Đạo đức nghề nghiệp hay câu chuyện "sống dễ lắm"

Thứ Năm, 01/04/2021, 10:29
Trong những ngày qua, báo chí và cư dân mạng bàn luận khá nhiều về “Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” của Thông tư 01, 02, 03, 04 (quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập.), do Bộ GD-ĐT vừa ban hành.


Bất giác, người viết chợt nhớ đến một truyện ngắn có nhan đề “Sống dễ lắm” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – người vừa mới đây thôi đã rời xa cõi tạm. Một sự trùng hợp khá thú vị khi cố nhà văn cũng từng là người có 10 năm dạy học ở miền núi. Nơi mà người ta ít khi nhắc đến đạo đức, tâm huyết của người thày bởi nó là điều hiển nhiên tồn tại.

Giáo viên cần được tin tưởng về ý thức và đạo đức.

Truyện ngắn “Sống dễ lắm” là một câu chuyện kể về ông giáo Chi. Ở vào cái hoàn cảnh giấy tờ, văn bản, sổ sách, thậm chỉ cả quần áo đều bị cuốn trôi; giữa nơi hoang sơ, vắng vẻ, trước những người đồng nghiệp đáng tuổi con, ông giáo Chi mạnh dạn chia sẻ về cái định nghĩa “sống dễ lắm” của nghề giáo. Đó là: “Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”; “Dạy học không có gì khó cả! Sống dễ lắm! – Ông giáo Chi lại nói – Mình cứ hình dung mình là đứa bé, đứa bé cần gì thì dạy thứ ấy… đừng dạy nó thứ không cần…”… Đạo đức, tâm huyết của người giáo viên đơn giản như thế, dễ làm như thế, hà cớ gì còn cần phải đặt thành tiêu chuẩn để phấn đấu chăng?

Giáo dục là một ngành luôn được dư luận quan tâm bởi từ những điều nhỏ nhất như: cử chỉ, thái độ, lời ăn, tiếng nói của người giáo viên… cũng sẽ tác động trực tiếp đến nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ- những chủ nhân tương lai của xã hội, của đất nước… Bởi thế, nếu không cụ thể hóa các quy định để điều chỉnh, xử lý khi xảy ra sai phạm ở người thày sẽ làm chính các nhà quản lý giáo dục lúng túng. 

Còn nhớ cách đây chưa lâu, trước hàng loạt vi phạm đạo đức nghề nghiệp của giáo viên ở nhiều địa phương, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “…phẩm chất, đạo đức của một bộ phận giáo viên hiện nay đang giảm sút, bị thoái hóa. Những “tấm gương mờ” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người giáo viên mà còn tác động xấu tới thế giới quan của học sinh. Nguy hại hơn cả là niềm tin của xã hội đối với ngành Giáo dục nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng ít nhiều bị sứt mẻ. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm và cương quyết đưa ra khỏi ngành những “con sâu” này.” (theo Báo Công an nhân dân). 

Quả thật, sau đó ít lâu, các vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La khiến chúng ta càng thêm mất niềm tin ở nhiều giáo viên có năng lực, là cán bộ quản lý trong ngành Giáo dục. Có lẽ, vấn đề đạo đức nhà giáo là một đòi hỏi bức thiết không kém gì chất lượng giáo dục. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nảy sinh nhiều hiện tượng phức tạp, rất nhiều ngành đã phải đổi mới cách quản lý cán bộ để thích nghi với cách giám sát bằng những quy định chặt chẽ hơn. Có những phẩm chất tự thân, tưởng như đương nhiên, hiển nhiên nhưng giờ đây lại cần đặt ra như yêu cầu cần phải có, mang tính bắt buộc. Đâu phải ai cũng có ý thức, có nhân cách để chỉ cần “Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”…

Có lẽ, cả hai quan điểm đó đều có cái lý riêng của mình. Giáo dục liên tục thay đổi sách giáo khoa, đổi mới chương trình và hình như cũng đang loay hoay tìm ra một mẫu hình người thày để lấy lại lòng tin trong xã hội. Có điều, những quy định về đạo đức nghề nghiệp được ban hành dường như còn khá mơ hồ và có phần hài hước khi đặt ra sự phân cấp về đạo đức giáo viên. 

Những việc làm tốt đẹp của các thày cô chính là sự thực hành dạo đức nhà giáo.

Cụ thể như, khi nhìn vào tiêu chuẩn “Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” của giáo viên bậc THCS, ở hạng II, chúng ta thấy còn có thêm yêu cầu: “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo” và ở hạng I là: “Phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo” (ngoài những quy định ở hạng III). 

Như vậy, có thể hiểu là, giáo viên hạng II chỉ cần bản thân mình luôn luôn thực hiện “gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo” là đủ, trong khi giáo viên hạng I còn cần phải đạt được một yêu cầu là: “vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo”? Có thể những bất cập trong quy định này sẽ được các cấp có thẩm quyền “gỡ rối”, điều chỉnh. 

Nhưng, qua đó, chúng ta nhìn ra được những điều thú vị. Phải chăng, đã đến lúc cần tách bạch khái niệm đạo đức trong xã hội (nói chung) và đạo đức nhà giáo (nói riêng) ở hai mặt lý trí và tình cảm hay nói đúng hơn là quy định và văn hóa ứng xử. Về lý cần có những quy định cụ thể như những điều giáo viên không được làm. Về mặt văn hóa, những gì là thuần phong, mỹ tục, cách sống cao đẹp… rất cần khuyến khích. Còn khi, chúng ta lấy những khái niệm về mặt văn hóa ứng xử làm tiêu chí đánh giá hay xử lý bởi sẽ rất khó thực hiện.

1. Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo phải dựa trên nền tảng pháp luật. Khi bối cảnh xã hội của ngày hôm nay đã khác so với nhiều thập kỉ trước, giáo dục không thể tiếp tục dựa trên những khái niệm về đạo đức mơ hồ khó xác định, dựa trên nguyên tắc kêu gọi, vận động đơn thuần. 

Thiết nghĩ, hãy lấy chính những quy định thiết thực như: hành vi vi phạm phòng, chống dịch Covid-19; Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt); Nghị định số 82/2020/NĐ-CP (quy định cụ thể về hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, ly hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng)… làm tiêu chí đánh giá người giáo viên. Bởi lẽ, người thày tốt trước hết phải là người công dân tốt, người chồng tốt… đạo đức đồng nghĩa với trách nhiệm với xã hội.

2. Đạo đức nghề nghiệp chính là cách sống có văn hóa, là tấm gương để đồng nghiệp và học sinh noi theo. Từ những việc làm tốt đẹp hằng ngày, những hành động dũng cảm được các cấp chính quyền, đoàn thể khen tặng để làm tiêu chí xét thăng hạng hay đặc cách thăng hạng. Thay vì, thêm một lần nữa, giáo dục lại sa vào căn bệnh thành tích “khá và giỏi” khi đặt ra những tiêu chuẩn cao siêu rồi dễ dàng thực hiện bằng một cách rất “thần kì”. 

Một nhà giáo có những ứng xử đẹp, có những hành động dũng cảm, khẳng khái, vì cộng đồng chính là điển hình trong chính mái trường của mình. Thay vì nêu ra các tiêu chí, chúng ta hãy khuyến khích các thày cô thực hành các phẩm chất đạo đức trong chính môi trường làm việc, trong chính không gian sống của mình.

3. Đạo đức là một khái niệm mà lâu nay được chúng ta dùng để chỉ phẩm giá và nhân cách. Bởi thế, chỉ nên đặt ra việc vi phạm đạo đức và khuyến khích các tấm gương đạo đức chứ tuyệt nhiên không thể định lượng ai ở mức đạo đức nào? Hay, ở thứ hạng nào cần thực hiện tiêu chí đạo đức nào? Bởi, suy cho cùng tất cả nằm ở những quy định mang tính bắt buộc về pháp luật; phần còn lại thuộc về ý thức, thái độ… một bình diện mà chỉ khi con người ta thực sự ý thức, tâm huyết, chân thành mới có thể làm tốt được. Việc đề ra các tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp để đánh giá chẳng khác gì việc chúng ta đang mất niềm tin vào các nhà giáo, lấy đi của họ những gì vốn phải có.

Suy cho cùng, không có ai sinh ra đã mang trong mình đầy đủ các phẩm chất của nhà giáo, chỉ có quá trình học tập, tích lũy, và hơn hết là ý thức và lòng tự trọng giữ gìn phẩm giá của một người thày mới giúp lan tỏa những điều tốt đẹp đến với học trò cũng như xã hội. Hãy thật sự thẳng thắn nói về đạo đức nhà giáo bằng sự tin tưởng để làm sao để các thày cô “sống dễ lắm” trong chính câu chuyện làm nghề của mình.

Lương Việt
.
.