Đối mặt với sự thật

Thứ Năm, 24/05/2018, 08:43
Nếu điểm lại tất cả những lùm xùm trong showbiz từ suốt 20 năm nay, chúng ta sẽ giật mình nhận ra rằng, đây là lần hiếm hoi một nhân vật giải trí tổ chức công khai một cuộc họp báo để xin lỗi. Trước đó, hiếm ai làm điều đó, kể cả khi họ mắc lỗi nghiêm trọng hơn...


11 phút xin lỗi đồng nghiệp, người thân và khán giả được live stream của ca sĩ Phạm Anh Khoa đã khép lại câu chuyện lùm xùm trong showbiz kéo dài đúng nửa tháng. Và sau 11 phút ấy, gần như không còn ai nhắc lại chuyện đó nữa. Đồng thời, những người cảm thông cho rocker gốc Cam Ranh này cũng bắt đầu nhiều hơn. Họ nhận thấy ở lần xin lỗi này một sự chân thành, sự dũng cảm đối diện thực tế. Và bởi thế, trách móc cũng đã không còn nữa.

Nếu điểm lại tất cả những lùm xùm trong showbiz từ suốt 20 năm nay, chúng ta sẽ giật mình nhận ra rằng, đây là lần hiếm hoi một nhân vật giải trí tổ chức công khai một cuộc họp báo để xin lỗi. Trước đó, hiếm ai làm điều đó, kể cả khi họ mắc lỗi nghiêm trọng hơn.

Tất nhiên, sẽ có người phản bác rằng ở thời đại công nghệ, cái gì cũng có thể live stream trực tiếp đến khán giả như hôm nay, việc xin lỗi có công cụ để trở nên hiệu quả hơn. Song, chúng ta nên nhớ rằng không phải ngày hôm nay mới có facebook, có youtube. Chúng đã tồn tại được hơn chục năm rồi, và trong chục năm ấy, có những lần người của công chúng va vấp rất nặng nhưng họ tảng lờ, chờ dư luận nguôi ngoai. Thậm chí, có người còn quay trở lại như một thần tượng mới và được ca tụng là “phượng hoàng lửa” như Hoàng Thùy Linh là một ví dụ điển hình.

Nhắc lại vụ “Vàng Anh” ấy, chắc chúng ta chưa quên lời xin lỗi của HTL hoàn toàn là một sắp đặt do cả êkip làm phim dựng nên, và họ dùng sóng truyền hình quốc gia để phát đi thông điệp của mình. Dĩ nhiên, trong câu chuyện “Vàng Anh”, Hoàng Thùy Linh cũng là nạn nhân, nhưng khó có thể phủ nhận, cô chính là thủ phạm với lối sống buông thả của mình.

Lan man chừng đó đã quá đủ rồi. Chúng ta nhìn thấy gì từ lần xin lỗi công khai hiếm hoi trong showbiz từ trước tới nay? Đó không phải là chuyện của một mình Phạm Anh Khoa nữa, mà nó là câu chuyện của cả một ngành giải trí. Người tài năng có, người mạnh mẽ có. Thế nhưng người dám dũng cảm đi thẳng vào sự thật thì gần như không. Tất cả đều dùng chung một cách giải quyết như nhau: lảng tránh và để thời gian đưa vào quên lãng.

Trong các cuộc khủng hoảng truyền thông, giải quyết cách nào đi nữa thì sự chân thật, chân thành vẫn là giải pháp tối ưu nhất. Mọi né tránh, dàn dựng và dối trá đều không đi đến kết quả tốt nhất. Cơ bản, nhu cầu được biết sự thật luôn là một nhu cầu rất lớn của con người và công chúng luôn thể hiện nhu cầu ấy trước các câu chuyện bão tố showbiz.

Và công chúng thì không khờ dại như chúng ta nghĩ. Họ khó có thể tin vào những dữ kiện không có thật, không phải sự thật. Họ có thể nhanh chóng nổi giận nhưng dễ dàng tha thứ nếu nhìn thấy sự chân thực của đối tượng bị chỉ trích. Chỉ tiếc rằng những nhân vật giải trí lại nghĩ khác. Họ sẵn sàng bỏ tiền, rất nhiều tiền để tổ chức họp báo giới thiệu sản phẩm mới, với những niềm tự hào riêng của mình. Còn nếu phải bỏ tiền để tổ chức họp báo thừa nhận lỗi lầm thì họ lại không sẵn sàng. Không phải vì họ tiếc của. Dễ hiểu, họ không dám thừa nhận lỗi lầm của mình một cách công khai và minh bạch nhất.

Câu chuyện của Phạm Anh Khoa nên là một bài học, và một tiêu chuẩn để xử lý khủng hoảng đối với những nhân vật giải trí sau này. Ở đó có cả những hậu qủa của việc xử lý kém (như cách đối phó ở giai đoạn đầu khủng hoảng của Phạm Anh Khoa và ê kíp); có cả những kết quả tích cực (như lần xuất hiện xin lỗi 11 phút ngắn gọn). Nhiều người nói, nếu Khoa làm điều cần làm ngay từ đầu, chắc lùm xùm của anh sẽ không kéo dài tới nửa tháng như nó đã từng.

Trước khủng hoảng, hãy đi thẳng vào sự thật. Đừng né tránh nó. Đừng lấp liếm nó. Đừng đổ vấy đó đây. Nếu thành công trong showbiz là nhờ đi thẳng vào công chúng bằng sản phẩm tốt thì thành công trong xử lý khủng hoảng cũng tương tự thế: cần đi thẳng vào công chúng bằng sự chân thực, chân thành của mình.
Văn Đoàn
.
.