Chiếc nón Huế nào cho nhà thiết kế?
Phải thừa nhận, nếu chỉ nhìn một bức ảnh, quả là chúng ta sẽ thấy phản cảm, thấy đúng là ba chữ cái H-U-E kia như bộ sừng của con tuần lộc vậy. Nhưng ít người trong chúng ta lại được chứng kiến trực tiếp những chiếc nón ấy trong buổi tối Lễ Tế tổ bách nghệ, sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế.
Và khi không được chứng kiến trực tiếp nên chúng ta khó có quyền phủ nhận điều mà nhà thiết kế Minh Hạnh đã nói đại ý là 3 chữ cái H-U-E được gắn đèn led để tạo hiệu ứng lung linh trong đêm cố đô.
Song, vấn đề chính chúng ta cần khai thác từ câu chuyện này lại không phải là hiệu ứng đèn led trên ba chữ "HUE" kia đẹp hay lại chẳng khác gì bộ sừng tuần lộc dính lân tinh. Chúng ta nên quan tâm đến một chi tiết khác hơn, một cá nhân duy nhất: Nhà thiết kế Minh Hạnh.
Không thể phủ nhận những đóng góp rất lớn của nhà thiết kế Minh Hạnh cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam ở thời kỳ mới mở cửa nhưng chúng ta cũng có quyền khẳng định rằng không một cá nhân kiệt xuất nào có thể không cùn mòn ý tưởng khi năm này qua năm khác chỉ làm đạo diễn cho đúng duy nhất một chuỗi chương trình.
Và nếu chúng ta dùng từ khoá "nhà thiết kế Minh Hạnh + Festival Huế", ta sẽ giật mình khi thấy chị này liên tục làm đạo diễn cho các kỳ festival Huế (năm chẵn), festival nghề truyền thống Huế (năm lẻ) từ cả gần hai chục năm nay rồi. Không lẽ Minh Hạnh là "dị nhân kiệt xuất" luôn có thể làm mới chính mình với sáng tạo dồi dào mà ngay cả tuổi trẻ sung sức cũng phải bó tay? Hay là ở Việt Nam thiếu người tài năng đến độ chẳng còn đạo diễn nào, nhà thiết kế áo dài nào hơn Minh Hạnh?
Nếu cả hai câu hỏi trên đều cho đáp án rằng "Minh Hạnh không thể không cùn mòn và lực lượng đạo diễn ở Việt Nam vẫn rất dồi dào, tài năng" thì chắc chắn phải đặt câu hỏi mới "Có chiếc nón Huế ưu đãi nào mà BTC dành riêng cho nhà thiết kế Minh Hạnh hay không?".
Nếu theo dõi các sự kiện văn hoá kéo dài, điển hình như festival Huế, chúng ta sẽ thấy rõ sự nhàm chán ở các tiết mục gắn liền với áo dài của Minh Hạnh. Và chúng ta chắc chắn sẽ băn khoăn hơn nữa khi biết rằng hiện nay có rất nhiều nhà thiết kế áo dài trẻ trung và tài năng hơn hẳn. Vậy thì có chăng chuyện Minh Hạnh được ưu ái lưu dung cũng chỉ vì cái gốc Huế của chị?
Như vậy, tính hiệu qủa của một festival tầm vóc quốc gia, mở cửa cho khách quốc tế, sẽ chắc chắn bị chi phối bởi tính địa phương thủ cựu mất rồi.
Ở một góc độ khác, có lẽ chính bản thân nhà thiết kế Minh Hạnh cũng nên biết rút lui, biết để cơ hội cho người trẻ hơn, sáng tạo hơn kế tục vị trí của mình ở các kỳ festival Huế. Có như vậy chị mới có không gian và thời gian để nuôi nguồn cảm hứng sáng tạo cho mình. Chứ cứ cố đấm ăn xôi kiểu này, chính Minh Hạnh mới là người mất nhiều nhất.