Cuốn sách có nhiều chi tiết sai sự thật về các nhân vật lịch sử

Thứ Hai, 13/03/2017, 08:01
Nhân đọc "Lịch sử Đảng bộ huyện Mê Linh (1930 - 2010)", NXB Lý luận Chính trị, 2014.


Nhiều chi tiết sai sự thật về nhân vật lịch sử

Trang 11 viết: "Từ năm 1883, sau cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng, vùng Mê Linh chính là huyện Yên Lãng, phủ Tam Đới, tỉnh Sơn Tây". Năm 1883 - năm cuối cùng đời vua Tự Đức, vào thời "tứ nguyệt tam vương" (bốn tháng thay ba vua: Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc) đã cách xa đời vua Minh Mạng đến gần nửa thế kỷ.

Trang 16 dẫn một loạt các làng cổ có tên nôm gắn với chữ Kẻ như Kẻ Lai, Kẻ Lôi (xã Tam Đồng), Kẻ Sặt (thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập), Kẻ Đợ (xã Thạch Đà),… và cả Kẻ Dẫy, Kẻ Cùa. Tôi được biết trong dân gian có câu "Ruộng Kẻ Cùa, chùa Kẻ Dẫy". Các tác giả sách không chú dẫn mà ở đây là tiện tay ghi luôn từ địa phương khác vào. Cụ thể, Kẻ Cùa, Kẻ Dẫy, Kẻ Khiêu là tên nôm các thôn làng của xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chứ không còn là địa danh hành chính thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội ở thời điểm viết sách nữa.

Song điều quan trọng nhất là phần 2 mang tên "Truyền thống hiếu học" có quá nhiều sai sót.

Sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Mê Linh (1930 - 2010)” có nhiều sai sót.

Đó là đưa 3 nhân vật của thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vào làm danh nhân của huyện Mê Linh. Mà các nhân vật này tiểu sử, hành trạng đều thiếu sử liệu thuyết phục: Ngô Miễn, Đỗ Nhân Tăng và Trần Công Tước. Ở đây, nói nhẹ là gán ghép một cách khiên cưỡng, thực tế là bịa đặt lịch sử.

Dù rằng trước đây thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội) vốn là một huyện nhưng đã chia tách về mặt địa lý 10 năm, làm sao vẫn cố gán ghép như vậy? Nếu biện luận vì từng là một huyện chung thì còn phải lấy thêm các danh nhân khác ở thị xã Phúc Yên, Yên Lạc, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng như huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội từng cùng một huyện với Mê Linh. Hoặc nếu những người soạn sách cho rằng đây là nêu danh những nhân vật thuộc truyền thống, lịch sử của đơn vị hành chính Mê Linh xưa, có ảnh hưởng chung, thì phải chú thích cụ thể là nhân vật ấy nay thuộc tỉnh, huyện nào.

Cụ thể, trang 20 viết về danh nhân Ngô Miễn như sau: "Ngô Miễn sinh năm 1371 niên hiệu Thiệu Khánh thứ 2, đời vua Trần Nhân Tông, quê xã Phúc Thắng (nay thuộc thị xã Phúc Yên). Ngô Miễn đỗ Tiến sĩ năm 22 tuổi (1393) nhưng không ra làm quan mà về quê dạy học".

Ở đây các tác giả viết sai. Năm 1371 vua Trần Nhân Tông đã băng hà được gần 70 năm. Niên hiệu Thiệu Khánh là đời vua Trần Duệ Tông.

Một chi tiết sai khác là có việc Ngô Miễn đỗ Tiến sĩ năm 1393 không? Các tác giả dẫn tài liệu là "Lịch sử Đảng bộ xã Phúc Thắng, xuất bản năm 1990, trang 22". Đây không phải là tư liệu lịch sử đáng tin cậy. Bởi vì, xét tất cả các sử liệu về khoa bảng đều không có tên Ngô Miễn. Cụ thể, trong sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919" do PGS Ngô Đức Thọ (chủ biên), NXB Văn học (2006) chép về khoa thi năm Quý Dậu (1393) niên hiệu Quang Thái thứ 6 đời vua Trần Thuận Tông chỉ có 4 người đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ), mà không hề có tên Ngô Miễn.

Ngoài ra, trong sách "Danh nhân Vĩnh Phúc", tập 1, do Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phúc ấn hành năm 1999 của tác giả Lê Kim Thuyên ghi chép những người đỗ từ Phó bảng trở lên, cũng không có tên Ngô Miễn trong danh sách.

Trang 21 viết về Tiến sĩ Đỗ Nhuận có nhiều chi tiết sai và chi tiết bịa đặt. Cụ thể sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Mê Linh" viết: "Theo Lịch triều hiến chương loại chí, ông sinh năm 1466. Ông đỗ đầu Tiến sĩ năm 1466, khi mới 21 tuổi". Ông đã sinh năm 1466 thì khi vừa sinh ra ông đã đỗ Tiến sĩ? Còn nếu đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi thì năm sinh của Đỗ Nhuận phải là 1446.

Các tác giả viết Đỗ Nhuận "đỗ đầu Tiến sĩ" là bịa đặt. Theo sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919" đã nêu trên, cho biết: Khoa thi 1466, Đỗ Nhuận đứng thứ 4 trong hàng Tiến sĩ, người đứng đầu là Nguyễn Quang Lộc.

Tiếp đó, trang 28 viết: "Hưởng ứng Chiếu Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi (1885), trên địa bàn Mê Linh có cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quang Bích, Đốc Kết ở Phúc Yên, với hơn 200 nghĩa quân". Chi tiết này do các tác giả viết sách mới sáng tạo ra. Bởi vì, Nguyễn Quang Bích hay còn tên gọi khác là Ngô Quang Bích là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa tại Phú Thọ.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công bình luận: "Cách làm cẩu thả này dễ dẫn đến "dĩ hư truyền hư", vì không phải ai sử dụng tài liệu này cũng có điều kiện đối chiếu, kiểm tra lại xem độ chính xác đến đâu. Trong khi bản thân cái tên "Lịch sử đảng bộ..." đã có tỉnh thuyết phục độc giả tin tưởng tuyệt đối rồi".

Thái giám có tiêu biểu cho truyền thống hiếu học?

Ở trang 22 khi viết về truyền thống hiếu học của huyện Mê Linh, nhóm tác giả biên soạn sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Mê Linh" đã dẫn 2 vị quận công là Trần Công Tước sinh năm 1650, mất khoảng từ năm 1695 đến 1702 và Đỗ Nhân Tăng (1664 - 1729). Trần Công Tước tương truyền được nhân dân gọi là Thận Quận công và Đỗ Nhân Tăng làm quan hai triều vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông.

Cả hai vị đó đều là Thái giám. Tất nhiên không hẳn cứ là Thái giám thì không thể nêu gương về tinh thần hiếu học. Điều quan trọng là nhân vật ấy có đúng là hiếu học hay không. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì điều này không có sử liệu chép lại. Hơn nữa, đây là hai nhân vật người phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc chứ không phải người huyện Mê Linh (Hà Nội).

Nếu kể đến truyền thống hiếu học phải là các nhà khoa bảng. Huyện Mê Linh không thiếu. Đó là Trần Quý Nghị, người xã Thanh Lâm, thi đỗ Tiến sĩ năm 25 tuổi, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan tới Thượng thư (tương đương Bộ trưởng ngày nay).

Đó là Bùi Phỉ,  đời vua Lê Thánh Tông, làm quan tới Tế tửu Quốc tử giám (tương đương giám đốc Đại học Quốc gia hiện nay). Đó là Nguyễn Châu Mạo, người xã Văn Khê, đỗ Tiến sĩ năm 25 tuổi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) đời vua Lê Tương Dực, làm quan đến Phó đô Ngự sử (tương đương Phó Chánh thanh tra Chính phủ hiện nay).

Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau

Theo nhà báo Lê Minh Quốc, viết sử về địa phương là điều rất đáng hoan nghênh. Qua đó, không chỉ giáo dục lòng yêu nước, hiếu học mà còn thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, khơi dậy niềm tự hào, nối chí tiền nhân dành cho các thế hệ đương thời. Tuy nhiên, sự biên soạn cần chính xác. Vấn đề này lâu nay đã xảy ra bất cập mà nhiều người đã nhìn ra, đã phàn nàn, chỉ trích.

"Thấy người sang bắt quàng làm họ" ở đây cần tránh, không nhất thiết phải như thế. Hơn nữa, đã là sử thì cần phải chính xác nhất trong chừng mực có thể. Nếu cách thực hiện cẩu thả, à uôm cứ như tập sách này, khiến chúng ta lại nhớ đến một câu Kiều: "Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau".

Tóm lại, như đã nói, đã là sách sử thì tiêu chí trước nhất vẫn là sự chính xác. Với những sai sót mà tác giả đã nêu ra, cách tốt nhất là NXB Chính trị Lý luận nên thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật và cách giải quyết tốt hơn cả vẫn là dũng cảm thu hồi sách, chỉnh sửa chỉn chu rồi tái bản. Âu cũng là một nét đẹp trong xuất bản mà chúng ta cần hướng tới, bởi cuối cùng một tập sách ra đời cũng không ngoài mục đích vì bạn đọc và vì giá trị lưu trữ lâu dài cho cả đời sau nữa.

Hậu quả lâu dài

"Những tài liệu như "Lịch sử đảng bộ..." các địa phương chính là nguồn tư liệu chính thống, mà sau này bất cứ người địa phương, hay ở nơi khác muốn tìm hiểu về vùng đất ấy đều phải tra cứu, lấy đó làm tài liệu tham khảo, dẫn chứng. Bởi vậy, sai sót, dù lớn dù nhỏ đều để lại hậu quả lâu dài...." (Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công).

Kiều Mai Sơn
.
.