Duyên thơ Phố Núi
Đào An Duyên gửi tặng tôi tập thơ "Ngày đã qua" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, ấn hành). Được biết Đào An Duyên đã được giải thưởng thơ của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cho tập thơ này, và chị cũng đã được Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải thưởng cho tập tản văn "Dòng sông trôi qua tôi". Như vậy chị đồng thời viết cả thơ và văn xuôi.
Tôi chưa gặp Đào An Duyên ngoài đời, chỉ gặp trong thơ, trong những bài thơ mà tôi cho là có duyên, như chính tên nhà thơ vậy. Trong tập thơ đã đọc, "Ru mùa" là một trong những bài thơ mà tôi thích: "À ơi.../ Cái rét đầu đông/ Mưa hiu quạnh. Cải đã ngồng sắp hoa/ Ta ngồi ru nỗi đường xa/ Câu hát cũ dưới thềm nhà rêu phong.../ ...Hình như trời đã lập đông/ Bàn tay lạnh/ Giữa thinh không vẫy đò/ À ơi.../ Ru những mong chờ/ Cớ sao con nhện chăng tơ giữa chiều"...
Cái duyên trong thơ cũng như cái duyên ngoài đời của người con gái không chỉ là sự duyên dáng toát lên từ dáng đi giọng nói, mà còn là cái duyên đằm thắm, mặn mà, cái duyên mà cha ông mình thường nói: Duyên thầm.
Duyên thầm, ấy là cái duyên ẩn sâu trong tâm hồn, tính cách của con người, cái duyên lặn trong từng câu chữ của thơ: "Người cũ như sương buổi sớm/ Mát ta một chút ngày nồm/ Nửa đời chồn chân mỏi gối/ Dịu dàng một ánh sao hôm.../ ...Người cũ giờ thành kỷ niệm/ Lâu lâu ta lỡ chạm vào/ Thương mình cũng thành ký ức/ Đa đoan niềm cũ mà đau" ... (Người cũ). “...Người đi về phương ấy/ Có gặp lại ngày xưa/ Và một ta thơ dại/ Nhặt tháng ngày vu vơ/ (Phương ấy).
Đào An Duyên sinh ra ở quê lúa Thái Bình, lập nghiệp ở phố núi cao nguyên Pleiku, ở đó, chị vừa dạy học, vừa làm thơ. Thơ Đào An Duyên nặng tình với cả hai vùng quê này: "Con cúi lạy tháng mười đậu trên bông lúa uốn câu/ Cong cong dáng mẹ
Hình hài con từ đấy lớn dần/ Con nhờ đất mà thảo thơm tấm lòng nhân hậu.../ ...Con ngủ giấc thị thành mơ bông lúa uốn câu/ Mẹ thắt đáy lưng ong ngồi quạt cho cha mắt ngời hạnh phúc/ Tháng mười về. Dòng sông quê hiền hòa uốn lượn/ Con soi mình. Mơ một giấc trong xanh"... (Mơ giấc trong xanh).
Đọc những câu thơ ấy, ai cũng có thể nhận ra miền đồng bằng châu thổ thấp thoáng trong thơ chị, và phần nữa trong thơ là Pleiku: "Hoa quỳ vàng khắc khoải/ Xoay tít vòng bánh xe/ Chiều ngoại ô bất chợt/ Thương cánh chuồn triền đê/ Dốc lên rồi dốc xuống/ Đổ vào chiều Plelku/ Người đi xa có nhớ/ Bốn mùa sương giăng mù"... (Chiều Pleiku).
Bây giờ người ta nói nhiều đến việc cách tân thơ, đến chuyện thơ phải khác những gì đang có. Riêng tôi trước sau vẫn cho rằng thơ phải thật là thơ, dù cách tân đổi mới thế nào thì thơ vẫn phải là những tầng nghĩa vừa chân thực vừa hư ảo hòa quyện, kiểu "ý tại ngôn ngoại" như ông cha mình ngàn năm nay đã quan niệm.
Tôi vừa đọc một số bài viết về nữ nhà thơ Mỹ Louise Gluck, người được giải Nobel văn chương năm 2020, và cảm thấy thật tâm đắc với quan niệm mà bà phát biểu: Thơ phải ít chữ, kiệm lời, thơ là "Phong cách của tư tưởng".
Thời còn là sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), tôi đã nghe nói đến phong cách thơ "Tượng trưng" của nhóm Dạ đài. Thời đó, người ta có ý phê phán quan điểm của nhóm Dạ đài. Nay tôi tìm đọc lại, mới hay nhiều điều trong đó đúng với quan điểm thơ của tôi: "...Thơ phải cấu tạo bằng tính chất của vô biên. Sau cái thế giới trên hàng chữ phải ẩn giấu muôn ngàn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy...". Nói điều này để soi chiếu vào nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của Đào An Duyên.
Đào An Duyên là hội viên Hội VHNT Gia Lai, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, nghề chính là giáo viên, chưa phải là nhà thơ chuyên nghiệp. Thế nhưng thơ Đào An Duyên lại khá nhuần nhị, thể hiện được sự chuyên nghiệp trong cấu tứ, câu chữ. Và tôi muốn điểm qua những câu trong nhiều bài thơ của Đào An Duyên mà với tôi, có sức gợi, sức cảm, có ý ngoài lời ẩn giấu sau những con chữ: "Sương giăng giăng tràn môi mắt/ Ta ôm một thuở si mê"... (Cõng mùa). "Ta ru đời chưa ngủ/ Ru lên ánh trăng gầy/ Trăm năm tình vẫn vậy/ Nỗi buồn nào qua đây/ Ta ru nghìn đêm trước/ Môi son giấc mơ ngoan/ Giọt mưa khuya thềm vắng/ Cơn mưa nào đi hoang" (Ru đêm). "Em đàn bà phận mỏng/ Nợ anh đời tơ vương"... (Nợ). "Có lẽ nào tình đã cũ/ Khi mỗi bình minh em thức dậy"... (Mưa du ca). “...Đó là ngày. Em - người đàn bà đằm thắm... (Em ngồi vá lại tháng năm em).
Tâm sự với tôi, Đào An Duyên chia sẻ rằng: "Em coi thơ như người bạn để gửi gắm những suy nghĩ, cảm xúc của cuộc đời. Trong sự giả chân lẫn lộn, thơ không bao giờ phản bội người". Khi người thơ Đào An Duyên đã bén duyên thơ, hẳn thơ không phụ lòng người, tôi thiển nghĩ vậy.
Hà Nội, tháng 1/2021