Giá rét và lửa ấm
Ngay từ giữa năm 2020, theo nhận định của ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: "Về dự báo Enso, hầu hết các mô hình dự báo đều có độ tin cậy khá cao và dự báo cuối năm nay chuyển sang pha La Nina, ảnh hưởng của không khí lạnh rất rõ ràng. Mùa đông đến sớm hơn, có những đợt lạnh kỷ lục và lạnh hơn so với trung bình nhiều năm. Lưu ý xảy ra rét đậm, rét hại ở vùng miền núi phía Bắc"(theo Báo Tuổi trẻ).
Quả thật, cho đến thời điểm này, ở đợt lạnh thứ 3, nhiều tỉnh phía Bắc đã giảm nhiệt xuống dưới 10 độ, cá biệt có những nơi như đỉnh Mẫu Sơn âm 1,4 độ.
Anh Phạm Đình Quý và các em học sinh miền núi trước lớp học mới ấm áp tình người - Nguồn ảnh: Báo Lao động. |
Giá rét, tuy lâu nay không được dân gian liệt vào một trong 4 mối họa (thủy, hỏa, đạo, tặc) nhưng lại là nguyên nhân gây ra nhiều thiệt hại. Mùa đông năm 2016 vốn được xem như một mua đông kỉ lục về giá rét với những con số thống kê như: có gần 2.000 con gia súc bị chết, gần 4.500 ha hoa mầu bị thiệt hại, diện tích rừng bị tuyết che phủ là trên 151.842 ha. (Tính đến ngày 26/1-theo Baochinhphu.vn).
Cũng như rất nhiều thách thức khác có nguyên nhân từ sự biến đổi khí hậu đòi hỏi những phát kiến khoa học nhằm khắc phục phần nào, việc phòng tránh hậu quả của giá rét đòi hỏi sự chung sức của các cấp chính quyền, tác tổ chức xã hội và mỗi cá nhân.
Trước khó khăn ấy, tấm lòng của những người giàu lòng nhân ái như một ngọn lửa ấm, bền bỉ, có sức lan tỏa. Tấm lòng ấy không chỉ được thể hiện khi những đợt không khí lạnh tràn về, sưởi ấm cái lạnh cắt da, cắt thịt mà đã trở thành việc làm thường xuyên, đều đặn sưới ấm những trái tim và thắp lửa cho những ước mơ…
Chỉ cần lướt qua các trang báo, chúng ta đã biết tới rất nhiều chương trình tặng áo ấm, chăn ấm cho đồng bào miền núi rất thiết thực và cấp thiết mới diễn ra gần đây như: “Chương trình tình nguyện Mùa Đông năm 2020”, “Xuân tình nguyện 2021” do Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Ninh phát động; Chương trình phối hợp giữa VKSND tỉnh Lai Châu và VKSND quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng trao tặng “Áo ấm mùa đông” tại trường tiểu học nội trú điểm bản Phìn Khò, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; Chương trình “Áo ấm mùa đông biên giới” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phát động…
Dường như, đã hình thành trong suy nghĩ người việt một “phản xạ”, hễ xảy ra thiên tai, thiệt hại, ý thức về tương thân tương ái, hỗ trợ chia sẻ luôn thường trực. Nhiều bạn trẻ hiện đang làm công nhân, thợ sửa chữa, chạy xe grap… ở các thành phố tuy không có thu nhập cao những vẫn dành dụm khoản tiền nhỏ để mua hàng hóa ủng hộ những người nghèo khó.
Ngọn lửa ấy không chỉ sưởi ấm cho một vài hoàn cảnh khó khăn mà còn thắp sáng cho niềm tin về giá trị đạo đức, góp thêm nét đẹp vào kho tàng thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.
Ngay từ khi mùa đông chưa về, chúng ta đã có những tấm lòng cao đẹp đi khắp cả nước để xây dựng những ngôi nhà ấm áp cho học sinh vùng khó khan - những ngọn lửa được thắp lên rất sớm như câu chuyện về anh Phạm Đình Quý (SN 1973), một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng năm 2018 – đã đi khắp đất nước xây dựng được 136 trường học cho học sinh nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn…
Những chiếc áo ấm của đoàn viên, thanh niên huyện Vũ Thư, Thái Bình được trao cho trẻ em huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên trong những ngày giá rét-Nguồn ảnh: Báo Thái Bình. |
Trong quan niệm của người Việt Nam bấy lâu nay, cái rét không chỉ mang nghĩa thực mà còn là biểu tượng của cái đói, cái nghèo, của cơ hàn… những điều kiện khó khăn do địa lý, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, do thói quen canh tác… đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, những chính sách của chính quyền, sự tương trợ của những tấm gương vượt khó, làm giàu trên quê hương mình, những mô hình giảm nghèo hiệu quả trong những năm qua trên khắp mọi miền đất nước cũng giống như những ngọn lửa ấm xua tan đói, rét tạo nên không khí ấm áp lan tỏa.
Một năm cũ đã dần khép lại, trong sự hối hả của những ngày cận Tết, chúng ta có dịp ngẫm ngợi về điều này để nhận ra những chuyến biến trong đời sống, thấy được cả những điều cần phải phát huy mạnh mẽ trước những diễn biến mới trong đời sống từ giá rét và lửa ấm.
1. Vụ bạo loạn ở đồi Capitol (Mỹ) ngày 06/01/2021 chắc chắn sẽ còn được dư luận nhắc đến với nhiều lý giải, bình luận. Chúng ta đã chứng kiến nhiều quốc gia, ở các châu lục vốn có nền kinh tế phát triển ở mức cao, có nền văn hóa lâu đời và phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, chính những bất ổn về chính trị đã khiến cuộc sống của họ rơi vào tình trạng khó khăn trong nhiều nằm qua.
Bởi thế, để duy trì được một xã hội có nền kinh tế phát triển, ổn định, kiềm chế lạm phát và ổn định chính trị không hề dễ dàng, đó luôn là ước mơ của những người yêu hòa bình và tiến bộ. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trở thanh mảnh đất lành, đất ấm để nhiều du khách muốn tới du lịch, nhiều tập đoàn kinh tế muốn đầu tư kinh doanh…
2. Cái giá lạnh của ngày hôm nay gợi chúng ta nhớ đến những ngày đầu năm Canh Tý 2020 khi đại dịch COVID - 19 lan rộng trên thế giới. Nhưng, chính thành công của Việt Nam sau hai làn sóng của đại dịch cho thấy một sự đồng lòng của chính phủ, nhân dân chính là lá chắn thép vững vàng nhất.
Trong bất kì cuộc chiến nào nếu không có tinh thần đoàn kết ấy thì dù có trong tay các loại vũ khí tối tan hay thiết bị, phương tiện hiện đại đến đâu cũng sẽ thất bại. Chính quyền và nhân dân ta đã khơi dậy tinh thần ngọn lửa yêu nước chống ngoại xâm năm xưa để tạo ra sức mạnh tạo nên một chiến tích về thành tích phòng, chống đại dịch COVID - 19 của hôm nay được dư luận thế giới đánh giá cao…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định về tinh thần quyết tâm và thành công này trong lời phát biểu của mình: "Chúng ta phải quyết tâm giữ được thành quả chống dịch càng lâu càng tốt để có một cái Tết an toàn, ấm cúng, tươi vui. Năm nay, tiêu chí an toàn càng quan trọng". (theo Báo Tuổi trẻ).
Ngọn lửa ấm áp này không chỉ là sức mạnh của một vài thế hệ ở hoàn cảnh lịch sử nhất định, mà đã trở thành đặc trưng truyền qua nhiều thế hệ, được thắp sáng bằng tinh thần của những bạn trẻ hôm nay.
3. Hẳn ai trong chúng ta cũng từng “đau xót” khi biết được thông tin về các vụ tham nhũng, làm thất thoát tài sản Nhà nước như: Đại án Ngân hàng BIDV thất thoát 1.700 tỉ đồng; đại án Vinashin thiệt hại 1.100 tỷ đồng; vụ án Dương Chí Dũng thiệt hại 360 tỷ; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như thiệt hại 14.000 tỷ đồng…
Nhưng, chính những biện pháp mạnh mẽ chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ đã tạo ra niềm tin rất lớn với nhân dân như lời khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” (theo Báo Thanh niên).
Như một quy luật của tự nhiên, qua đông giá đến mùa xuân ấm áp, để vượt qua những gian nan, thử thách đòi hỏi cần mỗi chúng ta nhen lên ngọn lửa của tinh thần vì những giá trị tốt đẹp của cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Khi chúng ta mong có một chiếc xe sang trọng hơn, một chiếc điện thoại với công nghệ cao hơn thì chúng ta cũng đừng quên chiếc xe đó, chiếc điện thoại đó sẽ chỉ có ý nghĩa khi đến bản làng đã no ấm, ghi lại hình ảnh một xã hội tốt đẹp hơn.
Tất cả phải là những đồng tiền có được từ mồ hôi, nước mắt, trí tuệ sáng tạo mới có thể sưởi ấm cho chính chúng ta, sưởi ấm cho cả những người lam lũ, cơ hàn mới tạo ra được ngọn lửa sáng, xua tan cái lạnh lẽo của sự vô cảm, nhẫn tâm, cơ hội, trục lợi… tạo ra một cuộc sống thật sự ổn định, phát triển và có ý nghĩa hơn…