Cháy bỏng giai điệu về người làm báo
- Tâm sự người làm báo
- Sứ mệnh của người làm báo đầy tự hào nhưng cũng vô cùng vất vả
- Xây dựng đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng
Bằng tài năng, cảm xúc và trách nhiệm của mình, các nhạc sĩ đã chuyển tải tâm tư, tình cảm của các “chiến sĩ trên mặt trận thông tin” vào khuông nhạc một cách mềm mại, uyển chuyển để người nghe thêm hiểu, cảm thông về công việc lặng thầm nhưng vô cùng quan trọng này.
Khi tôi đang gõ những dòng chữ này đêm đã về khuya nhưng cái oi nóng ngoài kia vẫn hầm hập qua bức tường hắt vào, mặt đất hắt lên khiến tôi như muốn dừng hết mọi công việc. Thế rồi lời ca “Tôi tự hào với nghề của tôi/ Ôi! Nghề báo đầy nhọc nhằn vất vả/ Ngày dài đêm thâu trải lòng trên con chữ/ Luôn cảm thấy mình mắc nợ với thời gian…” (“Tự hào nghề báo tôi yêu” - nhạc: Đình Thậm, thơ Thuận Hữu) ùa về như “cơn gió mát” vội qua trong tôi khiến những tiếng gõ trên bàn phím ngày càng dồn dập hơn, mạnh mẽ hơn.
Lại nhớ cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ, NSƯT Đình Thậm cách đây không lâu, ông đã kể cho tôi nghe về tình bạn thân thiết giữa ông với Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu mà đó là “chất xúc tác” để giai điệu của “Tự hào nghề báo tôi yêu” vang lên “chiếm lĩnh” tình cảm của người nghe trong suốt gần 20 năm qua.
Nhạc sĩ, NSƯT Đình Thậm – tác giả ca khúc “Tự hào nghề báo tôi yêu” (phổ thơ Thuận Hữu). |
Một ca khúc khác cũng dựa trên ý thơ của nhà báo Thuận Hữu, đó là “Nghề báo tôi yêu” của nhạc sĩ An Hiếu. Bài hát đã sử dụng chất liệu bán cổ điển, âm vực không quá rộng. Cách chuyển tải thể hiện sự sang trọng trong âm nhạc, nhưng cũng rất dễ nghe, dễ tiếp cận với khán giả. Bài hát được anh viết nhân một chương trình kỷ niệm của Báo Tuổi trẻ Thủ đô nên giai điệu khá trẻ trung, phù hợp với giới trẻ.
Bài hát như lời tâm sự của người làm nghề về công việc của mình và mong muốn nghề báo sẽ đạt tới giá trị nhân văn, tốt đẹp trong xã hội: “Tôi yêu nghề báo rất nhiều/ Nhọc nhằn thế nhưng đầy niềm vui/ Lòng thấy như mình mắc nợ/ Cùng thời gian bên trang báo thơm…”.
Cũng trên quan điểm ấy nhưng có một ca khúc lại được viết từ chính cảm xúc của một nhà báo, đó là ca khúc “Tâm sự người làm báo” của Tiến sĩ Phạm Việt Long. Dù Tiến sĩ Phạm Việt Long được biết đến với công việc như viết văn, làm thơ, quản lý xuất bản… nhưng vốn dĩ ông xuất thân là một nhà báo chiến trường của TTXVN và hiện nay khi đã ở tuổi 75 vì quá yêu, quá nhớ nghề nên ông vẫn tiếp tục làm “chủ bút” Tạp chí Văn hóa và Phát triển.
Nhạc sĩ “tay ngang” Phạm Việt Long có cách vào đề khá ấn tượng: “Giữa biển đời mênh mông cuộn sóng/ Tôi vững tin vào nghề tôi sống/ Nghề tôi yêu gắn bó suốt đời/ Giản dị thôi đó là nghề báo/ Người làm báo đi khắp nhân gian tìm sự thật/ Người làm báo thu hết bão giông vào thân mình...”. Ông chiêm nghiệm 2 điều về nghề, đó là tìm sự thật và dám đương đầu với mọi thử thách để nói lên sự thật. Tôi nhớ có lần đã hỏi ông về sự ra đời của ca khúc này, ông cười bảo, đó là cảm xúc đến một cách bất chợt cho một hành trình dài gắn bó máu xương với nghề báo.
Nhà báo được xã hội ưu ái đặt cho những cái tên khá ấn tượng mà chỉ nghe qua đã thấy trọng trách được đè nặng trên đôi vai nhưng nhạc sĩ Xuân Nghĩa (người từng có thời gian làm việc tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Người tiêu dùng) lại ví là “Như hoa không tên”. Đây là ca khúc anh viết năm 2010 nhân chuyến đi sáng tác thực tế của đoàn nhạc sĩ từ TP. Hồ Chí Minh ra Bắc.
Trong suốt cuộc hành trình đó, phóng viên My Lăng của Báo Tuổi Trẻ cũng đi theo và âm thầm đưa tin về các hoạt động của đoàn. Anh đã xâu chuỗi tất cả những việc mà My Lăng trải qua, từ việc viết bài khen đến bài chê, được tiếp đón đến bị hắt hủi, thậm chí phải hóa thân vào những việc mà người tử tế không muốn làm, đến những cám dỗ đầy nguy hiểm phía sau.
Trong bài hát có hình ảnh quyển nhật ký, đây là đặc điểm của người phóng viên. Nếu như quyển nhật ký thường để tâm sự đời mình, thì quyển nhật ký của người phóng viên chỉ toàn chứa chuyện đời người: “…Như hoa không tên điểm tô bờ suối vắng/ Không lung lay dù gió táp và mưa gào/ Không kiêu sa khi bên cúc lan hồng/ Hòa mình vào mà không nhuốm thay màu…”
Nhà báo Minh Châu (công tác tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam) tham gia Liên hoan tiếng hát toàn quốc người làm báo Việt Nam mở rộng lần thứ VI – năm 2018. |
Bên cạnh những ca khúc về nghề báo nói chung, còn có những ca khúc ca ngợi cơ quan báo chí mà các nhà báo đang công tác, tiêu biểu có thể kể đến là “Dòng sông trên cao” của nhạc sĩ Trần Nhật Dương (thơ Tạ Toàn). Hai tác giả là những nhà báo có thời gian dài gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm nên giai điệu mang sự tri ân sâu sắc: “Có một dòng sông, dòng sông trên cao/ Thanh bình như dòng sông quê mình/ Dịu dàng ru vành môi ngọt ngào/ Ru vần thơ theo gió, hòa nhịp cùng tiếng hát năm châu/ Có một dòng sông, dòng sông trên cao/ Ấm lòng người dân nước Việt/ Nhịp cầu nối muôn triệu trái tim/ Kiêu hãnh tự hào Tiếng nói Việt Nam...”.
Những lời hát cất lên từ sự đồng cảm, từ một tình yêu chung của những con người đã gắn bó, cống hiến cho sự phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam trên nền nhạc vừa nhẹ nhàng, da diết lúc mở đầu, vừa mạnh mẽ như những đợt sóng dâng trào dần lên, vừa trữ tình sâu lắng, chất chứa tình yêu ở những khúc lắng trầm.
Nếu như những người làm báo phát thanh tự hào hát vang lên ca khúc “Radio kết nối tin yêu” của nhạc sĩ, nhà báo Quỳnh Hợp (nguyên biên tập viên, MC Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh) thì những người làm báo truyền hình cũng đầy hứng khởi khi hát ca khúc “Lên sóng” của nhạc sĩ Đỗ Bảo.
Lấy cảm hứng từ công việc thường ngày, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã khởi xướng bất chợt những nốt hòa âm ca ngợi công việc của những người làm chương trình radio kết nối để người nghe cảm nhận được phần nào “chuyện bếp núc” cũng như định hướng kết nối người nghe của ê-kíp biên tập viên, MC. Tương tự như vậy, nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng đã tâm sự về “chuyện bếp núc” của những người làm truyền hình với nhiều công đoạn khi lên hình và luôn đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ ở mức cao nhất.
Liên tưởng đến hình ảnh đốm lửa của nhà soạn nhạc Beethoven như đã nói ở trên, tôi lại nhớ đến một ca khúc ý nghĩa về người làm báo của nhạc sĩ Đức Giao (phổ thơ Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa) mang tên “Bài ca cây đuốc lửa”: “Có những con đường ra đi từ trái tim/ Có những con người vì Tổ quốc hiến dâng/ Là nhà báo, là người chiến sĩ, người chiến sĩ tình nguyện chiến đấu vì nhân dân/ Mỗi dòng viết một ước mơ/ Mỗi dòng viết một mũi tên/ Nơi xa xôi hiểm nguy anh có mặt/ Vì con người, anh dâng cả đời anh…”.
Đúng vậy, nhà báo như những cây đuốc lửa rực sáng niềm tin, ý chí và tinh thần không ngại khó, không ngại khổ dấn thân vì những tác phẩm báo chí “đúng, trúng, hay” phục vụ tốt nhất nhu cầu của công chúng.
Thực tế cho thấy báo chí và âm nhạc luôn song hành cùng nhau trong sự phát triển của đất nước, vì mục đích chung là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Trong sự song hành ấy lại có sự đắp bồi, tôn vinh lẫn nhau, nếu báo chí ca ngợi âm nhạc bằng từ ngữ thì âm nhạc ca ngợi báo chí bằng nốt nhạc, lời ca.