“Cảnh khuya”, từ Trần Nhân Tông đến Hồ Chí Minh
Bài thơ “Trăng” của Trần Nhân Tông có từ thế kỷ 13, mà vẻ đẹp, cái hay của thi phẩm dường như vẫn còn nguyên vẹn. Thơ này thuộc thể tứ tuyệt, vốn ít chữ kiệm lời, nếu tình, ý không vượt ra được bốn câu thì coi như tác phẩm chưa thành công.
Ánh sáng của bài thơ ngân tỏa xa hơn, rộng hơn cái không gian cụ thể mà thi sĩ Trần Nhân Tông đã miêu tả thấu đạt trong tác phẩm. Bán song đăng ảnh mãn sàng thư/ Lộ trích thu đình dạ khí hư/ Thủy khởi châm thanh vô mịch xứ/ Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ (Phiên âm từ chữ Hán). Nghĩa của bài thơ là: Bóng đèn soi nửa cửa sổ, sách đầy giường. Sương thu rơi ngoài sân, ban đêm khí trời thoáng. Thức dậy, tiếng chày đập vải không biết ở nơi nào. Bóng trăng vừa hé giọi trên chùm hoa mộc. Đây là bản dịch của nhóm Lê Quý Đôn: Bên song đèn rạng sách đầy giường/ Khí lạnh đêm thu đượm giọt sương/ Thức dậy tiếng chày đà lặng ngắt/ Trên chùm hoa mộc nguyệt lồng gương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày còn ở chiến khu Việt Bắc. |
Câu thơ mở đầu đã được khai sáng với bóng đèn soi nửa ô cửa sổ, soi tỏ những cuốn sách đặt trên giường. Đèn và sách mách dùm ta trí tuệ và sự ham học hỏi, ham hiểu biết của một bậc trí giả. Người đọc sách thâu đêm, mới thiêm thiếp đã bừng tỉnh dậy. Cái sự đọc này là tự giác, tự nguyện, đọc là học, học để thấu tỏ thêm phần nào thiên-địa-nhân, học để suy ngẫm tìm ra phương sách kế lược giữ nước và dựng nước sau mấy lần chống giặc dữ phương Bắc thành công nhưng chưa thể lơ là mất cảnh giác được.
Sách như ánh đèn khai sáng mở mang thêm vốn hiểu biết tri thức cho con người, dù làm đến chức gì, ở bậc nào trong xã hội cũng cần phải đọc. Trong sách chứa đựng những pho kinh nghiệm, những kho kiến thức của nhân loại, nó thực sự cần thiết với mọi người, kể cả Quốc chủ rồi Phật hoàng như Trần Nhân Tông.
Cảnh đêm về khuya hiện ra yên tĩnh bởi nghe rất rõ tiếng sương mùa thu rơi trên mặt sân đầy xác lá. Nếu như sân là nền đất không lại bị ẩm bởi tiết thu thì giọt sương rơi chắc không phát ra thành tiếng.
Đấy là một không gian thoáng đãng, dễ làm cho lòng người thảnh thơi, hòa nhập. Không bước ra khỏi nhà mà thi sĩ Trần Nhân Tông đã nhìn thấu, nghe thấu, cảm thấu cái sâu lắng, thoáng đạt trong tĩnh lặng của trời đất bao la, núi non trùng điệp. Hay là, tất cả đã có trong sự tự tại, thung dung của Người. Có lẽ, đó là sự giao hòa giữa người với cảnh, rất gần gũi thân thiện.
Khuya rồi, thiên hạ chìm vào giấc ngủ hết, kể cả thường dân có công việc về đêm. Tỉnh giấc, bâng khuâng nhớ tới tiếng chày đập vải đầu hôm, mới hay lòng Người thương yêu dân lành biết mấy. Âm thanh lao động vất vả ấy đọng sâu vào tâm trí Người dù bây giờ nó đã vô mịch xứ, không biết ở chốn nào rồi. Dịch: tiếng chày đà lặng ngắt, tôi thấy đúng nhưng chưa hay, chưa ôm trùm được cái ý, cũng gần như một câu hỏi tu từ châm thanh vô mịch xứ của nhà thơ.
Tiếng chày đập vải không biết ở nơi nào; nghe rõ lắm những cảm thông, thương mến, chia sẻ của bậc tâm minh, đức độ vô song với người lao động. Tất cả, từ miếng ăn đến tấm mặc đều do họ - những dân thường thức khuya dậy sớm dãi nắng dầm mưa ấy làm nên. Những bậc cao sang quyền quý xưa nay, có mấy ai đồng cảm, thấu hiểu và biết trân trọng công sức người lao động như thế.
Và, cho đến giờ thì “nhân vật chính” của thi phẩm này mới hiện ra với vẻ đẹp thuần khiết của nó như ta đã nói: Trăng thượng huyền. Câu kết là một câu thơ tả cảnh thật tinh diệu và gợi cảm. Mảnh trăng hao khuyết sau rằm vừa hé ra giọi ánh sáng dìu dịu xuống chùm hoa mộc đẫm sương.
Ý tứ được gửi gắm trong câu thơ đó đầy nhân văn. Không tràn trề, cũng không sung mãn như rằm trăng, bóng nguyệt muộn mằn vẫn quên đi sự vơi khuyết của mình để rọi sáng cho chùm hoa bé nhỏ. Cái cao xa không còn cao xa nữa. Sự bình thường bé mọn đã được dọi sáng. Trên dưới hài hòa.
Bác Hồ viết bài “Cảnh khuya” vào cuối thu năm 1947. Lúc này cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã bước qua năm thứ 2 và có nhiều thử thách gian nguy mới. Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Đấy là sự hài hòa, giao thoa tuyệt vời giữa cảnh với người, giữa chủ thể với khách thể, giữa thơ-họa-nhạc để tạo nên một thi phẩm hay.
Khởi đầu là một sự nghe. Nghe tiếng suối rừng chảy trong đêm khuya khoắt. Đêm rừng tĩnh mịch sâu lắng nên tiếng suối vọng vào càng rõ, càng trong. Nhà thơ Hồ Chí Minh nghe tiếng suối khuya bằng tâm hồn nên mới lắng hết tiếng hát xa của dòng nước trong nguồn chảy ra. Tiếng hát xa ấy là giai điệu trong trẻo của núi rừng, của đất nước và sao ta không nghĩ đó là tiếng mẹ hát ru thời ấu thơ nhỉ. Từ xa biểu thị khoảng cách không gian nhưng trong hoàn cảnh nào đó thì nó cũng có thể là thời gian đã qua.
Tuổi thơ đã xa nhưng những kỷ niệm về mẹ vẫn còn vẹn nguyên da diết hiện lên cùng tiếng suối đầu nguồn. Lòng người thanh cao sáng ngời, không hề vẩn đục mới nghe được tiếng suối trong như tiếng hát xa như thế. Tiếng suối trong như tiếng hát xa ấy là “điệu tâm hồn” thiết tha của nhà thơ Hồ Chí Minh, là bản nhạc ngân lên từ trái tim Người.
Trăng, cây, hoa. Những đối tượng miêu tả quen thuộc trong thơ cổ. Có thể là cảnh thực, có thể là ước lệ. Trong “Cảnh khuya” thì đó là thực nhưng cái thực đã được ảo hóa và mang nét riêng gần gũi. Hầu như không có sự ngăn cách xa biệt nào giữa người với cảnh. Trong cảnh có tình người, sâu sắc thương mến lắm. Thế mới có sự chan hòa đồng điệu giữa trăng và cổ thụ, bóng và hoa. Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa. Từ lồng đắc địa vô cùng. Xưa - nay, cũ - mới, thực - ảo lồng vào nhau; trời đất - cây cỏ - con người lồng vào nhau trong sự thân thiện ấp iu chia sẻ đồng cảm.
Toát lên cái vị thế của chủ thể từ sự thấu hiểu được mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân khi vận dụng suy xét vào cái Thời - Lợi- Hòa của cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta. Tuy nhiên, đây không phải là kiểu thơ tức cảnh sinh tình bởi lòng yêu nước thương dân đã có sẵn trong Bác. “Cảnh khuya” chỉ là cái nền để Người thổ lộ tấm lòng của mình đối với Tổ quốc, với đồng bào yêu dấu mà thôi.
Hai câu thơ cuối cho ta thấy rõ hơn, sâu hơn cái Tâm ngời sáng của lãnh tụ. Bác đã có bao đêm không ngủ vì thương nước, thương dân. Hình ảnh đất nước, dân tộc, nhân dân luôn ở trong trái tim Hồ Chí Minh. Lo cho dân tộc được hòa bình, độc lập tự do, lo cho mỗi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành là nỗi lo lớn nhất canh cánh trong lòng Bác.
Cảnh khuya hiện ra mồn một như sự thao thức của lãnh tụ, là bức tranh vẽ tâm trạng của Người. Cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc đang ở trong giai đoạn cam go. Nỗi nước nhà là mối lo toan lớn nhất của Người, không chỉ một đêm, không chỉ một ngày mà suốt cả cuộc đời Hồ Chí Minh.
Hai bài thơ có mẫu số chung là tình yêu thiên nhiên, yêu nước thương dân nồng nàn. Cũng là thơ tứ tuyệt, cả hai thi phẩm đều đạt tới độ Ý tại ngôn ngoại. Từ bức tranh khuya được phác họa lên bằng thơ, cái tình cái chí của những Minh chủ-Lãnh tụ hiện lên sáng đẹp. Cái đẹp mang tầm vóc Trần Nhân Tông - Hồ Chí Minh.