Bông mai nở giữa mùa xuân
- Giáo sư Hà Minh Đức: Không thỏa hiệp với chính mình1
- Giáo sư Hà Minh Đức ra mắt tập bút ký “Hà Nội – Gặp gỡ với nụ cười”
- Giáo sư Hà Minh Đức: Người già ngồi sưởi cùng với bóng
- Giáo sư Hà Minh Đức: Tôi chỉ là tôi...
Thế là cuộc đời đã di dần đến đoạn kết của mỗi con người đúng như câu thơ của Lý Bạch: "Sáng tóc còn xanh như liễu, chiều đã bạc như tơ". Hai thầy trò tôi bữa nào tóc còn xanh như mộng nay đã lốm đốm úa vàng. Vẫn biết sinh lão bệnh tử vốn là quy luật của đời người như nhà Phật đã tổng kết mà không thể không nhuốm buồn khi thấy cuộc đời con người cuối cùng là cuộc du hành vào thời gian miên viễn. Và cái quan trọng nhất chính là cách ứng xử của con người trong chuyến đi đó, một chuyến đi không có vé khứ hồi. Lại nhớ những câu thơ bất hủ của Thiền sư Mãn Giác luận về những quy luật cuộc đời ấy:
Trước mắt việc đi mãi
Sau lưng già đến rồi
Những tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở nhành mai
Tập thơ của Giáo sư Hà Minh Đức chính là đoá hoa mai nở trong mùa xuân của rừng thời gian: "Lạc lối giữa mùa xuân" (NXB Văn học - 2016). Với Giáo sư Hà Minh Đức, dẫu cuộc đời không hoàn toàn chỉ là ngọt ngào, lại ở cái tuổi rất hiếm rồi nhưng ông vẫn ở trong mùa xuân của cuộc đời mình. Điều này thật quý thay và hiếm có thay.
Giáo sư Hà Minh Đức. |
Tập thơ không chỉ ngát hương của mùa xuân để vượt lên cuộc sống mà còn là những triết lý sâu sắc của một con người từng trải, đã đi qua nhiều cảnh ngộ của cuộc đời. Thơ của ông là những dòng sông, những ngọn gió trữ tình mang trầm tích của thời gian, trầm tích của đau khổ và hạnh phúc. Chúng ta xem ông luận về tình yêu. Bên cây cầu tình yêu nổi tiếng ở Praha, ông viết về một cuộc tình đã qua, đầy đau xót và lắng đọng của một con người đã qua ảo mộng thời trẻ:
Thương em thương thân phận mình
Nợ tình không nói mà đau…
Đời người không có kiếp sau
Cơ duyên còn hết biết đâu đợi chờ
Không còn chút ảo mộng của tuổi trẻ. Với mình khi đã đi qua cánh rừng thời gian, ông hiểu nỗi đau khi biết rõ đời người không có kiếp sau. Tôi đoán chắc rằng ông đau hơn chàng Trương Chi thuở xưa trước khi trầm mình xuống dòng sông còn hát được câu:
Kiếp này đã dở dang nhau
Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành
Dẫu sao thì trong lòng chàng Trương Chi ngày xưa còn lưu chút hy vọng. Ở đây nhà thơ già biết rõ sự thật cay đắng là sẽ chẳng còn chút hy vọng nào vớt lại được từ cuộc tình năm xưa ấy, dẫu chỉ là một lời nói dối hão huyền, bởi không ai có thế tắm hai lần trên cùng một dòng sông cả. Nhưng tình thì vẫn còn, vì thế đành gửi vào thơ như là một lời xin lỗi xót xa dẫu có muộn mằn. Vì thế dư vị trong thơ Hà Minh Đức rất sâu bởi sự trải nghiệm của ông mà ít nhà thơ trẻ hôm nay có được.
Thơ của ông giống như một loại rượu quý cất bằng thời gian. Gạo quý, men quý, lại còn được chôn xuống đất ủ bằng những năm tháng thăng trầm của cuộc đời, vì thế người uống cũng nhẹ nhàng ngậm trong miệng để lắng nghe hương rượu lắng lại: một chút đắng cay, chút hương chắt lọc đến độ tinh tế không khiến ta say nhưng khiến tâm hồn ta vật vã như nghe tiếng đàn của nàng Kiều thuở trước: "Bốn giây nhỏ máu năm đầu ngón tay".
Cứ giản dị thế, thơ Hà Minh Đức đi vào lòng người đọc. Cũng như thế ta đọc bài thơ về bức tượng "Người đàn bà ăn mày và con chó":
Bà mẹ ăn mày nằm đường
Con chó vẫn ngồi bên chủ
Bà như đi vào giấc ngủ
Hoa tuyết rơi phủ trắng phố phường
Bà mẹ ăn mày đã ra đi trong bàn tay của Chúa giữa thành phố phồn hoa sáng rực ở châu Âu. Và chỉ nỗi đau còn lại. Bà đã hoá thành Thánh nữ trong bức tượng đài bằng đồng để ban phước lành cho con người. Mọi nỗi đau sẽ được hoá giải trong lòng nhân ái, trong tính nhân văn vĩ đại của loài người. Đọc thơ ông bất giác lại nhớ đến câu chuyện Cô bé bán diêm của Anđecxen. Con người trườn lên vật vã trong kiếp người của mình để kiếm tìm một chút hy vọng dẫu cả trong muộn mằn.
Hà Minh Đức là một nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng. Và trong thơ, ông cũng thể hiện điều ấy khi viết về chân dung các nhà văn lớn và các nhân vật văn học như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Xuân tóc đỏ, Nghị Hách, Thị Nở. Ông "đóng đinh" các nhà văn bằng những đánh giá chính xác và sâu sắc:
Người tôn vinh sự thật
Một trăm năm đã đi qua
Những trang viết vẫn thắm tươi nét mực
(Vũ Trọng Phụng)
Đó cũng là Chí Phèo độc thoại:
Tôi sinh ra
Trong rơm rạ làng Vũ Đại
Lang thang khắp thiên hạ
Lại lần về cố hương
Và cái kết cũng khá ghê gớm:
Tôi không tuyệt tự
Đời nay vẫn còn nhiều người như tôi
(Chí Phèo)
Và tuy không phải thiền sư nhưng với sự tự ngộ bằng chính cuộc đời của mình, ông đã có một bài thơ đầy chất thiền:
Ngày mai
Đời người chỉ có một ngày mai
Điều hôm nay có được
Ngày qua đã cũ rồi
Ngày mai chờ đợi
Người thiếu nữ sẽ già trong mộng tưởng
Danh vọng là vầng trăng treo
Gà đầu thôn đã gáy
Ngày mai sắp đến rồi
Đọc bài thơ này chúng ta lại nhớ đến hương vị thiền sâu sắc của một trái tim vĩ đại khi đã giác ngộ và buông bỏ những câu thơ nổi tiếng của Trần Nhân Tông khi đã dứt thế sự vào rừng:
Khách sang không hỏi chi nhân thế
Chỉ tựa lan can ngắm bầu trời
Bởi vì buông là được. Người bình thường như chúng ta lại ít biết cái chân lý ấy.
Đọc thơ Hà Minh Đức, chúng ta thấy một sự bình tĩnh và lạc quan. Bình tĩnh để sống và lạc quan là những phẩm chất đáng quý của con người và tập thơ của thầy giúp chúng ta đi qua cuộc hành trình vào thời gian trong cuộc đời của mỗi con người.