Giữ mình cho sạch

Thứ Hai, 23/05/2016, 07:58
Đến tận hôm 16-5 vừa rồi, Sài Gòn mới có được trận mưa rào thực sự, kéo dài suốt buổi chiều, đánh dấu đúng thời điểm mùa mưa bắt đầu. Kể từ Tết Nguyên đán cho đến trước thời điểm cơn mưa quý giá ấy bao phủ trung tâm thành phố, cả Sài Gòn đã phải sống trong một mùa khô nóng nhất trong gần 20 năm trở lại đây. Rất nhiều người đã than thở vì cái nóng oi nồng, hầm hập ấy và không ít người cho rằng một trong những lý do chính yếu là biến đổi khí hậu, là El Nino, những khái niệm nghe rất… toàn cầu. 


Đúng, năm nay là một trong những năm cả thế giới chứng kiến những hệ quả nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và một trong những nguyên nhân của tình trạng đó chính là ô nhiễm môi trường.

Nói về ô nhiễm môi trường, chúng ta chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến những nhà máy với những hệ thống xả thải độc hại; những khu rừng đã bị đốn trụi để đất đai trở nên cằn cỗi, sa mạc hoá; những dòng sông đã không còn trong lành để làm môi trường sinh dưỡng cho các loài thủy sinh. Song, có một thứ không thể không nhắc tới là chính môi trường gần gũi ngay bên cạnh nơi ta ở, những môi trường ngày lại ngày bị tàn phá bởi chính hành vi sinh hoạt thông thường của mỗi chúng ta.

Mấy hôm trước, trên các trang mạng ồn ào câu chuyện về những "ông Tây" cùng nhóm học sinh-sinh viên Hà Nội lội xuống cống thải đen ngòm, hôi thối trên đường Nguyễn Khang, Hà Nội để dọn sạch rác thải. Nhóm hoạt động vì môi trường ấy có tên "Keep Hanoi Clean" (Giữ cho Hà Nội sạch) và họ có khẩu hiệu rất đơn giản là "Vì môi trường xanh sạch đẹp, xin đừng vứt rác". Và lập tức, hoạt động của họ nhận được rất nhiều phản hồi, với những lời ngợi khen và cũng có cả những lời tự mỉa mai lẫn nhau theo kiểu "xấu hổ chưa, thành phố của mình mà mình không chịu gìn giữ, để người nước ngoài họ phải làm thay cho mình".

Không bàn đến chuyện các bình luận kia tích cực đến mức độ nào mà chỉ bàn đến hành động của nhóm "Keep Hanoi Clean" thôi, hẳn chúng ta sẽ phải giật mình nhận ra rằng, khẩu hiệu mà nhóm đưa ra thực chất cũng là một thông điệp được gửi tới chính bản thân mình. Ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh hay ở bất kỳ địa phương nào trên dải đất hình chữ S này, chúng ta đều dễ dàng có thể tìm ra những dòng "kênh thối" ngập ngụa những rác thải. Và nguồn rác thải được xả xuống những dòng kênh kia chẳng đến từ bất kỳ nhà máy hay xưởng sản xuất nào cả mà nó đến từ chính từng hộ gia đình sống xung quanh dòng kênh ấy. Tất cả các loại rác thải từ vô cơ đến hữu cơ đều được cư dân xả thẳng xuống kênh như một thói quen bình thường, bình thường theo kiểu "kệ, hôi hám thì chẳng phải mình nhà mình chịu. Khi nào chịu không nổi thì nhà nước sẽ quy hoạch thành cống ngầm".

Từ đó nhìn rộng ra, chúng ta nhận ra rằng không chỉ có những dòng kênh mới bị xả thải trực tiếp như thế mà chúng ta đã quá quen với cuộc sống tùy tiện, có thể xả thải ở bất kỳ nơi nào mình thấy thuận lợi cho mình. Chúng ta sẵn sàng chối từ một bao đựng hàng bằng giấy để nằng nặc đòi một bao nilon chỉ vì nó có quai xách, nó có thể được sử dụng tiếp tục như một cái bịch đựng rác mà việc ném nó ra bất kỳ gốc cây, góc phố nào cũng tiện hơn nhiều phần.

Như vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng, chính chúng ta đang hủy hoại nơi mình sống một cách mạnh mẽ nhất chứ không phải ai khác. Chúng ta sẵn sàng đả kích tất cả các hành vi xâm hại môi trường khác mà quên mất rằng, song song với đả kích, chúng ta có thể dọn dẹp sạch chính nơi mình đang ở, và gìn giữ nó bằng một thái độ sống văn minh hơn, có ý thức hơn, có trách nhiệm hơn.

Con người ta bình đẳng với nhau trước thiên nhiên và ai cũng có quyền đòi hỏi được sống trong một môi trường sạch, lành mạnh. Nhưng có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên nghĩ đến việc phải đòi hỏi chính bản thân mình. Muốn có môi trường sạch, ta phải giữ sạch mình trước đã, mà một trong những thứ cần làm để giữ sạch mình chính là phải giữ cho cái tâm thật sạch, cho ý thức thật sạch, cho thái độ thật sạch. Có như thế, chúng ta mới có hành động sạch và đủ sức thuyết phục lớn để kêu gọi những người khác cũng phải có trách nhiệm giống như mình đã, đang và vẫn làm. 

Hà Quang Minh
.
.