Giải trí đi trước...

Thứ Năm, 17/10/2019, 08:03
Đúng vào giai đoạn tình hình ở bãi Tư Chính đang phức tạp thì bộ phim "Everest: Người tuyết bé nhỏ" (Abominable) đã tạo nên một cuộc khủng hoảng truyền thông thực sự cho Hội đồng duyệt phim của Cục Điện ảnh. Trong bộ phim hoạt hình ấy, có một đoạn có hình ảnh bản đồ vùng Biển Đông với đường lưỡi bò 9 đoạn đầy vô lý của Trung Quốc...


Và chính đoạn phim ngắn ngủi đó đã làm dấy lên sự tức giận trong cộng đồng với câu hỏi về ý thức bảo vệ chủ quyền của những người có mặt trong hội đồng duyệt phim.

Hội đồng duyệt phim ngay lập tức đã có động thái nhận lỗi một cách thẳng thắn và thái độ này nên được ghi nhận. Và từ câu chuyện lùm xùm này, chúng ta cũng cần phải làm rõ hơn một vài điểm để có cái nhìn tỉnh táo hơn khi tiếp cận với các sản phẩm văn hoá nhập khẩu.

Trước hết, cần phải minh định rằng bộ phim "Abominable" này không phải là một sản phẩm 100% của Trung Quốc. Nhà sản xuất phim là hai đơn vị: hãng DreamWorks Animation của Mỹ và Pearl Studio của Trung Quốc. Tuy nhiên, đơn vị phát hành là Universal Pictures (Mỹ) và biên kịch, đạo diễn cũng là một người Mỹ hoàn toàn (Jill Culton). Bởi vậy, chỉ quy kết trách nhiệm cho một mình phía nhà sản xuất Trung Quốc là điều chưa thật thoả đáng. Thay vào đó, phải xác định rõ vì sự tham gia của nhà sản xuất Pearl Studio mà phim này đã sử dụng cái đường 9 đoạn phi lý và vi phạm Luật quốc tế để phục vụ lợi ích của riêng Trung Quốc mà thôi.

Kế đến là một vấn đề lớn hơn rất nhiều, vấn đề liên quan đến vai trò của những người liên quan đến quy trình nhập khẩu sản phẩm điện ảnh: từ nhà nhập khẩu cho tới các hệ thống rạp, từ Hội đồng duyệt phim cho tới các bộ phận có liên quan của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Vai trò cụ thể cần được nhắc tới ở đây là ý thức cảnh giác đối với các sản phẩm văn hoá đại chúng được lồng ghép khéo léo phục vụ mục đích tuyên truyền của các quốc gia khác và nó không có lợi cho Việt Nam ở cả khía cạnh bảo vệ chủ quyền lẫn bảo vệ bản sắc văn hoá riêng. Và ở việc lồng ghép thông điệp tuyên truyền theo kiểu "giải trí đi trước, tuyên truyền theo sau" này, các sản phẩm từ Trung Quốc cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.

Tại sao lại cần kiểm soát gắt gao như thế với các sản phẩm Trung Quốc? Thực tế, Trung Quốc luôn có chủ trương dùng văn hoá để tạo ảnh hưởng và thậm chí quảng bá những thông tin có lợi cho tham vọng của họ. Ví dụ như chuỗi phim "Diệp Vấn" của họ chẳng hạn. Mỗi phần của chuỗi ấy, người xem trầm trồ với những pha võ thuật đẹp mắt của các diễn viên, đặc biệt là Chân Tử Đan với Vịnh Xuân Quyền.

Nhưng chuỗi phim đó không đơn thuần chỉ mang tính giải trí với võ thuật mãn nhãn. Thông điệp của nó ẩn ở từng phần, với việc "Diệp Vấn" đánh bại từng đối thủ đến từ mọi chủng tộc, quốc gia: từ người Thái cho tới người Nhật; từ người Nga cho tới người Anh, người Mỹ (Mike Tyson thủ vai). Nó cho thấy cái thuyết người Hoa là trung tâm, người Hoa ưu việt hơn tất thảy nổi bật lên rất rõ.

Hoặc như bộ phim gần đây cũng gây lùm xùm với Hội đồng duyệt là "Điệp vụ Biển đỏ" chẳng hạn. Tham vọng bá quyền được lồng ghép chỉ bằng một vài câu thoại, ở đoạn kết phim. Và khi chúng ta mất cảnh giác, chính các thước phim ấy lại dần dà trở thành thứ "ngụy dữ kiện" để tạo một niềm tin sai lệch trong cộng đồng quốc tế.

Hãy nhớ, các diễn viên Trung Quốc mà nhiều người Việt thần tượng từng ký ủng hộ cái đường lưỡi bò 9 đoạn bất chính và phi lý ấy. Bởi vậy, tỉnh táo khi xem phim cũng cần như tỉnh táo khi duyệt phim. Cũng càng cần nhớ hơn, điện ảnh thế giới không chỉ có Trung Quốc cũng như điện ảnh Việt Nam cũng đang bắt đầu có nhiều dấu hiệu tích cực. Và ở cương vị người trả tiền để hưởng thụ sản phẩm và dịch vụ, chúng ta có quyền đòi hỏi  sản phẩm và dịch vụ sạch sẽ, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như văn hoá bản sắc của người Việt.
Văn Đoàn
.
.