Để phục hưng cải lương

Thứ Năm, 17/01/2019, 09:05
Hai đêm 13 và 14/1, sân khấu lớn ngoài trời ở phố đi bộ Nguyễn Huệ TP Hồ Chí Minh đã trở thành thánh đường của cải lương đúng nghĩa. Hai đêm diễn (trong đó có đêm 13/1 được truyền hình trực tiếp) đã nhen nhóm lại ngọn lửa yêu mến cải lương trong lòng người hâm mộ, đặc biệt là người Nam bộ.


Hai đêm 13 và 14/1, sân khấu lớn ngoài trời ở phố đi bộ Nguyễn Huệ TP Hồ Chí Minh đã trở thành thánh đường của cải lương đúng nghĩa. Để kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương, hai đêm diễn đã được tổ chức (đêm 14/1 giản lược hơn) với sự tham dự của hơn 400 nghệ sỹ nhiều thế hệ cùng những trích đoạn cải lương xuất sắc, có cổ có kim, đặc biệt là bản tri ân tổ nghiệp cải lương mới được nhạc sỹ Đức Trí sáng tác, hứa hẹn sau này sẽ trở thành bản nhạc chính thức cho mỗi dịp giỗ tổ sân khấu.

Rõ ràng, tín hiệu tích cực của hai đêm diễn kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương là rất lớn. Nó khơi gợi nguồn cảm hứng đam mê một loại hình sân khấu cổ truyền trong lòng khá giả rất mạnh mẽ.

Thực tế chứng minh, có nhiều tác giả, tác phẩm âm nhạc kinh điển được nhiều người yêu thích nhưng do thời gian, do bộn bề đời sống, do sự chồng lấp của ngồn ngộn những sản phẩm mới…, con người ta tạm thời bỏ quên nó ở một vùng ký ức nào đó. Nhưng khi được khơi gợi, nhắc lại chỉ một chút thôi, người nghe sẽ lập tức bị cuốn vào và quay trở lại lục tìm những thứ vốn dĩ đã nằm lòng. Điển hình như band nhạc Queen chẳng hạn.

Rất nhiều người Việt thích band nhạc này song đã quá lâu họ không nghe lại. Vậy mà sau khi bộ phim “Bohemian Rhapsody” kể về chuyện đời của ca sỹ chính của band nhạc là Freddie Mercury được trình chiếu, đã rất nhiều khán giả hâm mộ trước đây chia sẻ lại những đường dẫn các bản nhạc xưa của Queen. Thậm chí, có người còn đi mua lại bằng được những CD chất lượng cao của band nhạc này.

Sân khấu kỷ niệm 100 năm cải lương ở phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng vậy. Hai đêm diễn (trong đó có đêm 13/1 được truyền hình trực tiếp) đã nhen nhóm lại ngọn lửa yêu mến cải lương trong lòng người hâm mộ, đặc biệt là người Nam bộ. Trước đó, khi phim “Song Lang” ra rạp và được chiếu lại trên một kênh truyền hình, nhiều khán giả cũng đã bắt đầu thổn thức trở lại với cải lương. Đó là một tín hiệu tích cực thực sự, một tín hiệu có thể nuôi dưỡng hi vọng phục hưng cải lương đúng nghĩa.

Tuy nhiên, đốm lửa được nhen nhóm kia sẽ chỉ bùng lên thành ngọn nếu tiếp nối sau hai đêm diễn kỷ niệm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ là các hành động thiết thực, tức là các vở diễn được các đoàn đầu tư chu đáo kịp ra mắt khán giả. Những hành động ấy của nhiều đơn vị khác nhau cũng cần phải được xâu chuỗi lại với nhau nhịp nhàng và logic, được truyền thông và quảng bá một cách khôn khéo.

Và nói đến truyền thông, trách nhiệm của báo chí cũng rất lớn. Báo chí văn hoá văn nghệ cần phải thoát khỏi vùng tiện lợi (tức là chỉ tập trung đưa tin, bài về các ngôi sao showbiz có thể mang lại nhiều lượt xem) để chung một tay truyền bá cho các vở diễn cải lương, khơi gợi sự nhiệt thành của lớp khán giả cũ đồng thời kích thích sự tìm hiểu của lớp khán giả trẻ tuổi sau này. Có như vậy, may ra việc hồi sinh sân khấu cải lương mới thực sự có hi vọng.

Tất cả những việc cần phải làm, phải góp tay, chung sức kể trên nếu không được thực hiện kịp thời, e rằng đêm diễn kỷ niệm 100 năm cải lương sẽ hoá công cốc, và trở thành một lãng phí lớn khi nó chỉ còn đúng giá trị hình thức không hơn không kém. Bởi vậy mới nói, sản xuất một chương trình đã khó, hoạch định những việc cần làm tiếp nối hậu chương trình càng khó hơn. Đừng nghĩ rằng sự thành công của 2 đêm diễn kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương là đã đủ để về đến đích.
Văn Đoàn
.
.