Cận thận bị “tước mạng tịch”

Thứ Năm, 06/09/2018, 08:41
Khi đội tuyển Olympic Việt Nam chuẩn bị ra sân gặp OIympic Syria ở vòng tứ kết ASIAD 2018, trang fanpage facebook có tên Vietnam Football với hơn trăm ngàn người theo dõi (followers) và đã tồn tại từ 7 năm nay bỗng nhiên bị khai tử. Quản trị của trang bàng hoàng khi một sáng thức dậy, trang của họ không còn một dấu vết.


Khiếu nại lên facebook, họ nhận được thông báo rất ngắn gọn, đại ý trang có những video vi phạm về bản quyền nên vì thế bắt buộc facebook phải gỡ bỏ.

Quản trị trang Vietnam Football tá hoả thành lập 1 fanpage mới, huy động các thành viên cũ cho đợt "chuyển nhà" rầm rộ và tất nhiên, giữ một ý thức nghiêm cẩn hơn về chuyện sử dụng hình ảnh video, kể cả là các hình ảnh dùng chính điện thoại quay lại từ màn hình TV những tình huống trong các trận đấu. Chỉ cần đưa 1 hình ảnh như vậy lên trang, facebook sẽ có nhắc nhở ngay theo kiểu "video của bạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bạn có đồng ý xóa bỏ nó ngay hay không?".

Quanh quãng thời gian trang Vietnam Football bị khai tử, có hàng loạt tài khoản facebook cá nhân khác cũng bị rơi vào tình huống tương tự. Ví dụ như 1 phóng viên thể thao có tiếng ở Hà Nội chẳng hạn. Một ngày đẹp trời, tài khoản facebook của anh đã bị xoá sổ chỉ vì cách đó nhiều năm, anh có sử dụng vài video vi phạm bản quyền.

Hay như ca sỹ Hương Tràm chẳng hạn, tài khoản facebook của cô cũng đang bị "tạm treo" vì cần xác minh lại vài video trước kia có vi phạm bản quyền hay không. Tất cả những ví dụ đó cho chúng ta nhận thấy rằng đang có một đợt "thanh trừng" "mạng tịch" của facebook và chắc chắn, đợt thanh trừng ấy sẽ còn lan rộng ra ở cả nhiều trang mạng xã hội khác nữa như twitter, instagram…

Rõ ràng, sau một thời gian dài sử dụng mạng xã hội một cách thoải mái, không suy nghĩ nhiều, với quan điểm "đây là chỗ chơi", người dùng đang phải đối diện với chuyện bị thắt chặt trách nhiệm và nghĩa vụ khi chia sẻ lại các nội dung.

Đặc biệt nhất là các nội dung video, bởi đơn giản, facebook đã bắt đầu kích hoạt tính năng video để cạnh tranh trực tiếp với youtube. Sẽ có những người sáng tạo nội dung (content creator) kiếm được tiền trên các video facebook và nền tảng này đã bắt đầu thu quảng cáo đính kèm vào các nội dung video.

Chính vì thế, hoạt động bản quyền càng được thắt chặt. Nhất là khi facebook cũng bắt  đầu nhảy vào thị trường bóng đá khi họ đã mua bản quyền giải Champions League đắt giá cho khu vực châu Mỹ đồng thời đang hướng tới chuyện mua bản quyền World Cup 2022 ở Qatar.

Nhiều người làm trong ngành truyền thông đều nhận ra rằng sức ép của các nền tảng trên internet lên ngành truyền hình truyền thống đang rất mạnh mẽ. Và để cạnh tranh với truyền hình truyền thống, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng. Từ động thái thắt chặt kiểm soát vi phạm bản quyền video này, facebook được cho rằng sẽ hướng tới nhất thể hóa tài khoản cá nhân với nhân thân người dùng ở ngoài đời, tránh tình trạng các tài khoản nặc danh để luồn lách vi phạm ngắn hạn theo kiểu diệt tài khoản này thì sẽ nảy sinh tài khoản khác. Và nếu mục tiêu này đạt được, người dùng mạng xã hội sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều nếu không muốn bị "tước mạng tịch".

Như chúng ta đã được nghe, mạng xã hội tạo nên sự hỗn loạn ra sao suốt thời gian qua. Ai cũng lo sợ sự hỗn loạn ấy có thể gây ra những hệ quả đối với cấu trúc xã hội cùng rất nhiều mối quan hệ thể lý ngoài đời.

Nhưng đúng như quy luật, cái gì tới đỉnh điểm của nó thì cũng sẽ phải tự điều chỉnh chính nó. Việc facebook nói riêng và các mạng xã hội khác nói chung bắt đầu quản lý chặt chẽ hơn các tài khoản người dùng, sẵn sàng tước "mạng tịch" của một cá nhân nào đó là động thái cần phải có trong bối cảnh xã hội hôm nay.

Còn chúng ta, nếu muốn thực sự chơi với mạng xã hội để vui, để tận dụng nó nhằm hỗ trợ cho công việc của mình, chúng ta cũng bắt đầu nên học thói quen thận trọng khi chia sẻ, nhận xét, đánh giá và truyền tin. Đó chính là trách nhiệm xã hội của mỗi người, một trách nhiệm không ai có quyền lảng tránh.
Văn Đoàn
.
.