Cổ mẫu “Trương Chi”

Chủ Nhật, 08/03/2020, 08:26
“Trương Chi” là một trong những truyện hay nhất của kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Hay đến mức trở thành cổ mẫu “đẻ” ra cho đời sau biết bao “truyện” Trương Chi khác.


Ở thời hiện đại ta thấy có hàng chục bài hát, hàng trăm bài thơ/kịch hát và nhiều truyện ngắn. Người ta gọi hiện tượng này là “viết lại”, vẫn nhân vật cũ nhưng được nhìn bằng góc nhìn mới, phú cho nhân vật những sức sống, quan niệm, ý nghĩa mới. Từ lý thuyết “liên văn bản” chắc sẽ khám phá ra nhiều mối liên hệ thú vị.

Hai câu ca dao tóm tắt thật cô đọng, khái quát mà nói lên được cả tình thế, hình thức nghệ thuật cơ bản của truyện: “Ngày xưa có anh Trương Chi/ Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay…”. “Thậm” có nghĩa là rất, là đầu mút của cực.

Ở đây là đầu mút của hai cực đối lập: quá xấu và quá hay. Dân gian đã gửi vào đấy triết lý về bi kịch: quá xấu về hình thức/ quá hay về nội dung. Quá nghèo về vật chất/ quá giàu về tinh thần. Quá si mê/ quá thất vọng… Dùng cái “quá” để triết lý về cái “vừa độ”, vừa đủ, vừa phải, “một vừa hai phải”…Tính cách Việt ưa cái vừa phải. Các câu cửa miệng người Việt hay nói “thái quá bất cập”, “già néo đứt dây”, “quá mù ra mưa”…Tức khuyên răn người ta làm việc gì, nói cái gì cũng vừa đủ, chừng mực…

Mỵ Nương tương tư tiếng sáo (tranh minh họa).

Chưa thấy ai phát hiện cái sự “chênh” giữa câu ca dao trên và nội dung truyện. Ca dao nói Trương Chi “hát” nhưng trong câu chuyện thì Trương Chi thổi sáo. Tưởng là “chênh” nhưng đặt trong chủ đề mới thấy cái lý của nó: hát hay thổi sáo cũng chỉ là một, là nghệ thuật. Điều này càng nói rõ hơn chủ đề của truyện là nói về bi kịch của nghệ thuật.

Có nhiều bài hát nhưng nhiều người coi nhạc phẩm của Văn Cao thành công nhất, day dứt, đau khổ, nhưng đẹp, cái đẹp não nùng nhưng không não nề: “Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân/ hò khoan mơ bóng con đò trôi/ giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi, lả lơi bên trời/ Anh Trương Chi, tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung/ Anh thương nhớ/ Oán trách cuộc từ ly não nùng/ Đò trăng cắm giữa sông vắng/ Gió đưa câu ca về đâu/ Nhìn xuống đáy nước sông sâu/ Thuyền anh đã chìm đâu!...”.

Truyện kể rằng Mị Nương là một cô gái xinh đẹp, con của một vị quan đại thần. Sống trong cảnh nhung lụa nhưng là cảnh cấm cung như bị tù đày. Người cha thương con bèn xây riêng cho nàng một ngôi nhà nhỏ trên bờ sông để nàngngắm cảnh.

Một hôm nàng văng vẳng nghe một tiếng sáo trên dòng sông. Tiếng sáo khi bổng khi trầm, véo von, réo rắt như mê hoặc. Đó là tiếng sáo của Trương Chi-một ngư phủ làm nghề đánh cá. Oái oăm thay, chàng Trương Chi lại có thân hình cực kỳ xấu xí, xấu đến mức không ai dám chơi, không ai dám nhìn. Hình như thế mà tiếng sáo của chàng càng hay, thổn thức như tâm tình, như giãi bày, như than thở. Tiếng sáo ấy là tiếng lòng của người khát khao được trao gửi…

Quá say mê tiếng sáo, muốn gặp người thổi mà không được, vì là gái cấm cung, dần dần nàng sinh bệnh. Người nhà tìm đủ mọi phương thuốc nhưng bệnh tình ngày một nặng thêm. Cuối cùng có vị lang gần đó mách cha nàng nguyên do và cách chữa…

Là người cực kỳ khắt khe bảo thủ nhưng thương con mà cha nàng phá lệ lệnh cho mời Trương Chi đến gặp. Theo thói quen, chàng thổi sáo. Tiếng sáo càng lại gần, Mỵ Nương càng thảng thốt, như ngây như dại, càng muốn gặp “tri âm”…

Nàng sắp được gặp nghệ sỹ của lòng mình!

Nhưng trái ngang thay ông trời! Thấy Trương Chi quá xấu, nàng bủn rủn, thất vọng khủng khiếp đến mức ngất đi. Tỉnh dậy thì tự nhiên khỏi bệnh!

Còn chàng Trương được gặp Mỵ Nương đẹp như người giời lại trong cảnh phong gấm rủ là…thì chiếc sáo rơi xuống. Chàng quay cuồng choáng váng vì lưỡi búa phũ phàng của thần ái tình. Chàng yêu Mỵ Nương…!!!

Dĩ nhiên chàng phải quay về với thân phận ngư phủ. Nhưng từ đấy tiếng sáo càng hay, càng não nề, thổn thức vì trong đó neo gửi cả nỗi đau thất tình. Một nỗi đau ai oán, ngậm ngùi, sâu thẳm, quyết liệt, dai dẳng…

Hình như trong mỗi chàng trai chúng ta đều có một Trương Chi nên thấu hiểu và thấu cảm cho nỗi đau của chàng, thông cảm nỗi đau tận cùng của một trái tim bị tổn thương. Nhưng nàng Mỵ Nương (và cả phái đẹp!) thì không. Vì nàng tỉnh táo và vô tình! Nàng vẫn muốn nghe và chỉ yêu tiếng sáo đau khổ kia chứ không yêu người thổi. Nàng đã hoàn toàn khoẻ mạnh! Về phương diện này nàng thua công chúa Tiên Dung trong thần thoại “Chử Đồng Tử”, dù có lá ngọc cành vàng, con gái vua Hùng nhất nhì thiên hạ mà vẫn lấy làm chồng người nghèo đến mức không có cả cái khố để mặc! Đó là mối tình đẹp nhất trong văn học trung đại Việt Nam. Bình đẳng nhất. Dân chủ nhất. Còn mối tình Trương Chi-Mỵ Nương là mối tình bi kịch ngang trái nhất.

Bi kịch của Trương Chi không lối thoát, bế tắc. Hai người quá xa nhau. Người quá đẹp, kẻ quá xấu. Nàng quá giàu, chàng quá nghèo. Một người cao sang vương giả con quan, một kẻ thứ dân mạt hạng dưới đáy. Chàng quá si mê, nàng quá tỉnh táo …

Chàng trai nào đã như Trương Chi sẽ thấy cái chết của Trương là tất yếu. Vì không thể sống thiếu tình yêu. Dù là ngư phủ, ở dưới nước như ở trên cạn nhưng chàng vẫn trầm mình xuống sông mà chết, càng cho thấy cái chết ấy quyết liệt, dữ dội. Chàng chết thật, chứ không như nhà văn nổi tiếng nọ miêu tả có phần hơi “phũ” rằng chàng “trật quần đái vọt xuống sông” như một cách rủa đời, chửi đời!

Hồn Trương Chi vất vưởng rồi nhập vào một cây bạch đàn rất đẹp. Mỵ Nương thích quá sai chặt cây ấy về tiện thành chén uống nước. Mỗi khi rót nước chén toả mùi thơm thoang thoảng thật dễ chịu, hình bóng Trương Chi hiện ra dưới đáy. Tiếng sáo ở đâu lại văng vẳng. Mỵ Nương thảng thốt. Nàng thương mình, thương người. Nước mắt nàng ứa ra. Một giọt rớt vào chén. Chén gỗ bỗng tan ra thành nước!!!

Câu chuyện là cả một khối mâu thuẫn lớn. Trương Chi quá xấu về hình thức nhưng lại có tâm hồn thật đẹp bên trong. Có vậy mới có thể có tiếng sáo làm rung động trái tim Mỵ Nương. Nàng Mỵ Nương đang tuổi yêu đương hừng hực xuân tình lại bị cấm cung. 

Có thể coi đây là ý nghĩa lên án sự vô nhân đạo trong xã hội phong kiến cấm đoán xưa. Nàng tương tư người thổi sáo vì vừa bị tiếng sáo mê hoặc và trong tưởng tượng của nàng, tương ứng với tiếng sáo ấy phải là người tài năng mã thượng, đẹp trai công tử. 

Không nên trách sự thất vọng của nàng, vì đã là người ai cũng thích, yêu cái đẹp. Cũng không thể trách nàng không yêu Trương Chi. Vì tình yêu là tự do…Nàng là người đáng mến vì biết thưởng thức, đam mê nghệ thuật, là người đáng phục vì biết thẩm định nghệ thuật đích thực. Những người như thế, ít nhất cũng là người tử tế!

Bìa truyện “Trương Chi - Mỵ Nương”.

Chàng Trương Chi đáng kính, đáng trọng, đáng phục vì đó là một tài năng nghệ thuật. Có trái tim và tâm hồn nghệ sỹ như thế thì chàng yêu Mỵ Nương cũng là tự nhiên. Chàng yêu mãnh liệt cũng thuận tự nhiên. Nhưng chàng chết là trái tự nhiên nên đáng thương, đáng tiếc. Bật toát ra một chủ đề: ước ao con người không bị rơi vào bi kịch. Không có tình huống nào là đường cùng. Đừng như Trương Chi!

Dưới ánh sáng văn hoá học hiện đại, có thể hiểu truyện phát sáng thêm những ý nghĩa mới.

Một là, vượt lên trên câu chuyện của sự giàu nghèo, đây là câu chuyện về nghệ thuật. Nó muốn nói người Việt xưa, dù nghèo nhưng có tâm hồn thật nghệ sỹ. Nghèo như chàng đánh cá Trương Chi cũng có tiếng sáo chinh phục lòng người.

Hai là, minh hoạ cho định nghĩa của các nhà Nho: “Thơ (nghệ thuật) cùng dễ hay”. Thơ là tiếng lòng nên thơ của những người cùng khổ thì dễ hay, cảm động. Từ góc nhìn này cho thấy tuy là cổ tích nhưng truyện được nhuận sắc của các nhà Nho.

Ba là chứng minh quy luật sáng tạo nghệ thuật thường mang tính mâu thuẫn. Mâu thuẫn càng quyết liệt càng cho ra đời tác phẩm hay. Càng sa vào mâu thuẫn, tiếng đàn Trương Chi càng hay.

Bốn là, nghệ thuật đích thực là tiếng lòng chân thành của nghệ sỹ thì bao giờ cũng có “tri âm”, có người thưởng thức.

Năm là, nhu cầu đối thoại. Trương Chi sống “cấm cung” giữa cuộc đời, không giao tiếp được với ai nên tiếng sáo là hiện thân của khát khao đối thoại với cuộc đời. Đối thoại là gặp gỡ, chia sẻ, giãi bày. Khát khao gặp người thổi sáo tức Mỵ Nương cũng khát khao đối thoại. Không được như thế nên nàng ốm. Tình yêu là đối thoại. Không được yêu nên Trương Chi chết.

Sáu là, truyện cổ bao giờ cũng chứa những mã phong tục. Chi tiết nước mắt Mỵ Nương nhỏ vào cốc, cốc liền biến thành nước là phái sinh từ tục kiêng: người sống không được rỏ nước mắt vào người chết.

Hẳn nhiên là còn nhiều ý nghĩa nữa, xin mời bạn!

Nguyễn Thanh Tú
.
.