẻ tài năng sẽ thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển.


Triển lãm "Chúng ta đang nghịch gì?", với 125 tác phẩm của 103 nghệ sĩ trẻ từ khắp mọi miền đất nước, mang đến một sân chơi nghệ thuật sống động đầy ý nghĩa giữa thời điểm đầy biến động này. Dựa trên tựa sách nổi tiếng: "Bạn đang nghịch gì với đời mình" của Jiddu Krishnamurti, triển lãm "Chúng ta đang nghịch gì?" là tiếng nói của mỗi nghệ sĩ về đời sống, tư tưởng, vấn đề, những câu chuyện mà những người trẻ đang quan tâm và tìm hiểu. 

Có những tác phẩm rất bộc trực, chân thật mang màu sắc cuộc sống như: "Những cái cây trong chậu" của Triệu Phương; "Trong vườn hoa Hàng Trống" của Hoài Giang và Nguyễn Trang, nhưng cũng có tác phẩm thể hiện rất đỗi ưu tư, sâu lắng của người trẻ có thể thấy ở bộ ba tác phẩm "Bản ngã ảo vọng"; "Nguyên sinh và Lụi tàn" của Vũ Tuấn Việt, mặt khác lại có những chiều ý niệm sâu sắc từ tác phẩm "Tâm vạn chúng sinh" của Lại Minh Huyên; "Khoảng không giữa chúng ta" của Lê Yến Nhi; "Trong nhân gian" của Hoàng Tiến Quyết; hay tác phẩm "Nguồn" của nhóm The Art Gang. 

Họa sĩ Lê Nhật Anh chia sẻ: "Mình mang đến một đàn khủng long được làm từ dây đồng bỏ đi, mình đã mất một năm để có một đàn khủng long với những trạng thái cảm xúc khác nhau như thế, nó phản chiếu sự đa dạng của đời sống". Còn Vàng Hải Hưng lại mang đến tác phẩm về những chiếc mào gà. Anh nói: "Xuất phát từ việc giao thương ở vùng biên giới Lào Cai, tôi bị ám ảnh bởi những chiếc mào gà đỏ của đám gà được bán mua hàng ngày". Còn họa sĩ trẻ Đào Đức Lộc lại mang đến hình ảnh con rắn: "Con rắn tốt mà không tốt, trong một thế giới phẳng, thông tin tiêu cực và tích cực chồng chéo lên nhau. Tôi nghĩ, điều quan trọng là cách nhìn cuộc sống của mỗi người như thế nào để không bị cái tiêu cực lấn lướt"... 

Tác phẩm Gender - Giới tính của nhiếp ảnh gia Cao Nguyễn Huy Hoàng (ảnh do Ban tổ chức cung cấp).

Nhiều tác phẩm thể hiện những suy tư, trăn trở của các họa sĩ trẻ xoay quanh cuộc sống đương đại. Họ có những thay đổi mạnh mẽ, táo bạo trong sáng tác. Rất nhiều khía cạnh thời sự trong cuộc sống được tìm tòi, quan tâm, đó là đôi chân của nghệ sĩ múa ba lê; các bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19; nạn di cư; môi trường sống. Bên cạnh đó, rất nhiều nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm về văn hóa vùng miền.

Triển lãm cũng có sự tham gia của các gương mặt nghệ sĩ trẻ quen thuộc như: Phạm Đình Tiến, Phạm Anh, Tử Mộc Trà, Đinh Duy Tôn, Vàng Hải Hưng, Cấn Văn Ân cùng một số gương mặt nhiều triển vọng như: Khương Quyền, Nguyễn Ngọc Long, Kim Ngân, Dương Nguyên, Đào Đức Lộc, Trần Thị Thu Thảo, và Lê Nhật Anh, Nguyễn Hải Linh.

"Chúng ta đang nghịch gì?" là sự phản hồi đầy sáng tạo, tươi mới từ thể loại tới hình thức biểu hiện, từ truyền thống như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, sắp đặt tới hiện đại như đồ hoạ, đa phương tiện và video nghệ thuật. Đây chính là câu trả lời tích cực từ lớp trẻ đầy tài năng với nền nghệ thuật đương đại nước nhà. Đây là triển lãm mà chúng ta có thể thấy rõ hơn khuynh hướng sáng tác của các bạn nghệ sĩ trẻ. Chúng ta có thể tin cậy, hy vọng vào một trang mới của nền mỹ thuật Việt Nam. 

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Các bạn trẻ đã thoát khỏi ám ảnh về những xu hướng sáng tạo trong quá khứ và đi con đường mới của mình, chấp nhận thách thức mới, có thể là trừu tượng, ý niệm, được hỗ trợ bởi công nghệ nên họ sẽ đi xa trên con đường sáng tạo. Chúng ta đang bước vào thời kỳ đổi mới thứ 2 sau lần đổi mới những năm 80 và những người trẻ đang sẵn sàng gánh vác trách nhiệm thay đổi bộ mặt của đời sống mỹ thuật đương đại. Rõ ràng, với các tác phẩm được triển lãm trong "Chúng ta đang nghịch gì?" phản chiếu những góc nhìn táo bạo, mạnh mẽ và nội lực của thế hệ nghệ sĩ trẻ. Khá lâu, diện mạo đời sống mỹ thuật Việt Nam đang bị đóng khung bởi các giá trị cũ, và có lẽ, chu kỳ cuộc đổi mới lần này sẽ mang lại sắc màu mới cho đời sống mỹ thuật Việt Nam.

Một góc triển lãm “Chúng ta đang nghịch gì?”.

Cùng với triển lãm mỹ thuật "Chúng ta đang nghịch gì?", những ngày qua tại Hà Nội còn có một triển lãm nhiếp ảnh thú vị mang tên "Những gì giá trị". Đây cũng là triển lãm phản chiếu tiếng nói của những người trẻ trong đời sống đương đại, với những góc nhìn cởi mở. Điều đặc biệt đây là một hợp tác nhiếp ảnh trực tuyến giữa các nhiếp ảnh gia trẻ tuổi sinh sống tại Việt Nam và châu Âu. Trong vòng 10 tuần từ tháng 3 tới tháng 5-2021, sinh viên khoa Nhiếp ảnh từ Học viện Mỹ thuật Hoàng gia ở Antwerp, Bỉ, đã trao đổi trực tuyến với một nhóm người trẻ thực hành nhiếp ảnh tại Việt Nam về những chủ đề thường nhật mà thiết yếu trong xã hội hiện đại. 10 "giá trị" bao gồm gia đình, an ninh, giới tính, di sản, hài hước, sự thân mật, tự do, quyền lực, tri thức và đức tin.

Trong thời điểm bất ổn do đại dịch COVID-19, giới trẻ đang phải đối mặt với một nhiều bất ổn và những câu hỏi hiện sinh. Nhóm học viên được giao chủ đề về một "giá trị" mỗi tuần, sau đó thảo luận theo cặp, trao đổi nguồn cảm hứng, và chụp một tấm ảnh đơn thể hiện quan điểm cá nhân về giá trị đó. Những hình ảnh và cuộc trò chuyện giữa họ được đăng tải trực tuyến để lan toả những góc nhìn và từ đó, nhiều tình bạn đã hình thành. 10 "giá trị" mà các nghệ sĩ trẻ thể hiện qua những bức ảnh cho thấy cái nhìn mới mẻ, cởi mở và thẳng thắn của họ về đời sống. Đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện. Ví dụ, ở giá trị về giới tính, Hoàng Minh Trang đã có một bức ảnh ám ảnh về hai gương mặt và một câu chuyện thể hiện suy nghĩ, góc nhìn của Trang về vấn đề giới tính. Trang chia sẻ: "Tại sao chúng ta không nhìn nhận người khác đơn giản là chính "con người" họ và yêu thương họ vì chính họ. Không nhất thiết phải phân loại con người theo giới tính khi đó là tình yêu. Họ chỉ là họ mà thôi".

Điều cảm nhận ở triển lãm ảnh này đó là một thế hệ trẻ biết nâng niu các giá trị gốc rễ của gia đình, văn hóa, tôn giáo, biết tôn trọng sự khác biệt về màu da, giới tính. Họ không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình về các giá trị, không đi theo cách nghĩ thông thường mà có những lựa chọn riêng. "Tất cả chúng ta rồi sẽ rời xa tuổi thơ. Khi gặp một em bé, ta lại thường thoáng thấy một phần hạnh phúc mà ta đã từng nắm giữ. Những sự thân mật thi thoảng trong cuộc sống trưởng thành chỉ là một sự nhái lại vụng về của thời thơ ấu, của cái ôm ba mẹ từng dành cho ta hay một buổi chiều đạp xe đi giữa đồng ruộng mênh mông". 

Tác giả Phạm Huy Hà Anh chia sẻ về bức ảnh của mình. Hay Trần Vĩnh Đạt bày tỏ 1 góc nhìn về sự tự do khi anh chụp bức ảnh về bầu trời buổi sáng: "Cá nhân tôi trong vài tháng gần đây bị mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực, mọi suy nghĩ trong tôi đi chệch hướng. Tuy nhiên, cách đây hai tuần có một khoảng khắc đã thay đổi những suy nghĩ của tôi và tôi sẽ nhớ mãi ngày hôm đó, đó là sáng sớm khi tôi vừa thức dậy và bầu trời đẹp đến kinh hoàng, vào lúc đó, khi thời gian không còn tồn tại, chỉ còn tôi với máy ảnh, tôi thấy mình tự do hơn bao giờ hết".

Rõ ràng, những quan điểm của các nghệ sĩ trẻ cho ta thấy sự ấm áp của họ khi nhìn về cuộc sống, dù cuộc sống ngoài kia đang quá nhiều biến động.

Hai triển lãm, với hình thức thể hiện khác nhau, bằng ngôn ngữ khác nhau nhưng đều phản ánh những tâm tư, tình cảm của người trẻ trước cuộc sống. Điều đáng nói là sự sáng tạo mạnh mẽ và táo bạo của lớp trẻ đã mang đến cho chúng ta niềm tin và hy vọng về tương lai đổi mới của nền nghệ thuật nước nhà.

Linh Vân
.
.