Đời tóc, đời thơ, đời người
Tóc em ngày con gái
Xanh thắt đáy eo thon
Lần đầu tiên hò hẹn
Tóc thẹn thùng môi hôn
Làm cô dâu tóc bới
Khoe ba ngấn đợi chờ
Tóc mai buông nhè nhẹ
Che nụ cười làm duyên
Tóc em ngày trở dạ
Lau bao giọt mồ hôi
Hình như là tóc biết
Những cơn đau rã rời
Một năm con bú mớm
Tóc oằn mình rụng rơi
Năm tháng dài tuổi trẻ
Tóc giờ muốn nghỉ ngơi ...
...Ngẫm một đời sợi tóc
Đen trắng cũng phận người
Mà bàn tay sấp ngửa
Khiến bao lần chơi vơi ...
Ngoài đời, tôi chưa gặp người thơ Ngô Thanh Vân bao giờ. Tôi chỉ gặp Ngô Thanh Vân trên Facebook. Nhưng, đọc những bài thơ trên fb và đọc hai tập thơ mà Ngô Thanh Vân gửi tặng, tập “Nằm nghe lá thở” và “Phác thảo đêm” đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành, nhất là bài thơ “Đời tóc” in trong tập “Nằm nghe lá thở”, tôi có cảm tưởng như đã quen biết Ngô Thanh Vân nhiều năm rồi. Văn là người. Đời tóc, đời thơ, đời người...
Bìa tập thơ “Nằm nghe lá thở” của nhà thơ Ngô Thanh Vân. |
Qua đời tóc, tôi hiểu được đời người, những người con gái như Ngô Thanh Vân. Bài thơ đã làm tôi xúc động, làm tôi không thể không nghĩ đến cuộc đời của những người phụ nữ đã từng làm vợ, làm mẹ, cả người vợ của mình, con gái mình, những người thân thương nhất... Đúng như nhà thơ Nga Evgeni Evtushenko đã viết “Anh có thể dối em, thơ anh không thể dối”.
Tôi nhận ra một Ngô Thanh Vân luôn trăn trở trong thơ, trăn trở trong đời, luôn tự hỏi mình và đánh thức mình, cảm nhận mình và tự cân bằng mình.
Khi Ngô Thanh Vân viết về mẹ: “Vai con mẹ hãy tựa vào/ Cho nguôi ngoai chút phần nào đắng cay/ Cầm bằng vịn cả hai tay/ Lòng này hẹn đến kiếp này mẹ ơi...” (Ru mẹ), tôi thiển nghĩ, khác nhiều bài thơ viết về mẹ đấy chứ?!
Viết về con trai: “Chào con, con trai/ Nhà mình nghèo/ Con sinh ra trong ngày khốn khó/ Giàu có tiếng cười...” cũng khác!
Ấy là người thơ Ngô Thanh Vân đã không đi vào lối mòn, cũng không cố tỏ ra khác đời, khác người một cách gượng ép, lên gân. Câu thơ vì thế mà gần gũi người đọc lại mới mẻ với người đọc.
Chỉ qua bài thơ “Đời tóc” người đọc cũng có thể hình dung Ngô Thanh Vân từng trải trong cuộc sống, tinh tế trong cảm xúc và hình như cũng thông minh trong cách cảm, cách nghĩ, cách cấu tứ bài thơ, câu thơ, quen mà lạ, lạ mà quen... Thơ là đời nhưng cao hơn mặt bằng đời sống bằng ý tưởng và cảm xúc chân thành nhưng lại có sức gợi, sức cảm, mở ra sau từng con chữ:
"... Anh lặng im quay mặt/ Mình em với mênh mông!" (Không đề); "Khi em buông tay/ Ngôi sao đi khỏi bầu trời/ Anh tự do như vũ trụ..." (Buông tay); "Bầy sẻ nâu đã bay/ Em không còn chờ nơi bậu cửa/ Em là cánh chim trời/ Hãy để em bay..." (Khát khao em); "Đi qua ngàn ngày cũ/ Vẫn không qua được mình..." (Đợi ).
Nhiều câu thơ trong nhiều bài thơ như thế trong hai tập thơ, làm tôi thiển nghĩ: Nghề thơ của người thơ trẻ Ngô Thanh Vân không phải là xoàng! Đọc qua những bài thơ của nhà thơ trẻ Ngô Thanh Vân, có cảm tưởng như người thơ này “khéo”. Khôn ngoan, khôn khéo cũng là một phẩm chất của người đời. Nhưng trong thơ, nếu khôn quá nhiều khi lại hóa dại.
Tôi cho rằng Ngô Thanh Vân có thể khôn ngoan, khôn khéo ngoài đời nhưng đọc kỹ thấy thơ của Ngô Thanh Vân vẫn nhiều nét hồn nhiên, cái hồn nhiên trong những cảm nghĩ thấu suốt, từng trải, nhiều chiêm nghiệm: "Tôi mải mê đi tìm/ nghĩ chỉ có đàn ông mới làm cho đàn bà hạnh phúc và ngược lại/ bỗng thấy mình ngây dại/ trước thành thật cuộc đời" (Hạnh phúc); "Người mẹ trẻ/ ru/ tháng ngày lầm lỡ/ dại khờ ơi/ nông nổi đến bao giờ?" (Lầm lỡ).
Có hai câu thơ đề dưới bức chân dung của nhà thơ trong tập “Phác thảo đêm” là tôi hiểu hơn những gì mà tôi nghĩ về người thơ này: "...Đêm ám ảnh. Đêm bỗng thành tri kỷ/ Ta đồng hành. Ta làm bạn trăm năm...".
Khi người thơ đã sống hết mình, bộc lộ hết mình, không quanh co, không làm duyên làm dáng, ấy là người thơ đã và đang đi đến tận cùng mọi cung bậc của cảm xúc. Người thơ đã hóa thân vào thơ, thơ đã hóa thân vào đời. Ấy cũng là lúc người thơ tạo được sự đồng cảm với người đọc.
Tự soi mình, tự vấn mình, tự làm mới mình để làm mới thơ ấy là những nỗ lực của nhiều người làm thơ trẻ, có ý thức hiện nay. Đọc những thông tin ghi ở bìa hai tập thơ Ngô ThanhVân tặng, mới hay người thơ này đã xuất bản bốn tập thơ, hai tập truyện ngắn, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã có nhiều giải thưởng về thơ ở Trung ương và địa phương, quê Nghệ An, hiện sống và làm việc ở Pleiku. Ngày thơ vừa rồi, tôi cũng thấy tấm panô giới thiệu Ngô Thanh Vân - nhà thơ trẻ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Mừng cho Ngô Thanh Vân...
Nhà vườn Sóc Sơn, tháng 11-2019