Để "chung sống" với toàn cầu hoá
Ngày nay, người ta nói đến "quyền lực mềm" của văn hóa đang tạo ra ảnh hưởng lớn hơn quyền lực chính trị hay quân sự. Thị trường văn hóa lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ với 38,2 tỉ USD cho nhập khẩu. Trung Quốc đã đầu tư trên 10 tỉ USD xây dựng 100 trung tâm Khổng giáo khắp thế giới vào năm 2010 để truyền bá văn hóa Trung Hoa. Mỹ có trung tâm Usis, Anh có hội đồng Anh, Pháp có khối Pháp ngữ; Đức có viện Goethe tạo ra ảnh hưởng khắp toàn cầu.
Trong nỗ lực vươn ra toàn cầu, nước Nhật vào nhiều thập kỷ nay đã mở "mặt trận xung kích văn hóa": Các lĩnh vực thiết kế thời trang, truyền hình, điện ảnh, âm nhạc, khiêu vũ, mỹ thuật, văn học đã được đầu tư và quảng bá thích đáng. Hiệp hội chấn hưng nghệ thuật Nhật Bản đưa ra giải thưởng Praemium Impériale được coi là tương đương với giải Nobel, đủ thấy nước Nhật muốn có một vị thế quan trọng như thế nào trong đời sống văn hóa toàn cầu hóa.
Văn hóa, văn học nghệ thuật phải được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là sự đánh giá đúng bản chất và vị trí của nó trong đời sống xã hội. Nhưng điều quan trọng hơn là phải có những cơ chế, định thức bảo hiểm, tức là phải xây dựng hệ giá trị mới của những nhà sáng tạo văn hóa và sản phẩm văn hóa. Xã hội không đánh giá đúng bản chất và vị thế của văn hóa, thì văn hóa chấm dứt nhiệm vụ chủ yếu của mình.
Ở đây, vai trò của Nhà nước không được sa vào chủ nghĩa thực dụng, mà luôn tìm những quyết sách có hệ thống, có cơ sở lý luận, có tính chiến lược cho văn hóa và xã hội. Tăng trưởng kinh tế mà không tính đến bản sắc dân tộc, lối sống, nếp sống, phong hóa, đạo đức là thua cuộc ngay trên sân nhà. Văn học, nghệ thuật vài ba thập niên cuối cùng của thế kỷ XX chưa hoàn thiện nhiệm vụ của mình. Đó là sự "trả thù" của văn hóa, bởi một bộ phận lớn của nhân loại quay lưng lại với nó, biến nó thành hàng hóa đơn thuần, tạo nên một thứ pop - đại chúng phế phẩm, nghệ thuật truyền thống bị thờ ơ. Sự khủng hoảng văn hóa hôm nay còn được cắt nghĩa bằng sự bất mãn xã hội, sự hạ thấp vai trò của các nhà hoạt động văn hóa.
Ở nước ta, cho đến nay đã hình thành một dòng văn hóa nghệ thuật Việt kiều trong số hơn ba triệu người định cư ở Hoa Kỳ, Canada và châu Âu từ nhiều thập niên nay. Xuất phát từ quan điểm: "Đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước...
Có chính sách khuyến khích người Việt Nam, trí thức Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, góp phần xây dựng đất nước; khen thưởng những người có nhiều thành tích đóng góp cho Tổ quốc" (Văn kiện Đại hội Đảng X - 2006), chúng tôi cho rằng, dòng văn học, nghệ thuật ngoại kiều là một thành phần của nền văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, dòng văn nghệ này vừa góp phần tô đậm bản sắc Việt
Toàn cầu hóa trong văn hóa, văn học, nghệ thuật là con dao hai lưỡi. Nó đã và đang tạo ra các xu hướng đối nghịch: vừa trao thêm quyền (dân chủ hóa các sản phẩm văn hóa) vừa tước bỏ quyền (thu hẹp văn hóa đọc); áp đặt văn hóa đơn cực (Mỹ hóa) và sự gia tăng bảo tồn bản sắc dân tộc; dân chủ hóa và độc quyền hóa. Dù đã tiên liệu qui luật phá vỡ xã hội truyền thống và hiện đại hóa thiếu định hướng của toàn cầu hóa, những nước nhỏ đang phát triển dễ dàng tụt hậu xa hơn và nhanh hơn, thách thức gay gắt hơn. Vì vậy, khi nói đến toàn cầu hóa thì ngoài sự tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, nhân dân các nước cần ý thức sâu sắc xu hướng toàn cầu hóa nhân văn. Ở đó, những thành tựu của văn hóa dân tộc trở thành những thành tựu của loài người. Còn những thành tựu của loài người làm phong phú hơn văn hóa dân tộc