Câu đầu và câu kết

Thứ Sáu, 12/06/2020, 08:27
Có người viết đã nói rằng, câu mở đầu khó nhất vì nó quyết định toàn bộ giọng điệu của tác phẩm. Viết được câu mở suôn sẻ coi như đầu xuôi, đuôi lọt. Chưa chắc, tôi thấy nhiều câu mở đầu tốt nhưng câu kết lại quá chán, quá dở. Theo tôi, cả câu đầu và câu kết có độ quan trọng ngang nhau, thậm chí câu kết mới là câu quan trọng bậc nhất.

Quá chú trọng vào khởi động, mở đầu nên nhiều tác phẩm rơi vào tình trạng đầu voi đuôi chuột. Mở đầu hăm hở, khí thế lắm mà nhiệt tình cứ suy giảm dần, càng đọc về sau càng thấy nhạt. Sự mở đầu khái quát những vấn đề lớn lao nhưng sự diễn giải sau đó không theo kịp nữa.

Người đọc thấy tác giả rơi tự do sau ba trang đầu hoặc ba mươi trang, từ trang thứ ba mốt trở đi, bỗng nhiên thấy tác phẩm nhẹ bẫng không chịu nổi. Tác giả hình như đã trở thành người khác, hoàn toàn kém cỏi sau sự nhiệt tình ban đầu mà không chuẩn bị kĩ lưỡng cho những cú chạy tiếp theo.

Tất nhiên, các cây bút sừng sỏ thì luôn giữ vững được nhịp điệu, họ không những chuẩn bị cho câu đầu tiên kĩ càng mà thậm chí đã nghĩ đến câu kết, có thể không thật cụ thể chính xác nhưng đã ước chừng được, cảm nhận được nó và cứ nhẩn nha tiến đến vạch đích.

Những bài học nông thôn.

Trong sự biến thiên và thay đổi ở quãng giữa thì mạch và trục chính vẫn phát triển theo định hướng dù có lúc mạch truyện, mạch văn nó tạt ngang, tạt ngửa hoặc ngoặt hẳn vào một hẻm nào đó nhưng với sự vững vàng, con đường chính vẫn được tiếp tục và vận động theo hướng đã định. Trong  lịch sử văn học thế giới và ở nước Việt, có những câu mở đầu rất lừng danh, ta hãy xem qua vài ví dụ. Đây là câu mở đầu của “Anna Karenina” của Lev Tolstoy, tác phẩm được coi là hay nhất của văn hào người Nga và thậm chí của toàn bộ văn chương thế giới:

“Mọi gia đình sung sướng đều sung sướng giống nhau, còn mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo một cách”.

Câu mở đầu tác phẩm của Lev Tolstoy đã trở thành kinh điển, không những khái quát toàn bộ tác phẩm về cuộc đời hạnh phúc và bất hạnh của hai tuyến nhân vật song song, đặc biệt nhấn mạnh vào tuyến bất hạnh của nàng Anna Karenina mà thậm chí, nó còn tổng kết giá trị của mọi gia đình.

Còn đây là những câu mở đầu của “Chí Phèo”, kiệt tác của Nam Cao:

“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!” Không ai lên tiếng cả.”

Câu mở đầu và đoạn mở đầu của Nam Cao quá xuất sắc, nó báo trước cuộc đời và bi kịch của Chí Phèo, một tiếng chửi để đời và tác giả cũng không giấu sự thương cảm pha vị đắng cay cùng một chút hài hước trong đó.

Tôi muốn dẫn ra một ví dụ thứ ba, cũng rất nổi tiếng, lời đề dẫn của truyện ngắn “Những bài học nông thôn” của Nguyễn Huy Thiệp:

“Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn…”

Câu này khái quát bản chất của truyện, cũng là câu điển hình cho nguồn gốc của rất nhiều người Việt với đặc tính căn bản thuộc về nông thôn và nông dân.

Tại sao câu mở đầu quan trọng như vậy, người ta nói rồi, để quyết định  giọng điệu của câu thứ hai, thứ ba, thậm chí là toàn bộ tác phẩm. Người Việt từng khái quát hiện tượng này bằng một câu rất cô đọng:

“Vạn sự khởi đầu nan.”

Quả là bật ra cái từ đầu tiên, cái câu khởi thuỷ là rất khó khăn. Có khi ý tứ tràn trề ra cả rồi đấy mà không bắt đầu nổi, không biết làm thế nào cho nó êm xuôi, hấp dẫn. “Hấp dẫn?”. Chính sự đòi hỏi hấp dẫn khiến người viết phải suy nghĩ mông lung, làm sao cho tác phẩm của mình gây ấn tượng ngay từ phút đầu tiên, dòng đầu tiên.

Điều ấy chính là nghĩ đến bạn đọc.

Tác phẩm Chí Phèo.

Bạn đọc sẽ quyết định đọc tiếp tác phẩm sau những dòng đầu tiên hay bỏ giữa chừng hoặc không bao giờ nhìn nó nữa. Những câu đầu tiên gây ấn tượng sẽ lôi cuốn độc giả, khuyến khích và kích thích họ đọc tiếp hoặc ít nhất sẽ tạo ra một cảm giác tin tưởng để quyết định việc đọc ở những lúc thích hợp.

Tất nhiên đó là với những độc giả thông thường và thiếu kiên nhẫn, ta thường thấy một mẫu độc giả kiểu này: Đọc vội ngay mấy câu đầu tiên rồi nhanh chóng giở ngay trang cuối xem cái kết, xem xong hai chỗ đó mới quyết định có mua sách hoặc đọc tiếp hay không.

Tôi không bao giờ khuyến khích những độc giả “nông nổi” cỡ ấy, họ quá trẻ con và thiếu kiên nhẫn. Đọc sách là một quá trình nhâm nhi và “tự sướng”, thậm chí với những tác phẩm hay người ta còn đọc dè sẻn, rất chậm, sợ nó mau kết thúc quá thì phí cả một bữa tiệc ngon. Một người bạn của tôi kể rằng cô không bao đọc cái kết ngay, khi sách còn độ năm, ba trang cô bỏ lửng ấy và đợi khi nào thật thoải mái, tĩnh tâm mới đọc tiếp. Nhưng cũng phải rõ ràng rằng, mở đầu quá dở thì diễn tiến và kết thúc cũng khó lòng hay được. Nhưng cũng có những ngoại lệ, có những người khởi động rất chậm và thiếu nhiệt tình nhưng càng viết càng hăng, càng say, giữ được nhiệt huyết cho đến hết. Và cũng có kiểu tác giả như tôi nói ở đầu, khởi động là một cú đại bác vang động nhưng kết thúc là một viên đạn súng trường bắn xịt!

Nuôi dưỡng cái mạch truyện, mạch viết cho hào hứng hấp dẫn đến tận câu cuối cùng là điều rất khó và thử thách. Ta thường xuyên gặp những cú thất bại và không riêng gì văn học, điện ảnh cũng vậy. Rất nhiều bộ phim đoạn đầu, tập đầu cực ấn tượng nhưng rồi kết thúc trong mờ nhạt thiếu sinh khí, phí cả sự công phu ban đầu đi.

Thế nên tôi mới nói, thực chất câu kết, đoạn kết còn khó và quan trọng hơn câu mở đầu. Có thể cả truyện là một bầu khí quyển nhàn nhạt nhưng đến câu kết bỗng bừng sáng và lấp lánh. Đôi khi người viết cài cắm để đến tận lúc kết mọi thứ mới ngã ngũ và sáng tỏ tinh thần của truyện. Cái kết hay có thể cứu được câu chuyện dở hoặc làm cho tác phẩm dư âm thêm gấp bội. Bởi thông thường, sau khi đọc đến hết, người ta sẽ không còn nhớ câu đầu tiên như thế nào nữa nhưng câu kết là một cú kết luận ngay tức khắc. Người đọc sẽ bị ám ánh, dư âm, thỏa mãn sự chờ đợi hoặc thất vọng ở đúng điểm đó. Câu kết là một cú đánh cuối cùng, kết luận sự thành bại của tác phẩm hoặc ít nhất là đòn nặng kí phóng ra. Câu kết, cái kết ấn tượng sẽ lưu trong lòng độc giả rất lâu và nó là dư âm, hậu vị của một món ngon mà không phải khi nào ta cũng được thưởng thức.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng tôi liên tưởng tới điều này, sự âu yếm nâng niu với người đàn bà sau khi ân ái xong thậm chí còn quan trọng và dư âm hơn cả quá trình anh đàn ông ra sức thể hiện bản lĩnh của mình. Cũng giống như chăm sóc khách hàng sau khi bán hàng, sự hậu mãi thậm chí quan trọng hơn cả bán hàng, người bạn ra đi sẽ nhớ mãi bạn mình ra tận cổng để đưa tiễn hoặc đưa chân mấy dặm đường mới chịu quay về.

Nhưng nhiều người không chú trọng đến cái kết, không đầu tư chăm chút tới nó, không nghĩ tới, thậm chí để nó tự diễn tiến ra sao thì ra. Hoặc quá trình lao động ban đầu đã dồn quá nhiều sức lực, không biết phân chia năng lượng cho đều, đến đoạn kết thì đã kiệt sức, không gắng gượng được nữa. Và thế là cả quá trình lao động ban đầu thất bại hoặc thấy rõ sự hao hụt, yếu kém ở đoạn nước rút. Tôi làm biên tập truyện ngắn nhiều năm và nhìn thấy rất nhiều thất bại kiểu này, đôi lúc không cưỡng lại sự non yếu của một cái kết, tôi đã trao đổi lại với tác giả để sửa lại sao cho hợp lí và có sức nặng. Một tác phẩm từ lúc khởi đầu cho đến gần cuối đều ổn, đến câu kết, đoạn kết lại hụt hơi là điều rất uổng phí. Thông thường người ta rất ít sẩy chân với câu mở đầu nhưng đoạn kết, câu kết thì rất dễ thất bại, thậm chí thất bại là điều phổ biến.

Những cây bút lão luyện thường rất biết điều tiết cái kết sao cho có sức nặng, sự nuôi dưỡng sức lực, phục kích, tạo điểm chốt hoặc xoay ngược tình huống là thủ pháp được rất nhiều người ưa thích. Cái kết có hậu (happy end) thường dành cho độc giả số đông, cái kết mở thường dành cho một lượng khác, cái kết truy vấn thường thấy ở những tay viết biến hóa và cái kết bất ngờ là một phong cách ngày càng được ưa thích.

Anna Karenina.

Dù sao, tôi đã dẫn ra ba ví dụ ở câu mở đầu ở ba tác phẩm kinh điển thì đến đây cũng phải dẫn ra câu kết để đánh giá chúng.

Câu kết trong “Anna Karenina”:

“…Nhưng bất luận mọi điều có thể xảy đến, đời mình, cả cuộc đời mình, từng giây, từng phút, từ nay không còn trống rỗng vô nghĩa nữa, mình đã thấy được ý nghĩa hiển nhiên và có thể đưa vào làm cho cuộc sống trọn vẹn: ý nghĩa của điều thiện”.

Câu kết trong “Chí Phèo”:

“ - Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào?

Ðột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua..”.

Câu kết trong “Những bài học nông thôn”:

“Tôi cứ đi, đi mãi. Tôi băng qua cánh đồng, qua dòng sông. Mặt trời bao giờ cũng ở phía trước mặt tôi.

Tôi còn nhớ mãi... Năm ấy tôi mười bảy tuổi. Xóm Nhài, thôn Thạch Đào, tỉnh N”.

Thể nào, câu kết như thế bạn vẫn chưa hài lòng sao?

Uông Triều
.
.